(VOV5) - Đến với quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) quý vị sẽ được đến thăm những ngôi nhà, những điểm đảo, nằm trên những bãi đá san hô rộng lớn ngoài khơi xa, mà những người lính Hải quân hay gọi là “Đảo chìm”. Đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng những cán bộ chiến sỹ và người dân sinh sống trên “Đảo chìm” vẫn từng ngày, từng giờ bám trụ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
“Đảo chìm” hay còn gọi là “Đảo Đá ngầm” là những điểm đảo được xây dựng trên bãi đá san hô ngập nước. Quần đảo Trường Sa có nhiều bãi san hô, trong đó có nhiều đảo có quân và dân sinh sống, như các đảo: Đá Nam, Đá Lớn, Thuyền Chài, Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát và Đá Thị. Gọi là điểm đảo nhưng thực ra mỗi Đảo chìm thường có một, hai ngôi nhà được xây dựng kiên cố. Tuy nhỏ nhưng ngôi nhà có đầy đủ phòng bếp, phòng ăn, phòng họp, phòng tập thể thao và phòng ngủ. Điểm đảo nào có 2 ngôi nhà thì nối với nhau bằng một cây cầu, các chiến sỹ hay lấy tên những cây cầu ở quê hương để đặt tên cho cây câu nơi đảo xa mà họ đóng quân.
|
Đảo đầu tiên mà tôi đặt chân khi đến với Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, là Đảo chìm Đá Lát. 5h, những tia nắng đầu tiên đã ló rạng… Nhìn từ xa, Đá Lát nằm yên bình giữa những vòng tròn màu sắc được tạo bởi bãi san hô, bãi cát và những đợt sóng nhỏ. Thượng tá Nguyễn Viết Thuân, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ Đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, cho biết hôm nay biển lặng nên vào đảo rất dễ, còn những ngày biển động, chỉ dám đứng trên tàu nhìn đảo lọt thỏm giữa những cơn sóng dữ. Ông Thuân chia sẻ: “Bãi đá san hô này khi thủy triều lên thì nằm hoàn toàn dưới nước từ 1m đến 3m. Khi thủy triều xuống thấp, bãi đá san hô lại nổi lên mặt nước… Vì thế những chiến sỹ hải quân hay gọi những điểm đóng quân nằm trên bãi san hô ngập nước là Đảo chìm. Có những đảo có bãi san hô rất dài như Đảo Thuyền Chài có bãi san hô dài hơn 30km… Để quân và dân sinh sống, phát triển trên đảo, chúng tôi đã xây dựng nhiều ngôi nhà để quân và dân trên đảo có điều kiện khai thác, đánh bắt thủy hải sản và bảo vệ đảo. Đảo chìm gần như không màu xanh của cây cối mà chỉ một vài cây cảnh được cán bộ chiến sỹ và người dân mang ra trồng trong chậu”.
Sinh sống trên các đảo nổi có cây xanh như Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn… đã vất vả, khó khăn song ở đảo chìm, cuộc sống của quân và dân còn gian nan, thiếu thốn hơn gấp nhiều lần bởi diện tích đảo còn khá nhỏ. Có dịp trở lại điểm đảo Đá Thị, Thiếu tá Nguyễn Đức Dụ như được sống lại với những kỷ niệm mà anh từng sống ở đảo năm 2008. Thiếu tá Nguyễn Đức Dụ dạo bước quanh đảo, thăm lại từng phòng, sờ lên từng chậu cây, gọi tên những con chó… đã từng gắn bó với anh và các đồng đội trước đây. Thiếu tá Nguyễn Đức Dụ cho biết hiện đảo chìm đã xây thêm nhiều bể chứa nước, còn trước đây đảo chìm rất thiếu nước. Hồi anh ở đây có những đợt phải 2-3 ngày mới được tắm 1 lần và phải tắm trong chậu để tận dụng lấy nước tưới rau. Còn rau thì luôn được trồng trong chậu nhựa và được cán bộ, chiến sỹ chăm sóc cẩn thận. Ngoài nuôi chó thì hiện nay đảo chìm đã nuôi được gà, vịt”.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quảng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây, năm 2003, đảo chìm chưa có điện. Hiện nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước thì đảo chìm đã có điện năng lượng mặt trời, điện gió, đảm bảo 24/24. Hồi đó xem tivi hay nghe Đài Tiếng nói VN thì sóng còn chập chờn nhưng hiện thì nay các đảo đã có tivi, truyền hình kỹ thuật số, dàn karaoke… và sóng điện thoại đã được phủ khắp đảo. Từ Chương trình góp đá xây Trường Sa, hiện 3 điểm đảo của đảo Đá Tây đã có thêm 3 nhà Văn hóa. Ngoài phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần, đây cũng là nơi đón tiếp, nghỉ ngơi dành cho vợ con, thân nhân các chiến sĩ khi ra thăm đảo.
|
Nhà văn hóa ở đảo Đá Tây |
Thiếu Tá Nguyễn Văn Quảng cho biết: "Cán bộ chiến sỹ trên đảo rất vui mừng, phấn khởi vì đảo có thêm nhà ở để sinh hoạt thoáng mát, có không gian để hoạt động văn hóa, thể thảo sau những giờ huấn luyện, công tác; có nơi để tiếp đón ngư dân khi bão gió, ốm đau. Với đặc điểm đảo Đá Tây là khu vực có lòng hồ vì vậy có nhiều thuyền của ngư dân đến tránh, trú bão. Trong năm vừa qua, Đá tây có rất những lần cứu nạn, cứu hộ ngư dân trên biển thành công… Đó là những kỷ niệm không quên vì chúng tôi đã tạo được niềm tin, sự gắn bó với nhân dân; tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển; khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
|
Gặp mặt ở đảo chìm |
Vượt qua bao khó khăn gian khổ, qua bao sóng gió… Những ngôi nhà trên đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa vẫn đứng hiên ngang, sừng sững giữa biển trời Tổ quốc. Trên những nóc nhà vững chãi ấy, lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc vẫn tung bay, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam./.