(VOV5) - Tọa lạc dưới chân dải núi đá vôi hình vòng cung thuộc vùng đất xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, chùa Thầy từ lâu được biết đến là một trong những ngôi chùa linh thiêng và cổ kính của Hà Nội, đã cả ngàn năm tuổi.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hùng Sơn:
Thủy đình chùa Thầy - Ảnh: Phạm Hằng. |
Đối với những người dân sinh ra và lớn lên quanh ngôi chùa này, từ già đến trẻ, chẳng ai còn lạ lẫm với sự tích li kì về thiền sư Từ Đạo Hạnh- vị trụ trì đầu tiên đã có công chữa bệnh, dạy học cho dân trong vùng.
Anh Đào Văn Lý (nhân viên tổ hướng dẫn giới thiệu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Thầy) cho biết: “Chùa Thầy do Đức Thánh Từ Đạo Hạnh xây dựng và sáng lập nên. Về đây tu hành ngài là thầy tu, ngài còn là thầy lang, hái lá thuốc chữa bệnh cho dân khỏi rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Ngài còn là thầy dạy về văn hóa, như đá cầu, đánh vật, múa rối nước... Nhân dân cảm phục, gọi ngài bằng một từ thân thuộc, đó là chữ “Thầy” và truyền bá chữ “Thầy” đó cho tới ngày nay, chùa Thầy, làng Thầy, núi Thầy, dân sống ở đây người ta gọi là dân Thầy.”
Không chỉ gắn liền với tên tuổi của vị danh tăng Từ Đạo Hạnh - người mở đầu cho tín ngưỡng thờ Thánh Tổ có sức ảnh hưởng lớn thời Lý-Trần, sử sách còn ghi lại nhiều truyền thuyết khác về chùa Thầy xoay quanh cuộc đời Minh Châu công chúa, Bà chúa Đặng Thị Huệ hay Đại phu nhân từ Nguyễn Thị Ngọc Điền.
Nhắc tới những điển tích này, anh Đào Văn Lý cho biết thêm: “Các Bà Chúa về chùa Thầy để quy tam bảo ngôi chùa, trùng tu và sửa sang về chùa. Sau khi bà ấy viên tịch đi, có nghĩa là mất đi thì các đời sau tạc tượng thờ bà. Đặc biệt nhất như bà Lê Thị Ngọc Thánh Minh Châu công chúa, thi hài của bà được an táng tại trên đỉnh núi Sài Sơn, hiện nay ngôi mộ đó vẫn còn, người ta gọi là Am Đức Bà.”
Chắc hẳn nhiều người đã nghe câu ca dao quen thuộc: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Tương truyền, hang Cắc Cớ là nơi thi sĩ Hồ Xuân Hương từng ghé tới vịnh thơ, cái tên “Cắc Cớ” cũng từ ấy mà trở nên thân thuộc với mỗi người dân xứ Thầy.
Ông Tạ Anh Chính, 68 tuổi, hội viên câu lạc bộ văn nghệ sĩ xứ Đoài (huyện Quốc Oai) cho biết: “Bà Hồ Xuân Hương vào thế kỉ thứ 18, về đây đặt cho cái tên là hang Cắc Cớ. Cắc Cớ là theo nghĩa nôm, vào mùa trẩy hội, mùa xuân, trai gái dìu dắt nhau lên đây tâm sự thành duyên. Động Cắc Cớ trong ba tháng xuân, mùa hội thì rất nhiều bạn thanh niên nam nữ về đây du xuân.”
Hang Cắc Cớ vốn được người dân trong vùng coi là nơi đem lại nhiều may mắn về tình duyên, nhưng cũng chỉ những người đã sống lâu năm ở đất Thầy mới tường tận cái sự tích thần bí về hang Cắc Cớ. Vượt qua con dốc với hơn 200 bậc đá trơn trượt và hiểm trở, lên tới đỉnh chùa là tới cửa hang. Hang sâu thẳm, tối om, phải dùng đèn pin và đi dò dẫm từng bước mới có thể xuống được.
Tương truyền, đây từng là nơi 3000 nghĩa quân chống giặc Nam Hán hi sinh. Bà Nguyễn Thị Dậu, 64 tuổi, người đã vài chục năm quanh quẩn với cái chòi bán tạp hóa trên con dốc lên hang Cắc Cớ kể rằng: “Có 3000 nghĩa quân ngày xưa chống quân Nam Hán, khi người ta hết lương thực rút vào hang, bị quân Nam Hán bao vây, lấp cửa hang, cả đoàn nghĩa quân chết đói ở đấy, chịu chết đói chứ không đầu hàng. Sau đó người ta xây cái bể sâu 15 mét rồi xây bệ thờ làm thành ngôi mộ chung. Rất nhiều người đến hang Cắc Cớ để thắp hương cho nghĩa quân.”
Cây gạo cổ thụ như một biểu tượng đẹp tỏa sắc giữa sân chùa. - Ảnh: Phạm Hằng. |
Điều níu chân người ta ở lại lâu hơn với miền đất này, có lẽ không chỉ bởi những truyền thuyết về ngôi chùa đã ngàn năm tuổi, mà còn bởi khung cảnh thanh bình giữa không gian hùng vĩ của núi đồi.
Trước sân chùa Thầy, tòa Thủy đình nổi lên như bông sen trên mặt nước với những mái đao uốn cong làm cho cảnh sắc nơi đây thêm cổ kính. Đặc biệt vào những ngày tháng ba, cây gạo cổ thụ trước sân chùa lại đơm hoa nở đỏ rực một góc trời khiến cho người hành hương vãn cảnh không khỏi thích thú.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Tài (Tổ trưởng tổ hướng dẫn giới thiệu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Thầy) cho biết: “Khi hoa gạo rơi xuống là mùa lễ hội, cảnh chùa Thầy sơn thủy hữu tình kết hợp với màu hoa gạo đỏ tức là rất là may mắn. Đến chùa Thầy tham quan theo tâm lí thoải mái xong bắt đầu ra để thả hồn ngắm cảnh, chụp dưới bóng cây hoa gạo, cảm tưởng như 1 sự may mắn, đem đến cho du khách rất là thích thú”.
“Nhớ ngày mùng bảy tháng ba
Trở về hội Láng trở ra hội Thầy”
Ngày 7/3 âm lịch- ngày vào lễ chính Hội chùa Thầy cũng còn xa lắm. Thế nhưng, khách đến vãn cảnh chùa vẫn chẳng khi nào ngưng.
Những ngày cuối tuần, dòng người tìm về đất Phật còn đông và nô nức hơn cả. Có người về chùa để tìm lại sự thanh thản vốn có trong tâm hồn, nhưng cũng không ít người lại ấp ủ những hy vọng về tình duyên trong tương lai.