(VOV5) -Những thành công bước đầu là động lực để anh tiếp tục đam mê nghiên cứu, tìm hướng đi mới và nếu có kiên trì, quyết tâm, lao động nghiêm túc sẽ thành công.
Xuất thân từ một gia đình nghèo ở huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương, không được qua đào tạo trường lớp nhưng anh nông dân Phạm Văn Hát, sinh năm 1972 từ thực tiễn lao động đã phát minh rất nhiều nông cụ, máy móc mang lại lợi ích thiết thực trong hoạt động nông nghiệp và cuộc sống. Những sáng chế của anh Hát không chỉ ứng dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu tới 15 quốc gia. Mới đây, anh Phạm Văn Hát một lần nữa được vinh danh gương mặt Nông dân toàn quốc tiêu biểu 2017.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đến triển lãm quốc tế Growtech 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội, khách tham quan khá ấn tượng với gian hàng trưng bày hai sản phẩm của anh nông dân đến từ tỉnh Hải Dương có tên Phạm Văn Hát. Đó là chiếc máy gieo hạt tự động và robot phun thuốc trừ sâu thế hệ mới có kêt cấu đơn giản và tính năng độc đáo.
Anh Hát giới thiệu sản phẩm máy phun thuốc diệt sâu thế hệ mới tại Triển lãm Growtech 2017 ở Hà Nội |
Anh Sơn Vinh từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đặt mua sản phẩm của anh Hát cho biết: “Tính ưu việt của sản phẩm này là thay thế được nhân công, tiết giảm chi phí. Máy dễ sử dụng so ra thì giá rẻ. Ngoài ra tôi cũng nghĩ nó cũng phù hợp với tiêu chí về môi trường nữa. Thực sự những sáng chế này rất cần vì chúng đóng góp rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển”.
Anh Phạm Văn Hát sinh năm 1972, quê Tứ Kỳ Hải Dương |
Anh Phạm Văn Hát kể tình cờ đến với nghề cơ khí khi phụ việc tại xưởng Bông Sen. Ở đây anh được phân công nghiên cứu cơ chế hoạt động và sửa chữa máy nổ. Năm 2001 anh mở xưởng tại nhà nhưng không thành công. Sau đó, vợ chồng anh chuyển sang mở trang trại trồng rau an toàn. Thất bại lần nữa đẩy gia đình anh vào cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất.
“Sau bước vỡ nợ đó, năm 2010, tôi xin đi lao động sang Israel, nơi có nền nông nghiệp phát triển, thứ nhất để làm lấy tiền trả nợ. Thứ hai để tìm hiểu tại sao mình lại liên tiếp thất bại. Tôi nhận thấy, ở Israel có nhiều máy móc hiện đại bậc nhất thế giới nhưng người nông dân vẫn phải làm thủ công ở nhiều khâu nhỏ lẻ. Sau khi chế tạo cho nhà chủ máy rắc phân, máy lên luống tôi được nâng lương và kéo dài hợp đồng. Sau 2 năm, tôi quyết định về nước”.
Robot gieo hạt tự động thương hiệu "Hát sáng chế" rất hữu ích cho bà con nông dân |
Từ ý tưởng sáng chế thành công ở Ixrael, năm 2012 anh Hát trở về mở lại xưởng cơ khí với tham vọng sau này sẽ sáng chế máy móc phục vụ cho chính người nông dân Việt Nam. Được sự động viên, giúp đỡ từ gia đình bạn bè, anh nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực cơ khí tự động hóa nông nghiệp.
Từ những kinh nghiệm thực tế, trí thông minh và đôi tay khéo léo,chỉ sau 3 năm anh đã chế tạo được hơn 30 nông cụ và máy móc giúp đỡ hiệu quả trong công việc đồng áng như máy làm đất 3 lưỡi cày, máy ép luống, lò sấy đa năng, máy thu hoạch nông sản, máy lên luống, máy trồng khoai và mới đây nhất là rô-bốt gieo hạt tự động, máy phun thuốc trừ sâu thế hệ mới.
Trong một giờ, máy phun thuốc "Hát sáng chế "có thể phun được 3 mẫu ruộng |
Thấy rõ hiệu quả, xưởng của anh sau đó tập trung sản xuất theo đơn đặt hàng, cung ứng ra thị trường hàng trăm sản phẩm mỗi năm. Nhiều sản phẩm thương hiệu “Hát sáng chế” đến nay có mặt không chỉ ở thị trường trong nước mà còn được ưa chuộng tại nhiều nước:
“Hiện tại, máy gieo hạt tự động của tôi đã có mặt tại 63 tỉnh thành và 14 nước trên thế giới. Những khác biệt của sản phẩm do tôi tạo ra là giá thành hợp lý, dễ sử dụng, độ bền và hiệu quả cao. Chẳng hạn như chiếc máy gieo hạt có thể thay thế hơn 40 người trên một công làm việc. Vì đạt được những tiêu chí đó nên sản phẩm đến với bà con rất nhanh chóng”.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệm Bộ KH& XH đánh giá cao sáng chế của anh Phạm Văn Hát |
Anh Phạm Văn Hát cho biết sắp tới sẽ mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng cường khâu tiếp thị quảng bá, bán trả chậm cho bà con nông dân.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Bộ KH&CN nhận xét:“Anh Hát là một trường hợp đặc biệt. Trong các sáng chế, anh ấy kết hợp được không chỉ tư duy kỹ thuật, tự động hóa cơ khí rất cao mà còn tư duy về thị trường, kinh doanh nên tính ứng dụng cũng như giá thành rất hợp lý. Điển hình hơn, anh Hát là một nhà sáng chế không chuyên đã phát minh các sản phẩm có tính ứng dụng cao trong nước và nước ngoài, qua đó thúc đẩy một số sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ VN sẽ hỗ trợ anh Hát trong nghiêu cứu cũng như thương mại hóa những sản phẩm sáng chế”
Anh Hát được nhận được nhiều bằng khen, huy chương, huân chương vì những sáng chế nông cụ tiện ích cho người nông dân |
Hiện nay, anh Phạm Văn Hát được đánh giá là một hình mẫu điển hình thành công nhờ sự sáng tạo, ham tìm hiểu, học hỏi, không ngừng cải tiến, chế tạo thêm nhiều máy nông cụ để giúp bà con nông dân. Anh được nhận nhiều bằng khen, huy chương và Huân chương Độc lập do Nhà nước trao tặng.
Nhà sáng chế nông dân 47 tuổi này tâm sự, những thành công bước đầu này là động lực để anh tiếp tục đam mê nghiên cứu, tìm hướng đi mới, mà theo anh nếu có kiên trì, quyết tâm và lao động nghiêm túc sẽ mang lại thành công.