(VOV5) - Sinh thời, một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở là xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh.
Theo đó, Đảng phải hiện thân là đạo đức, là văn minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tư tưởng xây dựng đạo đức cách mạng của Đảng, thể hiện rõ trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người, luôn là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo.
Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, tác phẩm chứa đựng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng nói chung, tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng, tác giả Hồ Chí Minh xác định: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.
Kho báu tư duy lý luận và thực tiễn về đạo đức cách mạng
Trong Di chúc dặn lại toàn Đảng, toàn dân những điều tâm huyết trước khi qua đời năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự chứa đựng những tư tưởng lớn về công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh nói chung và việc xây dựng đạo đức cách mạng của Đảng nói riêng.
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: “Đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Di chúc của Người tiếp tục là cơ sở lý luận, thực tiễn và chỉ dẫn quý báu để cán bộ, đảng viên và toàn đảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, tiêu cực, tham nhũng.”
Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng- Ảnh: vov.vn |
Trong các tác phẩm lý luận cách mạng cũng như trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ ra những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của người đảng viên. Đó là nguyên tắc nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức; tu dưỡng đạo đức suốt đời; kết hợp giữa xây dựng đạo đức cách mạng với đấu tranh chống những hiện tượng phi đạo đức. Khi đề cao sự gương mẫu, tính tiên phong của người đứng đầu các tổ chức Đảng, Người quan niệm: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bản thân Người, trên cương vị người đứng đầu, luôn là tấm gương sáng về thực hành đạo đức, nêu cao tinh thần phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Ở Người ngời sáng tinh thần “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”. Cá nhân Người là tấm gương mẫu mực trong rèn luyện, thực hành đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và cho rằng, thông qua tự phê bình và phê bình để phòng, chống suy thoái đạo đức là một giải pháp quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên. Theo Người, trước hết cần tập trung giáo dục đảng viên các chuẩn mực đạo đức trung với nước, trung với Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Hai là, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Ba là, đạo đức gắn bó mật thiết với Nhân dân. Theo Người, đây chính là những cội nguồn sức mạnh của Đảng.
Kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cách mạng của Đảng
Xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung trong các nội dung xây dựng Đảng, cùng với các nội dung khác là xây dựng Đảng về tư tưởng, xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tổ chức, tạo thành tổng thể nội dung công tác xây dựng Đảng của Đảng cộng sản Việt Nam trong mọi thời kỳ cách mạng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: “Trước tình hình Đảng ta đang tiến hành chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, đòi hỏi không chỉ tài năng vạch đường, dẫn được mà còn nêu gương về mặt phẩm chất. Cho nên trong công tác cán bộ, hoạch định chiến lược chúng ta nhất thiết phải chọn, không để lọt những người không đủ phẩm chất, không đủ tính chất nêu gương vào trong hàng ngũ của Đảng.”
Chú trọng xây dựng đạo đức cách mạng của Đảng vừa là sự kế thừa, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa là đòi hỏi của thực tiễn cách mạng. Trong điều kiện hiện nay, xây dựng Đảng về đạo đức sẽ giúp tạo nên nguồn sức mạnh nội sinh, yếu tố gốc rễ trong Đảng và mỗi đảng viên. Khi mỗi đảng viên và toàn Đảng thực hành đạo đức trong sáng, đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết, sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, thống nhất của toàn Đảng trong tổ chức, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Khi xây dựng Đảng về đạo đức được chú trọng, Đảng cũng được tăng cường nền tảng sức mạnh để chiến thắng những mối đe dọa đến từ cả bên trong và bên ngoài. Âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động dù có tinh vi, nguy hiểm, nhưng cũng không thể phát huy tác dụng chừng nào cơ thể Đảng trong sạch, vững mạnh