Về Cần Thơ thăm vườn cò Bằng Lăng

(VOV5) - Cần Thơ ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng bởi vẻ đẹp tự nhiên với những cánh đồng lúa xanh mướt trải dải tới chân trời, những vườn trái cây trĩu quả.

Khung cảnh thiên nhiên ấy càng trở nên đẹp và thanh bình hơn khi xuất hiện những cánh cò trắng chao lượn mỗi buổi chiều tà, phủ kín một góc trời ở vườn cò Băng Lăng, vườn chim độc đáo nhất ở Miền Tây Nam Bộ. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cách thành phố Cần Thơ chừng 60 km Vườn cò Bằng Lăng thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những sân chim lớn nhất nơi miệt vườn của đồng bằng sông Cửu Long. Đi đến vườn cò Băng Lăng có để đi theo đường bộ băng những cánh đồng lúa, trên những con đường làng rợp bong tre xanh. Nhưng có lẽ thú vị nhất là vào mùa xuân, đi bằng thuyền vào vườn cò, du khách có cảm giác bồng bềnh trên sóng nước cùng hình ảnh hoa bằng lăng nở tím dọc bên bờ sông in bóng xuống mặt nước làm khung cảnh thêm thơ mộng.

Về Cần Thơ thăm vườn cò Bằng Lăng - ảnh 1

Vườn cò Bằng Lăng có đủ các loại cò, thuộc đủ chủng loại khác nhau. Để có thể ngắm những cảnh đẹp khó quên, bạn có thể tới lúc 6-7h để xem từng đàn cò trắng tỏa đi kiếm ăn, hoặc là đến lúc 17h để đón chúng bay về. - Ảnh: Lan Anh/VOV5

Từ xa đã thấy thấp thoáng vườn cò rộng mênh mông với tiếng kêu ríu rít tìm chỗ đậu làm náo động cả một vùng, có lẽ bởi vậy người dân ở đây đặt tên là vườn cò Bằng Lăng. Chủ vườn cò là ông Nguyễn Ngọc Thuyền, dân ở đây thường gọi là ông Bảy Cò hay ông Bảy Thuyền.

Theo lời ông Bảy Thuyền thì vườn cò Bằng Lăng được hình thành theo kiểu tự phát. Vùng này trước kia là ruộng lúa, quanh bờ có một số tre, trúc, tầm vông, dừa nước, trâm bầu, me nước, mù u…

Ông bảy Thuyền kể: “Vườn cò có từ năm 1983, lúc đầu chỉ vài trăm con, nhưng tới năm 1992 còn về ngày càng đông hơn, kín cả vườn, nên tôi phải trồng thêm cây để cò có chỗ đậu.đẻ. Đến tháng 4 năm 1997 thì Du lịch Cần Thơ bắt đầu đưa khách du lịch vào đây tham quan. Tôi nghĩ đất lành thì chim đậu, vùng đât Thốt Nốt là vùng đất lành của tỉnh Cần Thơ, nhờ đó mà nơi đây là nơi bảo tồn thích hợp. Tôi nghĩ đây là tài nguyên thiên nhiên, là tài sản của quốc gia, không phải của riêng ai, nếu nó đến vùng đất của mình thì mình có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn.”

Về Cần Thơ thăm vườn cò Bằng Lăng - ảnh 2

Vườn cò Bằng Lăng luôn hấp dẫn những người thích tìm hiểu về thiên nhiên. - Ảnh: Lan Anh/VOV5

Đến nay vườn cò của ông Bảy Thuyền có diện tích 12.500 m2 và số lượng cò từ vài chục ngàn năm 1997 thì tới nay đã lên tới 200 ngàn con. Theo ông Bảy Thuyền ở đây có hơn 20 chủng loại chim cò như: cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm và cả con Diệc, Cồng Cộc, le le cùng sống chung với nhau. Nhưng nhiều nhất là loài cò ruồi, có trắng, cò xanh, cò quắm, trong đó nhỏ nhất là cò ráng hay còn gọi là cò lửa, lông có mầu đỏ như ráng chiều. Đặc biệt, một số loài như: bồ nông, vạc, bìm bịp, bạc má và một số loài chim quý hiếm cũng hội tụ về đây. Để có thể ngắm những cảnh đẹp khó quên, ở vườn cò du khách thường đến thăm vườn vào lúc 6-7h sáng để xem từng đàn cò trắng tỏa đi kiếm ăn, hoặc đến lúc 5h chiều lúc chúng bay về. Trong ráng chiều đỏ hồng, từng đàn cò nối đuôi nhau bay về, cánh chao nghiêng theo chiều gió, rồi rối rít gọi nhau.

Để bảo tồn đàn cò, trong hàng chục năm trời, ông Bảy Thuyền đã phải bỏ bao công sức, tiền của để giữ gìn, bảo vệ đàn cò. Hiện nay, ông Bảy Thuyền được xem như “nhà cò học” ở Nam bộ với vốn hiểu biết sâu rộng và nhiều kinh nghiệm thực tiễn về cò. Ông tìm hiểu từng tập tính, cách kiếm ăn, đẻ trứng của từng loài. Cò trắng thường đi kiếm ăn ở nơi xa, có những lúc cò trắng bay đi thì đàn Cồng Cộc lại quay về. Vào mùa khô cạn, cò thiếu thức ăn, ông phải vét mương, đào ao thả cá giống để có thức ăn dự trử cho các loại chim cò. Khi lượng thức ăn khan hiếm, ông phải mua thêm cá tôm của những người kéo lưới để nuôi chúng. Có những mùa cò bay về ngày càng nhiều, ông phải trồng thêm cây, tre để có chỗ cho cò về đẻ trứng…

Cứ như vậy, ngày qua ngày công việc luôn chân luôn tay, Ông Bảy Thuyền kể: Cứ 2 năm chăm sóc cây một lần. Hồi năm 2011, một trận lũ lớn gây ngập lụt làm nhiều cây chết thì mình phải trồng lại. Hàng ngày mình vẫn phải qua lại thăm vườn, trồng thêm cây, rồi những ngày mưa gió, có con bị thương rớt xuống đất thì mình chăm sóc, khi nào nó khỏe thì thả về tự nhiên. Ngày nào mình cũng buồn vui với chúng.”

Về Cần Thơ thăm vườn cò Bằng Lăng - ảnh 3 Phần lớn cò tập trung đông đúc về vườn vào mùa sinh đẻ từ tháng 8 đến tháng giêng âm lịch hằng năm. - Ảnh: Lan Anh/VOV5

Với sự tận tụy chăm sóc của ông Bảy Thuyền và gia đình, đàn cò nuôi trong vườn được bảo vệ và chăm sóc tốt nên từ 1983 đến này đàn chim cò không bỏ đi đâu. Nhờ những nỗ lực đó, hiện nay vườn cò Bằng Lăng ở huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ được coi là vườn chim đẹp nhất ở Miền Tây Nam Bộ.

Hàng ngày vương cò Băng Lăng thu hút rất đông khách du lịch và các nhà nghiên cứu đến tham quan. Bức tranh sống động ở vườn cò Bằng Lăng, khung cảnh thiên nhiên thanh bình với hàng ngàn cánh cò chập chờn bay về tổ trong ánh nhập nhoạng của trời chiều mang đến cho du khách cảm giác yên bình thú vị. Vườn cò Bằng Lăng là một trong những địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn nhiều khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến Cần Thơ.     

Tin liên quan

Phản hồi

Nhật

Vườn cò bằng lăng là tài nguyên du lịch sinh thái nào

Các tin/bài khác