(VOV5) - Để giúp người dân trồng được sâm Ngọc Linh, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã hỗ trợ vốn để đồng bào Xơ Đăng phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Nghe âm thanh bài tại đây:
95% dân số của huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Những năm gần đây, thực hiện định hướng phát triển cây dược liệu, đồng bào Xơ Đăng đẩy mạnh lao động, sản xuất, làm giàu từ chính đồng đất, núi rừng quê hương.
Những ngày đầu năm, anh A Linh, nhà ở làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, thường xuyên có mặt trên vườn sâm Ngọc Linh của gia đình. Mùa này cây sâm Ngọc Linh đang thời kỳ “ngủ đông” nhưng người trồng thì phải thức để canh chừng sóc, chuột cùng nhiều loài động vật hoang dã phá hoại các gốc sâm. Sở hữu vườn sâm khoảng 5.000 cây nhiều năm tuổi, A Linh là một trong nhiều tỷ phú sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông.
Anh A Linh kiểm tra một cây sâm Ngọc Linh của gia đình. Ảnh: VOV |
Chia sẻ về hành trình thoát nghèo từ trồng sâm Ngọc Linh, anh A Linh cho biết: "Tôi vay 100 triệu (4.000 USD) mua giống sâm Ngọc Linh để trồng. Vay đầu tư vào sâm thì rất may đã phát triển thành công và hiệu quả, cải thiện cuộc sống nhiều hơn."
Với đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, mặc dù sinh sống quanh vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh song không dễ để trồng được loại dược liệu có giá trị kinh tế rất cao này. Trở ngại lớn nhất là giá bán giống sâm Ngọc Linh rất cao, khoảng 100 nghìn đồng (hơn 4 USD)/ 1 hạt và 300 nghìn đồng (13 USD) một cây sâm 1 năm tuổi. Trước thực tế này, để giúp người dân trồng được sâm Ngọc Linh, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã hỗ trợ vốn để đồng bào Xơ Đăng phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Anh A Sơn, một trong những hộ nghèo, mạnh dạn vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông 100 triệu đồng (4.000 USD) để mua giống trồng sâm Ngọc Linh. Đến nay, vườn sâm của anh đã có 3.000 cây. Anh A Sơn chia sẻ: "Giống sâm giá thành khá cao. Lúc đầu cũng băn khoăn, song hai vợ chồng quyết định vay vốn. Bắt đầu từ năm thứ 4, thứ 5, thì cây sâm đậu hạt, trung bình đậu 20 đến 30 hạt một cây khoẻ mạnh. Mình thu được hạt và có giống cây riêng."
Với giá bán trên thị trường trung bình khoảng 100 triệu đồng một kg sâm Ngọc Linh tươi gồm cả củ, lá như hiện nay, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và đang tiếp tục vươn lên làm giàu. Ông Trương Quang Tri, Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Tu Mơ Rông, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum, khẳng định: "Đến nay, tổng dư nợ cho vay đối với trồng cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng gần 100 tỷ đồng (hơn 40.000 USD) với trên 1.000 khách hàng vay vốn. Qua kiểm tra, giám sát thì nguồn vốn vay cũng đã phát huy hiệu quả. Cây sâm Ngọc Linh cũng đã phát huy tốt tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững."
Không chỉ trồng được cây sâm Ngọc Linh, nhiều hộ dân Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông hiện nay đã trồng thêm các loại cây dược liệu, như: sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử và một số loại dược liệu khác, để có thu nhập, thêm tiền đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Đến nay, đã có thêm 562 hộ, chủ yếu là người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, thoát nghèo.
Ngày càng có thêm nhiều hộ dân Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông trồng được cây dược liệu quý sâm Ngọc Linh. Ảnh: VOV |
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết: "Người dân không trông chờ, ỷ lại từ hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình là việc người dân đã vay từ các nguồn vay khác nhau, từ các nguồn thu nhập của gia đình để đầu tư phát triển trồng sâm Ngọc Linh. Đây là sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm rất lớn trong người đồng bào dân tộc thiểu số."
Hiện, huyện Tu Mơ Rông có trên trên 2.300ha trồng sâm Ngọc Linh cùng hơn 1.300ha cây dược liệu khác. Với nhiều hình thức, như: tự vay vốn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, tham gia vào các Tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp… ngày càng có thêm nhiều người Xơ Đăng trồng được loại dược liệu quý này. Đây cũng là việc làm cụ thể của chính quyền, người dân huyện Tu Mơ Rông trong việc góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của Việt Nam.