(VOV5) - Tham gia các câu lạc bộ về khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên là cách làm của tổ chức đoàn để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Hỗ trợ thanh niên tiếp cận vốn, thành lập các câu lạc bộ để cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức về khởi nghiệp hay tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp là cách mà tỉnh Đắk Lắk đang triển khai để hỗ trợ, đồng hành với thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn trong khởi nghiệp, lập nghiệp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau 3 năm nuôi ốc nhồi, anh Huỳnh Ngọc Hội ở thôn 10, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã có được thị trường tiêu thụ ổn định. Khoảng một năm trở lại đây, anh Hội mở rộng hồ nuôi từ 350 m2 lên 2.000 m2. Trung bình mỗi tháng, anh bán ra từ 20.000 - 30.000 con ốc giống với mức giá 300 đồng mỗi con, và 4 tháng một lần xuất bán 1 tấn ốc thương phẩm với giá trung bình 65.000 đồng/kg.
Anh Huỳnh Ngọc Hội (áo đen) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm - Ảnh: VOV |
Anh Hội cũng thành lập và làm tổ trưởng Tổ hợp tác thanh niên nuôi ốc nhồi huyện Buôn Đôn với 25 thành viên. Cùng với hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống cho thành viên, anh Hội trực tiếp thu mua ốc thương phẩm và tìm tòi chế biến các sản phẩm từ ốc để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Anh Huỳnh Ngọc Hội cho biết, trong quá trình khởi nghiệp, anh đã được huyện đoàn hỗ trợ và hướng dẫn các thủ tục hành chính, cũng như giới thiệu nguồn tiêu thụ. Nhờ đó giúp anh từng bước vượt qua những khó khăn để phát triển mô hình.
Anh Hội cho biết: "Huyện đoàn hỗ trợ tôi phát triển và giới thiệu một số đơn vị thu mua, hỗ trợ về kinh phí hay về thủ tục, giấy tờ để sản phẩm tiêu thụ tốt hơn. Được sự hỗ trợ của huyện đoàn cũng như các ban, ngành ở huyện thì tôi phát triển nhân rộng mô hình chăn nuôi, làm sản phẩm đông lạnh, bao tiêu sản phẩm cho bà con có đầu ra ổn định hơn, sản phẩm được giá cao hơn".
Theo anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư huyện đoàn Buôn Đôn, Tổ hợp tác thanh niên nuôi ốc nhồi huyện Buôn Đôn là tổ hợp tác đầu tiên của thanh niên được thành lập ở huyện trực thuộc huyện đoàn. Huyện đoàn cũng thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp thanh niên thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.
Để tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn trên địa bàn huyện khởi nghiệp, lập nghiệp, tổ chức đoàn đã hỗ trợ để thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, thành lập các câu lạc bộ làm kinh tế, tổ kinh tế, tổ góp vốn. Đến thời điểm này, các cấp bộ đoàn huyện Buôn Đôn đang quản lý gần 67 tỷ đồng vốn vay ủy thác. Có 33 cá nhân và mô hình được nhận vốn khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn ngân sách địa phương.
Huyện cũng chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình điểm, mô hình mới có hiệu quả kinh tế để nhân rộng trong thanh niên. Nhờ vậy, trong 3 năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp ở Buôn Đôn có nhiều khởi sắc.
Anh Nguyễn Quang Trung nhận định: "Các mô hình của thanh niên có nhiều kết quả, đặc biệt là các bạn cũng mạnh dạn đưa các sản phẩm của mình đi tham gia các cuộc thi do huyện hay tỉnh tổ chức. Chúng tôi tiếp tục định hướng và thông tin kịp thời cho đoàn viên thanh niên bàn huyện nắm bắt được các thông tin liên quan đến các chủ trương, chính sách của tỉnh. Lựa chọn những nhân tố mới và có sản phẩm phù hợp với định hướng chung trong phát triển kinh tế của địa phương để tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ các bạn để hoàn thiện".
Anh Y Lê Pas Tơr, Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, đánh giá trong 4 năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên ở Đắk Lắk ngày càng phát triển và có nhiều khởi sắc. Những gương mặt thanh niên khởi nghiệp thành công đã tạo sự lan tỏa, cổ vũ các thanh niên khác có khát vọng vươn lên.
Tham gia các câu lạc bộ về khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên là cách làm của tổ chức đoàn để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - Ảnh: VOV |
Nắm bắt nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, tổ chức đoàn các cấp đã và đang phối hợp với các ban, ngành ở địa phương để tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đặc biệt, dù trải qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua nhưng ở các huyện, thị trong tỉnh, các mô hình mới, cách làm hay vẫn được các bạn trẻ tự tìm hiểu, kết nối lẫn nhau để thúc đẩy quá trình khởi nghiệp của mỗi cá nhân.
Theo anh Y Lê Pas Tơr: "Thứ nhất, về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thì nghiên cứu các hình thức phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Thứ hai là về các nguồn vốn, chúng tôi cũng muốn kết nối, hướng dẫn cho các bạn để tiếp cận được với những nguồn vốn lớn hơn. Thứ ba là cố gắng phối hợp với các Hội để làm sao có nhiều cách kết nối các thế hệ doanh nghiệp cũng như là kết nối, tiêu thụ các sản phẩm, kết nối với các chuyên gia, các doanh nhân nổi tiếng để họ có thể trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho thanh niên".
Với sự hỗ trợ từ chính quyền và các hội đoàn thể, nhiều thanh niên ở Đắk Lắk đã mạnh dạn bước qua những khó khăn để khởi nghiệp, lập nghiệp. Những khó khăn về vốn, thủ tục hành chính, thị trường tiêu thụ từng bước được giải quyết sẽ giúp quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên nông thôn trở nên thuận lợi hơn. Từ đó tạo động lực để lan tỏa phong trào, phát huy được hiệu quả thực chất của mỗi mô hình khởi nghiệp thanh niên.