(VOV5) - Mặc dù đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Đắk Lắk vẫn tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Tại Đắk Lắk, sau 2 năm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, nâng cấp, hệ sinh thái khởi nghiệp ở tỉnh đã được nâng lên cấp độ 2 – hệ sinh thái cơ bản. Hệ sinh thái khởi nghiệp đã tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tăng trưởng tại địa phương. Đây cũng là thời điểm tỉnh Đắk Lắk xây dựng các chương trình phát triển theo chiều sâu, giúp cho hệ sinh thái thực sự đem lại hiệu quả, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau 4 năm khởi nghiệp, chị Phạm Thị Thu Hằng ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã cho ra mắt thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên Pơ Lang, hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chị Hằng kể, vốn là giáo viên, không có kinh nghiệm về kinh doanh nhưng vì mong muốn tìm ra một hướng đi tốt hơn cho các loại nông sản, dược liệu nên chị đã tự mày mò chế biến các sản phẩm từ quả bơ, gấc. Sau những lần thất bại, không bỏ cuộc, chị Hằng nảy ra ý tưởng dùng bột bơ, dầu bơ, dầu gấc làm mỹ phẩm. Qua nhiều lần được tỉnh giới thiệu, hỗ trợ tham dự các chương trình, hội trợ xúc tiến thương mại, chị Hằng có cơ hội tiếp xúc và trở lại hoàn thiện sản phẩm mỹ phẩm từ bơ, gấc tốt hơn.
Chị Phạm Thị Thu Hằng quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm mỹ phẩm điều chế từ tinh dầu bơ, gấc
|
Chị Thu Hằng chia sẻ: "Qua những chương trình đó tư duy của tôi thay đổi rất nhiều. Ví dụ như ban đầu mình chỉ định hướng một dòng sản phẩm chẳng hạn, sau khi tham gia những chương trình đó, nhận được sự góp ý của những người có chuyên môn nhất định, những góp ý của họ cực kỳ chất lượng để giúp tôi có thể tiến bộ hơn có thể thay đổi để tạo ra những sản phẩm đa dạng hơn từ đó đưa về doanh thu khá tốt. Thậm chí tỉnh còn tổ chức được những lớp học, mời được những giáo viên cực kỳ chất lượng, có những bài học về sale, bài học về con người, bài học về nhân sự, về mô hình kinh doanh. Qua đó dần dần tôi cũng tích lũy được những kiến thức để áp dụng vào trong doanh nghiệp của mình".
Còn với chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến, ở xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sau những khó khăn về vốn, định hướng ý tưởng và phát triển sản phẩm, chị đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình khởi nghiệp do tỉnh tổ chức. Từ đó, chị Tuyến dần định hình hướng đi, khởi nghiệp với thương hiệu VietArt, tận dụng gỗ tái chế để tạo ra những sản phẩm trang trí đẹp mắt, có tính ứng dụng cao, bảo vệ môi trường. Hiện tại, các sản phẩm của VietArt có giá từ 8 nghìn đến 70 nghìn đồng, lượng tiêu thụ ổn định ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, VietArt đang tạo việc làm ổn định cho 5 thanh niên khuyết tật với mức lương trung bình từ 4 đến 7 triệu đồng/tháng.
Chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến dần khẳng định vị trí thương hiệu VietArt trên thị trường thông qua các chương trình giới thiệu sản phẩm
|
Chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến cho biết: "Sự hỗ trợ hướng dẫn của các thành viên trong ban tư vấn khởi nghiệp của tỉnh đã giúp chị có định hướng rõ ràng hơn trong quá trình khởi nghiệp của bản thân. Qua một thời gian khởi nghiệp thì cũng như nhiều bạn khởi nghiệp khác thì bản thân tôi gặp vấn đề khó khăn về vốn. Bởi vì chúng tôi phải nghiên cứu về sản phẩm và phát triển sản phẩm. Khi sản xuất gỗ thì cần ăn bổ sung các loại máy móc. Chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các anh chị ở vườn ươm doanh nghiệp và các chương trình xúc tiến, hỗ trợ của tỉnh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong quá trình khởi nghiệp".
Để hỗ trợ quá trình khởi nghiệp ở tỉnh, từ năm 2018, Đắk Lắk đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong hơn 2 năm qua, Tỉnh đã đưa vào hoạt động không gian làm việc chung về khởi nghiệp, tổ chức thành công cuộc thi khởi nghiệp khởi sự kinh doanh lần thứ nhất năm 2018, Ngày hội khởi nghiệp lần thứ nhất năm 2019, Thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức các hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng về khởi nghiệp. Tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại giúp sản phẩm của các doanh nghiệp đang trong giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh được quảng bá đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Là đơn vị ký kết hợp tác với UBND tỉnh Đăk Lăk từ những ngày đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Phạm Duy Hiếu, Phó chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) đánh giá, thời gian qua, Đắk Lắk đã làm tốt công tác ươm tạo, hỗ trợ cũng như truyền cảm hứng, lan tỏa ngọn lửa đam mê khởi nghiệp trong cộng đồng. Nhờ đó, từ cấp độ sơ khai, đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đắk Lắk đã được nâng lên cấp độ hai, hệ sinh thái cơ bản.
Theo ông Phạm Duy Hiếu: "Đây là thời điểm cần phải đưa vào ngay những chương trình phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực của các vườn ươm, các trung tâm ươm tạo, các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm e cần phải tham gia hệ sinh thái một cách kịp thời. Khi nâng cao được năng lực của các thành tố của hệ sinh thái như thế thì sẽ giúp cho hệ sinh thái bắt đầu đơm hoa kết trái và đi vào giai đoạn cao hơn. Đắk Lắk có một sự thuận lợi đó là nhận được sự quan tâm tâm của lãnh đạo cấp tỉnh, họ chính là chất dẫn đầu tiên để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo nổ ra khắp nơi. Cái việc chúng ta có thể làm tốt hơn đó là liên kết của các sở ban ngành. Các sở đều có những những tương tác nhất định đến mặt nào đó của hoạt động khởi nghiệp và họ cần phải tương tác với nhau để làm các chương trình chung".
Năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Đắk Lắk vẫn tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp bằng hình thức trực tuyến
|
Hiện nay, mặc dù đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Đắk Lắk vẫn tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk lần thứ 2 năm 2020; tổ chức các lớp trực tuyến tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp và kỹ năng quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là nỗ lực của tỉnh trong việc nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp với mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ có khoảng 20 nghìn doanh nghiệp, trong đó có khoảng 2 nghìn doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là những nhân tố thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh phát triển để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.