(VOV5) - Việt Nam đang nỗ lực từng bước thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo…
Quá trình này sẽ tác động đến những người nghèo, nhóm có thu nhập thấp bởi họ khó theo kịp việc chuyển đổi năng lượng. Đây là 1 trong những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam quan tâm khi triển khai thực hiện Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP, tháng 12/2022). Thực hiện tốt nhiệm vụ này cũng chính là đảm bảo quyền con người trong bối cảnh mới.
Việt Nam là một trong ba quốc gia đầu tiên (sau Nam Phi và Indonesia) tham gia vào Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP, tháng 12/2022) với một loạt quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu. Ngày 01/12, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) được tổ chức ở Dubai (UAE), các đối tác đã cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỉ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo “Thúc đẩy Việc làm và An sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng” do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức. Ảnh: qdnd.vn |
Những thách thức và cơ hội đối với việc làm, thị trường lao động
Tại hội thảo “Thúc đẩy Việc làm và An sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng” do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức hôm đầu tuần (11/12), các chuyên gia cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển thị trường carbon có thể tạo ra những tác động không công bằng giữa các ngành, cộng đồng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương trên một số khía cạnh, như: Tác động đến việc dịch chuyển việc làm, mất việc làm, sự thiết hụt kỹ năng của người lao động, sự không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế xanh; đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập thấp nhất có thể chịu tác động lớn từ sự chuyển đổi năng lượng này.
Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), phân tích: "Các cơ hội mới trong quá trình chuyển đổi này có thể tạo ra những tác động, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương trên một số khía cạnh, như: tác động đến việc dịch chuyển việc làm, sự thiếu hụt kỹ năng của người lao động, không phù hợp giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện có và nhu cầu của nền kinh tế xanh… Đặc biệt, nhóm người nghèo, nhóm thu nhập thấp nhất có thể chịu tác động lớn từ chuyển đổi."
Thực tế này đòi hỏi phải có chính sách an sinh xã hội cũng như các chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm, phát triển sinh kế bền vững và tạo việc làm thỏa đáng, việc làm xanh. Cần có chính sách đảm bảo rằng người lao động trong các ngành này được đào tạo lại và hỗ trợ để chuyển sang công việc mới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đào tạo cũng phải có sự điều chỉnh, đổi mới để đáp ứng nhu cầu mới, dự báo được số việc làm mới tạo ra hoặc mất đi của nền kinh tế.
Nhận thức nhất quán
Không thể phủ nhận việc sẽ có những nhóm người dân không thể theo kịp quá trình chuyển đổi năng lượng, song những thành quả về xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm trong thời gian qua cho thấy: Việt Nam sẽ từng bước giải quyết hiệu quả những thách thức mới này.
Trên thực tế, việc bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương luôn chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình thực thi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: "Phát triển xã hội, phát triển con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là mục tiêu cốt lõi của Việt Nam trong suốt quá trình phấn đấu, phát triển và xây dựng đất nước. Cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế, Việt Nam luôn chú trọng, quan tâm thực hiện các chính sách xã hội theo phương châm: tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách với mục tiêu là mang lại hạnh phúc ngày càng nhiều cho nhân dân."
Ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đánh giá: "Việc từng bước hoàn thiện thể chế thị trường trở thành giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm. Hằng năm, Việt Nam bình quân giải quyết việc làm cho 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở dưới mức 3%. Thu nhập của người lao động được cải thiện trong những năm vừa qua, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Giảm nghèo bền vững tiếp cận đa chiều được triển khai hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo."
Việt Nam luôn lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển. Do vậy, trong quá trình chuyển đổi xanh, chắc chắn các nhóm xã hội dễ bị tổn thương sẽ nhận được sự quan tâm từ Chính phủ thông qua việc cải cách hệ thống trợ cấp xã hội và an sinh xã hội, tăng ngân sách cho an sinh xã hội….để không làm tăng tỷ lệ và độ nghèo của người dân và cũng là để họ chuyển mình cùng sự phát triển của đất nước.