(VOV5) - Cùng với việc bao tiêu sản phẩm, HTX Thủy Tuyết cũng hỗ trợ đào tạo cho người dân địa phương có việc làm ổn định.
Xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 10 km, nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống trăm tuổi của đồng bào Khmer, trong đó có nghề đan đát. Trước thực trạng nghề này không còn hưng thịnh như xưa, chị Trương Thị Bạch Thủy đã quyết tâm thay đổi diện mạo, khơi dậy sức sống mới cho làng nghề đan đát truyền thống Phú Tân và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Gian trưng bày sản phẩm và chứa hàng của Hợp tác xã Thủy Tuyết ở xã Phú Tân hiện đang trưng bày và giới thiệu khoảng 700 sản phẩm mây tre, trúc, gỗ và các đồ sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu tham quan và tìm hiểu của du khách và các đối tác. Tại đây, có thể bắt gặp những sản phẩm tinh xảo, từ những món đồ nhỏ như ngón tay đến sản phẩm lớn như bộ bàn ghế hay cả căn chòi bằng tre, trúc; các đồ dùng trong gia đình; đồ trang trí; quà tặng… Các sản phẩm này được chế tác từ bàn tay khéo léo của người dân địa phương, đa phần là người dân tộc Khmer, được Hợp tác xã Thủy Tuyết thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Chị Trương Thị Bạch Thuỷ, Giám đốc HTX Mây tre đan Thuỷ Tuyết đã từng bước nâng cao giá trị sản phẩm đan đát tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Sóc Trăng - Ảnh: VOV |
Trước đó, tại Phú Tân, sản phẩm mây tre đan chủ yếu được người dân làm theo mô hình nhỏ lẻ, mẫu mã sản phẩm cũ, chủ yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày, nên nghề đan đát không phát triển. Tháng 06/2023, chị Trương Thị Bạch Thuỷ, dân tộc Khmer, đã quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) để hướng tới tạo sự liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, dịch vụ giữa các hộ dân với nhau, từ đó từng bước nâng cao giá trị của làng nghề của quê hương. Chị Thủy cho biết: "Thành lập HTX để mọi người chung tay, hợp tác với nhau, đôi bên đều có lợi, cộng hưởng để phát triển nghề này. Vào HTX, ai cũng có trách nhiệm, nỗ lực làm sao đạt năng suất cao, không còn giống như làm truyền thống trước đây nữa".
Dự án khởi nghiệp của Hợp tác xã Mây tre đan Thuỷ Tuyết đã đoạt giải Nhất Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Dự án do chị Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc Hợp tác xã, và các cộng sự xây dựng, được đánh giá cao bởi những cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả trong việc khôi phục làng nghề truyền thống đan đát của đồng bào Khmer ở xã Phú Tân.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, chị Thuỷ đã phải rất nỗ lực trong sáng tạo ra những sản phẩm mới, quy trình sản xuất mới, sau đó truyền dạy cho các thành viên. Đặc biệt, chị còn tham gia các lớp tập huấn tài chính tín dụng, lớp tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, lớp ứng dụng công nghệ thông tin... và tham dự các buổi sự kiện kết nối kinh doanh cùng với các chị em phụ nữ khởi nghiệp, tổ hợp tác, HTX trong và ngoài tỉnh, từ đó, giúp chị có nhiều cơ hội để kết nối giao lưu, giới thiệu sản phẩm mây tre của mình.
Chị Thủy nhớ lại: "Lúc trước, ông bà, cha mẹ làm chủ yếu mặt hàng tiêu dùng, truyền thống, như: thúng, rổ… Sau này, tôi đi học và được Nhà nước tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thì thấy các tỉnh cũng từ mặt hàng mây tre này nhưng họ làm để phục vụ du lịch. Từ đó, tôi suy nghĩ tại sao mình không nâng tầm cây tre, sáng tạo các sản phẩm tiêu dùng khác như họ. Tôi nghĩ mình sẽ nâng tầm các sản phẩm từ cây tre. Hiện phục vụ cho nhà hàng, du lịch, từ đó đưa giá trị kinh tế nâng lên, nguồn thu nhập cũng cao hơn hàng thông thường. Ngoài ra, mình làm những thứ khách cần, chứ không phải làm những thứ mình có".
Sản phẩm đan đát truyền thống của HTX Mây tre đan Thuỷ Tuyết - Ảnh: VOV |
Tại mảnh đất vốn đã nổi tiếng với nghề đan đát, bằng khả năng của mình, chị Thủy đã góp phần nâng tầm nghề đan đát ở Sóc Trăng. Từ việc sản xuất sản phẩm truyền thống dùng trong sinh hoạt, phải tốn nhiều nguyên liệu, giá trị lợi nhuận thấp, thì nay, bà con làng nghề đã chuyển sang sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch vừa ít tốn nguyên liệu, lại cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Chị Thủy cho biết: "Hiện tại HTX có trên 700 sản phẩm. Ở đây sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Đối với xuất khẩu đa phần là hàng tiêu dùng, như: sọt đựng quần áo phục vụ cho nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi còn làm các sản phẩm phục vụ các công trình xây dựng homestay, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch bằng mây tre".
Hiện nay, cùng với việc bao tiêu sản phẩm, HTX Thủy Tuyết cũng hỗ trợ đào tạo cho người dân địa phương có việc làm ổn định; kết hợp với chuyển giao kiến thức cho lớp trẻ, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, HTX đã giúp hơn 30 xã viên và hơn 60 hội viên phụ nữ vùng lân cận có thu nhập ổn định, bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.
Bà Dương Thị Trang, Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết thêm: "HTX Mây tre Thuỷ Tuyết có kế hoạch phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã để mở các lớp dạy nghề, mang tính giải quyết việc làm ở địa phương cho số thanh niên trong độ tuổi lao động. Vừa qua, HTX đã đào tạo được hơn 10 học viên. Đây là tín hiệu tích cực khi mà các thanh niên đang trong độ tuổi lao động của địa phương đã tham gia làm việc tại HTX và kiếm được thu nhập ổn định".
Với những nỗ lực góp phần khôi phục nghề truyền thống bản địa, chị Trương Thị Bạch Thủy vinh dự được công nhận là Nghệ nhân cấp quốc gia của ngành nghề mây tre đan. Đây là nguồn động lực, niềm tự hào để chị Thủy cùng các xã viên tiếp tục tự tin triển khai các dự án khôi phục làng nghề và du lịch cộng đồng, duy trì làng nghề truyền thống và quảng bá các sản phẩm mây tre đan của Phú Tân ra thị trường quốc tế.