(VOV5) - Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ với cá nhân ông Nguyễn Hồng Thao mà còn là sự khẳng định cái tên Việt Nam trên các tổ chức đa phương toàn cầu.
Sau khi trúng cử thành viên Ủy ban luật pháp quốc tế LHQ nhiệm kỳ 2017-2021, tháng 6/2018, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch thứ 2 của Ủy ban này. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ với cá nhân ông Nguyễn Hồng Thao mà còn là sự khẳng định cái tên Việt Nam trên các tổ chức đa phương toàn cầu.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Việc trở thành thành viên ILC, rồi lại giữ trọng trách Phó Chủ tịch của ILC không chỉ là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với cá nhân tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao mà còn cả đối với Việt Nam. Bởi ILC là một trong những cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên Hợp quốc trong lĩnh vực luật pháp. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao cũng như Việt Nam trong suốt thời gian là thành viên của ILC kể từ khi trúng cử. Chia sẻ về trọng trách này, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao cho biết: Tôi mong muốn mang những kinh nghiệm của mình, của đất nước, đóng góp ý kiến tổng hợp để xây dựng nguyên tắc pháp lý, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh của luật quốc tế, cũng như tổng hợp lại những kinh nghiệm cũ để truyền bá những kinh nghiệm đó cho những nước khác trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế. Đây là sự đóng góp mang tầm quốc tế nó ảnh hưởng chung đến tất cả các nước chứ không riêng gì nước nào.
Chân dung Đại sứ Nguyễn Hồng Thao. (Ảnh: vietnamnet)
|
Những người được các quốc gia giới thiệu ứng cử và bầu vào Ủy ban này dựa trên cơ sở năng lực về mặt pháp lý và có đóng góp nhất định cho sự phát triển của luật quốc tế. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, sở dĩ Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao được Bộ ngoại giao tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” bởi ông là một nhà luật pháp, nhà ngoại giao kỳ cựu, chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển, phân định biên giới, tham gia nhiều đoàn đàm phán về biên giới lãnh thổ và xuất bản nhiều đầu sách, báo về luật pháp quốc tế. Và ở cương vị nào, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao cũng có những đóng góp xuất sắc cho lĩnh vực mà mình đảm nhiệm:
Các thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế ILC tham dự Khóa họp thứ 70 tại Geneva. (Ảnh: TTXVN)
|
Chúng ta đề cử dựa trên đánh giá về năng lực về quá trình kinh nghiệm và trình độ học vấn của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao. Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao là người được đào tạo cơ bản tại Liên Xô trước đây và tại Pháp. Đã tham gia nhiều trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực luật pháp quốc tế ở Việt Nam. Ông cũng có tới 40 năm làm việc trong lĩnh vực liên quan đến luật pháp, từng giữ nhiều chức vụ ngoại giao quan trọng.
Nắm vững luật pháp quốc tế, nền tảng học thuật vững chắc và kinh nghiệm thực tế phong phú, thời còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, ông là người có công lớn trong các cuộc đàm phán biên giới lãnh thổ, góp phần hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam-Trung Quốc cũng như thúc đẩy đàm phán trên vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy quá trình phân giới cắm mốc với Lào, Campuchia, đóng góp nhiều sáng kiến tại các diễn đàn, hội thảo về Biển Đông dưới góc nhìn của một nhà làm luật và nghiên cứu sâu về luật. Vì vậy, trong hơn 2 năm qua, kể từ khi là thành viên của ILC và nay là Phó Chủ tịch ILC, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao luôn tích cực đóng góp, thảo luận những chủ đề mà Ủy ban ILC đang nghiên cứu, tích cực nghiên cứu và thúc đẩy những chủ đề gắn liền với thực tiễn Việt Nam như tội phạm mạng; sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân; chống khủng bố và hòa bình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Qua đó, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng pháp quyền và khẳng định sự coi trọng với nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao cho biết: Đối với tất cả các cơ quan pháp lý, tài phán quốc tế, tinh thần thượng tôn pháp luật là trên hết. Nhiệm vụ của Ủy ban luật quốc tế là pháp điển và phát triển luật quốc tế cũng đóng vai trò như vậy. Tham gia Ủy ban này cho thấy chúng ta ngày càng mạnh dạn, tự tin, đủ sức, đủ tài và năng lực để gánh vác những trọng trách không chỉ đối với quốc gia mà cả tầm quốc tế.
Việt Nam đang hội nhập toàn diện, không chỉ hội nhập về kinh tế, về văn hóa xã hội mà còn cả hội nhập pháp lý. Việc Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam đầu tiên, đại diện cho đất nước cũng như đại diện cho khối ASEAN, nắm giữ vị trí quan trọng trong ILC là niềm tự hào của Việt Nam, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam. Đây cũng chính là sự ghi nhận năng lực của người Việt Nam tham gia đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.