Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BRVT) xác định chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá trong giai đoạn 2021 – 2025. Tháng 5/2021, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính.
Ông Lê Việt Trung, Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông BRVT, cho biết: “Nghị quyết đặt ra các giải pháp về phát triển hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng đảm bảo an toàn thông tin. Về chính quyền số, tỉnh xác định nhiệm vụ chính trong việc quản lý nhà nước để phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, lấy dữ liệu số để phục vụ việc quản lý nhà nước. Tỉnh đang tập trung phát triển hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng, đến 2023 hoàn thiện đề án chuyển đổi thế hệ IP version 6 có năng lực tính toán cao, an toàn. Đến 2025 phát triển kho dữ liệu dùng chung, cổng thông tin dữ liệu mở…”.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: vccinews.vn/Vietnam Business Forum |
Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết, công tác chuyển đổi số ở tỉnh BRVT bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực. Đến nay, hơn 95,5% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; gần 79% người dân từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; hơn 92% người dân có điện thoại thông minh. Ngoài ra có các chương trình như: Thúc đẩy chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs); Đưa vào vận hành thử nghiệm Trợ lý ảo và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan của tỉnh đã liên thông gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, 4 và hướng tới dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo quy định của Chính phủ.
Trong nỗ lực triển khai Nghị quyết về chuyển đổi số, tỉnh BRVT bước đầu đạt kết quả về chuyển đổi số trong nông nghiệp với việc đưa 7000 hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử, góp phần tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại. Đồng thời định vị đúng giá trị thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm…
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NNPTNT BRVT khẳng định: "Đây là một hình thức sẽ thực hiện về lâu về dài và nó mang tính chất bền vững hơn. Bởi vì, khi đưa sản phẩm lên sàn giao dịch đồng nghĩa với việc là người nông dân của chúng ta sẽ biết rằng kết nối và tiêu thụ ở đâu và sản phẩm có uy tín hay không. Thông qua sàn giao dịch này và chính những sản phẩm mà người nông dân tiêu thụ được giúp cho người sản xuất bám sát được nhu cầu để từ đó tính toán được số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng".
Với những kết quả đạt được, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cải thiện thứ hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố qua từng năm, từ xếp hạng 39/63 tỉnh thành vào năm 2020 lên 29/63 tỉnh/thành năm 2021; phấn đấu đứng vào top 20/63 tỉnh thành năm 2022 và đảm bảo hoàn thành mục tiêu đứng trong nhóm 10/63 tỉnh thành vào năm 2025 như Nghị quyết đã đề ra.
Hội nghị về chương trình Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Bộ TT&TT và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức tháng 3/2021. Ảnh: Quang Hưng/ictnews.vietnamnet.vn |
Trong giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, tỉnh BRVT xác định tiếp tục nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Về phía doanh nghiệp, nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Doanh nghiệp công nghệ tiếp tục cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội.
Ông Lê Việt Trung, Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông BRVT nhấn mạnh: "Tỉnh xác định lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển thương mại điện tử là nòng cốt, tập trung phát triển doanh nghiệp số tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Về xã hội số, tiếp tục xác định người dân là trung tâm, trong đó tập trung vào việc đào tạo chuyển đổi nhận thức đặc biệt là các đối tượng là học sinh sinh viên, phát triển các nền tảng kỹ thuật xã hội, phát triển mạng 5G nền tảng nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, tỉnh còn xác định một số ngành lĩnh vực cần tập trung vào đó là ngành y tế, giáo dục đào tạo, Logistic, công nghiệp thương mại, phát triển cảng biển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch".
Mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 của tỉnh BRVT là nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước về mức độ chuyển đổi số. Đến năm 2030, BRVT cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh. Hiện tại, toàn bộ hệ thống đang nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, để kinh tế số trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ và xây dựng xã hội an toàn, nhân văn, thịnh vượng.