(VOV5) - Bản lĩnh của ông Lê Đức Thọ trong ngoại giao là chủ động tấn công kẻ thù, nhưng kết hợp cả những vấn đề có tính nguyên tắc và cả sự mềm dẻo trong trong đấu tranh ngoại giao.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Lê Đức Thọ, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã có nhiều năm hoạt động ở chiến trường Nam bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Lê Đức Thọ cũng giữ nhiều trọng trách trong Đảng và có đóng góp đặc biệt quan trọng trong vai trò là Cố vấn đặc biệt của đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tháng 4/1968, khi đang là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông Lê Đức Thọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi gấp về Hà Nội, chuẩn bị sang Paris đảm đương sứ mệnh “Cố vấn đặc biệt” Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp đàm phán với đại diện Hoa Kỳ về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ông Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt Hiệp
định Paris. Ảnh: TTXVN |
Tại Hội nghị Paris, với tư cách là “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua hoạt động trong các cuộc đàm phán công khai và bí mật, trong các buổi họp báo, chỉ đạo ra “Thông cáo báo chí”, ông Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng làm cho nhân dân tiến bộ trên thế giới hiểu rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Đặc biệt, trong tất cả các cuộc đàm phán bí mật với Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Kissinger hay trên bàn Hội nghị, ông Lê Đức Thọ đều nêu rõ thiện chí của nhân dân Việt Nam mong muốn chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời khẳng định lập trường của nhân dân Việt Nam là kiên quyết chiến đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, khi nhớ về ông Lê Đức Thọ, đã khẳng định: trong suốt gần 5 năm đàm phán ở Paris, ông được ví như vị tướng ngoài biên ải. Ông đã có sự vận dụng sáng tạo, luôn giành thế chủ động tấn công, buộc đối phương phải đi vào đàm phán theo cách của mình.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang. Ảnh: TTXVN |
Còn thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Đặng Hoàng Giang cho rằng trên bàn đàm phán, ông Lê Đức Thọ luôn khiến đối phương nể phục bằng sự mưu lược và tài trí của một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm: "Trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, Việt Nam là một nước nhỏ và hầu như chưa có kinh nghiệm trong mặt trận ngoại giao, so với Mỹ là một nước lớn và sừng sỏ, có tiềm lực quân sự và ngoại giao. Kissinger là một nhân vật “sừng sỏ” trong làng ngoại giao của Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, trước ông Lê Đức Thọ thì Kissinger luôn phải tâm phục, khẩu phục trước những lý lẽ, lập luận đanh thép của ông. Tôi cho rằng ông Lê Đức Thọ thực sự đã thể hiện bản lĩnh, tài năng và trí tuệ."
Trong các cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris, Mỹ luôn tìm cớ trì hoãn việc kí kết Hiệp định Paris bằng cách đưa ra những đòi hỏi khó chấp nhận đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Khi Ngoại trưởng Kissinger liên tiếp đưa ra những đòi hỏi vô lí và ngầm đe dọa ngừng đàm phán, ném bom trở lại…, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã khẳng khái đáp lại: "Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười mấy năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết; không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu".
Nếu như trên bàn đàm phán, ông Lê Đức Thọ luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược, thì tại các cuộc họp bí mật với ông Kissinger, ông Lê Đức Thọ luôn thể hiện ý chí tiến công, sẵn sàng tranh luận đến cùng, thái độ điềm tĩnh, ứng biến uyển chuyển, nhưng lúc cần rất cứng rắn, đanh thép.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: "Điều rất quan trọng thể hiện trí tuệ, bản lĩnh là ông Lê Đức Thọ nắm rất chắc kẻ thù. Nói như ngoại trưởng Kissinger là “đọc được suy nghĩ của đối phương”. Tức là hiểu được ý đồ của đối phương nói cái gì, biết được ý đồ đối phương là cái gì. Cho nên bản lĩnh của ông Lê Đức Thọ trong ngoại giao là chủ động tấn công kẻ thù, nhưng kết hợp cả những vấn đề có tính nguyên tắc và cả sự mềm dẻo trong trong đấu tranh ngoại giao."
Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của các cuộc đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, trong đó có sự đóng góp xuất sắc của ông Lê Đức Thọ. Quá trình đám phán Hiệp định Paris là dài nhất trong lịch sử ngoại giao hiện đại, gây tiếng vang lớn trong dư luận và thế giới. Hình ảnh của ông tràn ngập trên các trang báo lớn ở Mỹ, phương Tây.
Năm tháng trôi qua, nhưng dấu ấn của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại cuộc đàm phán Paris (1968 - 1973) vẫn hết sức đậm nét. Thành quả đó là dấu son chói lọi trong lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.