(VOV5) - Việt Nam đang tiếp tục xác lập cơ chế, chính sách thiết thực khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch COVID-19 đã mang lại cả thách thức và cơ hội đối với nhiều lĩnh vực ngành nghề ở Việt Nam. Các lĩnh vực ngành nghề đều phải ứng biến, đổi mới ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để tồn tại và phát triển.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2022 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, nhiều ý kiến khẳng định rằng, Việt Nam đã tận dụng được hiệu quả và cơ hội từ đổi mới công nghệ và chuyển đổi số để tăng tốc bứt phá ngay cả ở những thời điểm khó khăn nhất.
Tập đoàn Lộc Trời đưa máy bay không người lái vào công đoạn phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa nhằm giảm sức lao động cho nông dân. Ảnh: TTXVN |
Trước sự phát triển của công nghệ, nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng. Từ năm 2019, Tập đoàn Lộc Trời, được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, đã trang bị hàng ngàn điện thoại thông minh cho nông dân để tăng cường ứng dụng công nghệ trong kết nối giữa sản xuất, tiêu thụ. Hiện nay, khoảng 80% quá trình vận hành, điều hành quản lý tổng thể từ văn phòng đến áp dụng quy trình canh tác, giám sát các khâu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đều trên phần mềm. Lộc Trời cũng là doanh nghiệp đầu tiên tạo ra chứng chỉ Carbon cho cây lúa Việt Nam, cũng như là đơn vị duy nhất trong nước tạo ra được chứng chỉ Carbon xanh cho cây lúa ở khu vực Đông Nam Á.
Việc tập trung đầu tư chuyển đổi số và đổi mới về công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, ổn định 2 thị trường truyền thống là Philippines, châu Phi mà còn tiếp cận nhiều quốc gia ở thị trường châu Âu đối với những sản phẩm chế biến từ lúa gạo.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc tập đoàn Lộc Trời cho biết, cho biết: “Trong 1 triệu ha quy mô của Lộc Trời thì đang áp dụng những tiêu chí văn phòng không giấy; đồng ruộng không dấu chân và riêng 110.000 ha lúa tại tỉnh An Giang, chúng tôi đã và đang áp dụng sản xuất không giao dịch tiền mặt. Bên cạnh đó một số địa phương đã tổ chức được bản đồ số trong canh tác. Đây cũng là việc đầu tiên để tạo ra cánh đồng lớn và từ đó tạo ra những hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn.”
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, so với 10 năm trước, tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu đã tăng từ 19% lên trên 50%. Giai đoạn hiện nay, để xuất khẩu được những sản phẩm công nghệ cao không thể thiếu việc đổi mới đầu tư khoa học công nghệ trong sản xuất và Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để bứt phá, đổi mới trong thời gian tới: “Việt Nam đã để lại những dấu ấn và gần đây nhất thì chúng ta thấy với hơn 3.000 doanh nghiệp có liên quan đến vấn đề phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thì tổng số vốn mà được công bố đầu tư trong những năm qua đã đạt mức trên 1 tỷ đô liên tiếp trong 2 đến 3 năm gần đây và hiện tăng gấp ba lần so với năm 2017.”
Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang tiếp tục xác lập cơ chế, chính sách thiết thực khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn để nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Theo Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngoài đầu tư về đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, đặc biệt là đột phá về công nghệ thì cần phải kết nối đồng bộ thành những chuỗi giá trị tăng lợi nhuận, giảm thiểu chi phí hơn và đặc biệt là đáp ứng mục tiêu phát triển chiến lược của đất nước. Bên cạnh đó, thị trường khoa học công nghệ cần được liên thông, tiến tới đồng bộ hóa với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính. Quan trọng vẫn là chính sách tài chính để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cả khu vực công lẫn khu vực tư, cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh các hợp tác quốc tế trong cơ chế đa phương.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh cho rằng: “Thông qua việc là thành viên của các tổ chức đa phương cũng như khi chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại tự do... Đây cũng là cơ hội rất lớn cho chúng ta có được môi trường thuận lợi để có thể đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh Việt Nam sẽ có cơ hội để tham gia vào đối thoại, để có thể thuận lợi cho chúng ta và doanh nghiệp, từ đó có thể chủ động hơn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng.”
Nhiều chuyên gia kinh tế, nhận định, hiện nay, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, ngoài tăng cường hợp tác sâu rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị ngành, lĩnh vực trọng điểm có tiềm năng và lợi thế thì cần tiếp tục đột phá về thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ bản cho khoa học công nghệ và đầu tư cho nghiên cứu phát triển nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, để tham gia sâu hơn về vào chuỗi sản xuất toàn cầu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cần có những thay đổi lớn.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Chí Kiên/VGP |
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Việt Nam cần tích cực tham gia và ủng hộ các cơ chế đa phương nhưng cũng xem xét, rà soát lại trong các khuôn khổ kinh tế để đảm bảo chủ động đối thoại, cùng tham gia tháo gỡ những vấn đề tính khu vực để giảm thiểu các rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, để cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng thì cần xác định tính cấp bách và sự chủ động doanh nghiệp, trong khâu chuẩn bị đào tạo và đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ, chuyển đổi số để phục vụ cho các chuỗi phát triển sản phẩm.”
Bên cạnh việc lan tỏa tinh thần, tư duy và hành động đến các cấp, các ngành trong thúc đẩy chuyển đổi số, nhiều cơ chế, chính sách phù hợp cũng được ban hành và triển khai, là động lực đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác chuyển đổi số của quốc gia. Bà Mai Thuỳ Ngân, Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "98% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, như cung cấp các nền tảng số xuất sắc, các doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu, sử dụng miễn phí trong một khoảng thời gian, sau khi nhận thấy nền tảng số đó phù hợp, mang lại hiệu quả không, sau đó mới chuyển sang giai đoạn phải trả phí. Đây là một trong những cách tiếp cận của Bộ TTTT cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số."
Việt Nam đặt mục tiêu, đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang sẵn sàng tận dụng các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ để thích ứng và bứt phá.