(VOV5)- Xứ Huế nổi tiếng không chỉ vì là nơi tập trung những đền đài lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, những ngôi chùa, nhà thờ, đền đài cổ kính, mà Huế còn là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng. Núi Ngự và sông Hương là hai thắng cảnh nổi tiếng của đất cố đô. Sông Hương - Núi Ngự luôn hiện hữu bên nhau, đi vào đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương và tồn tại trong tâm thức dân tộc Việt từ thế kỷ 18 đến nay.
|
Chùa Thiên Mụ soi bóng bên dòng sông Hương - Ảnh minh họa: internet
|
Đối với người dân Huế, mảnh đất cố đô đẹp và thơ mộng chính là nhờ sông Hương. Sông Hương dài 80 km bắt nguồn từ dải Trường Sơn hùng vĩ, chạy quanh co uốn khúc qua núi, rừng trùng điệp, vắt ngang giữa thành phố Huế, kéo dài tới phá Tam Giang trước khi ra cửa biển Thuận An. Trước khi mang tên Sông Hương, theo thời gian, con sông này còn có nhiều tên gọi khác nhau như Linh Giang, Thiên Trà đại giang, Hương Trà, Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Phan Thuận An cho biết: "Về tên gọi sông Hương thì có nhiều giả thuyết khác nhau nhưng tôi thiên về giả thuyết bắt nguồn từ địa danh Hương Trà. Dòng sông nào cũng mang 1 cái tên của vùng đất. Phú Xuân - Huế ngày xưa thuộc đất Hương Trà, là một lưu vùng mà sông chảy qua suốt huyện Hương Trà. Vì thế người ta dùng tên huyện Hương Trà để đặt tên cho dòng sông. Lúc đầu gọi là sông Hương Trà, sau gọi tắt là sông Hương."
Hay còn có cách giải thích khác về tên gọi sông Hương - sông thơm, đó là từ xa xưa dòng sông này chảy qua những cánh rừng nhiều thảo mộc có hương thơm, nên khi vào thành phố Huế dòng sông mang theo hương thơm của cây cỏ tự nhiên.
Sông Hương lững lờ trôi qua thành phố Huế, qua các danh thắng lịch sử trầm mặc và cổ kính, như mang một vẻ huyền bí mà cũng rất đỗi thơ mộng. Ngồi trên thuyền xuôi theo dòng nước, du khách ngắm cảnh xung quanh kinh thành Huế, vượt qua cầu Dã Viên, Phú Xuân, Tràng Tiền, đến thăm lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ... hoặc xuôi về Thuận An tắm biển, thưởng thức các món đặc sản biển. Đặc biệt, vào buổi tối, du khách trong nước và nước ngoài thường lựa chọn tour đi thuyền rồng nghe ca Huế. Giữa một trời mây nước, câu ca Huế hay những khúc hò Huế vang khiến du khách cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái.
Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, hai địa danh tạo nên vẻ sơn thuỷ hữu tình của Huế. Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Núi Ngự Bình có tên là Bằng Sơn hay Bình Sơn, là ngọn núi hình thang, cao 105m, hình dáng giống bức bình phong, hai bên có hai núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn. Theo các nhà nghiên cứu sử học, ngày xưa từ chân núi lên đến đỉnh núi các vua chúa cho trồng thông, quanh năm xanh tốt. Nhìn ngọn Ngự Bình cùng hai ngọn Tả Phù - Hữu Bật trông giống như con phượng hoàng đang xoè cánh che chở cho thành trì của các Vua Chúa thời trước. Nơi đây cũng được nhiều bậc tao nhân mặc khách coi là chốn thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú. Chị Hoàng Bích Hạnh, hướng dẫn viên hãng lữ hành Sinhcafe Tourist, giới thiệu: “Những ngày trời quang, đứng trên đỉnh Ngự Bình có thể ngắm toàn cảnh thành phố. Thấy được các cung điện nguy nga, mái chùa cổ kính và cả dòng sông Hương hiền hòa. Ngay trước tầm mắt là các khu đồi, là rừng thông bát ngát, rồi tiếp đến là một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thuỷ, Phú Vang, Hương Trà... xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp ẩn khuất trong mây. Khi đến thăm núi nên mang theo ống nhòm để ngắm được toàn cảnh, cả ở phía xa. Rất đẹp."
Cái đẹp của núi Ngự không phải là về mặt phong thuỷ che chở cho kinh thành Huế, cái đẹp của núi Ngự chính là chỗ nơi đây gần gũi với dân Huế, như một tòa lầu vãn cảnh. Từ trên cao, du khách phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh kinh đô Huế.
Với địa hình được thiên nhiên ban tặng như thế, Sông Hương - núi Ngự không chỉ là tài nguyên du lịch giàu đẹp mà còn là nơi nuôi dưỡng đời sống tâm linh Huế. Có lẽ chính 2 thắng cảnh gắn liền với nhau làm cho Huế thêm đẹp và thi vị hơn không chỉ trong mắt người dân cố đô mà cả những du khách phương xa một lần đến thăm Huế.