(VOV5) - Nền tảng “Công dân số - Xứ Lạng” sẽ tiếp tục tích hợp thêm nhiều ứng dụng khác để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Lạng Sơn đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo chuyển số từ tỉnh đến cơ sở tạo nên sự đồng thuận, thống nhất trong chỉ đạo triển khai nhằm đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được triển khai một cách tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và năm 2021 là năm đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của tỉnh Lạng Sơn về chuyển đổi số với kết quả rất đáng ghi nhận: Lạng Sơn nằm trong TOP đầu các tỉnh, thành phố về nhiều lĩnh vực trong chuyển đổi số và nhận thức về chuyển đổi số đã lan tỏa rộng khắp đến mọi lĩnh vực, tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đánh giá: “Việc chuyển đổi số toàn diện trong ngành giáo dục đã giúp nâng cao hiệu quả dạy học và quản lý giáo dục, đảm bảo quản lý dạy học chính xác, minh bạch, góp phần cải cách hành chính, phát huy sức sáng tạo của thầy và trò, giúp học sinh tiếp cận với phương thức dạy học hiện đại cũng như kĩ năng sử dụng các phương tiện số qua việc kết nối học với các trường quốc tế. Công nghệ số có thể nói là đã giúp những tỉnh khó khăn như Lạng Sơn có thêm cơ hội tiếp cận về kiến thức, công nghệ so với các tỉnh khác.”
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân - Ảnh: VOV |
Chuyển đổi số đã trở thành khái niệm không xa lạ đối với mỗi người dân dù ở đô thị hay các thôn, bản và tạo ra những thay đổi trên nhiều lĩnh vực, từ thủ tục hành chính hàng ngày, việc học hành của con em hay chăm sóc đồng ruộng...
Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân làm trung tâm, người dân làm động lực và là mục tiêu phát triển, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đưa vào triển khai nền tảng “Công dân số Xứ Lạng”, tích hợp các ứng dụng, tiện ích như hỗ trợ người dân phản ánh kiến nghị, khai thác dịch vụ công, tra cứu thông tin đất đai, tương tác với hệ thống trợ lý ảo iSee Lạng Sơn, mua hàng trên các sàn thương mại điện tử...
Thời gian tới, Nền tảng “Công dân số - Xứ Lạng” sẽ tiếp tục tích hợp thêm nhiều ứng dụng khác để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp: “Tất cả phản ánh của người dân có thể tới được các cán bộ xã, huyện, tỉnh và cấp cao hơn nữa, rất thiết thực cho người dân.”“Cảm thấy rất tiện lợi cho người dân, giúp cho nhân dân giải quyết được những khó khăn vướng mắc, bất cập mà không thể truyền tải đến cấp có thể thẩm quyền.”“Công dân xứ Lạng thì rất hữu ích, giải quyết được rất nhiều thủ tục hành chính, mọi người dân trong phường đều rất háo hức và mong chờ.”
Cùng với nền tảng "Công dân số xứ Lạng", việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong các cơ quan Đảng, chính quyền và mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội đã thể hiện sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Lạng Sơn trong việc xây dựng một chính quyền phục vụ người dân và vì người dân. Với phiên bản có trên điện thoại di động và máy tính giúp người dân và lãnh đạo các cấp có thể gửi và xử lý phản ánh, kiến nghị mọi lúc mọi nơi một cách thuận tiên.
Với mục tiêu đại đa số dân số trên địa bàn từ 15 tuổi trở lên cài đặt, sử dụng nền tảng công dân số xứ Lạng, tài khoản thanh toán điện tử, ứng dụng người mua của sàn thương mại điện tử Langsoncoopmark.vn hoặc Langsonvoso.vn, Sở thông tin và truyền thông đã tổ chức nhiều buổi hướng dẫn, thí điểm nền tảng công dân số xứ Lạng để người dân đồng lòng cùng chính quyền trong công cuộc chuyển đổi số. Để hiện thực hóa được các mục tiêu trên, Lạng Sơn thực hiện cách làm sáng tạo đã được áp dụng từ khi bắt đầu chiến dịch phát triển kinh tế số địa phương (tháng 7/2021), đó là huy động thành viên của gần 1.700 Tổ công nghệ cộng đồng đã vươn tới tất cả các xã, phường, thôn, bản, khu phố.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn bấm nút phát động khai nền tảng “Công dân số Xứ Lạng” và phát triển tài khoản thanh toán điện tử - Ảnh: VOV |
triển khai nhân dân rất là hưởng ứng và đồng tình. Tổ cộng đồng chúng tôi đi xuống trực tiếp từng hộ gia đình, từng người dân để hướng dẫn và cài đặt để làm sao đạt hiệu quả cao nhất.”
Xác định Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của toàn dân, do đó, tỉnh chú trọng nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho người dân để người dân tiếp cận một cách dễ dàng đối với các ứng dụng thông minh được tích hợp trên một nền tảng số và để việc sử dụng các dịch vụ số sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới...
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, khẳng định: “Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của toàn dân. Người dân phải là chủ thể, phải là động lực và mục tiêu của chuyển đổi số. Do đó nhiệm vụ rất quan trọng là phải làm sao nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho người dân làm sao để người dân tiếp cận 1 cách dễ dàng với các ứng dụng thông minh được tích hợp trên nền tảng số và làm sao để việc sử dụng các dịch vụ số sẽ trở thành 1 nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân.”
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Lạng Sơn là một trong những tỉnh, thành đi đầu trong chuyển đổi số. Trong đó, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên triển khai thành công Nền tảng cửa khẩu số; là tỉnh đầu tiên triển khai nền tảng “Lạng Sơn Cloud” Make in Việt Nam. Giá trị đầu tư của nhà nước rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước đồng thời là kinh nghiệm, mô hình mẫu để Nền tảng điện toán đám mây Make-in-Vietnam có thể nhân rộng toàn quốc; Là tỉnh đầu tiên triển khai App “Công dân số Xứ Lạng” với ý tưởng “một cửa điện tử” của các Nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên quy mô toàn tỉnh; là tỉnh đầu tiên triển khai Trợ lý ảo iSee Lạng Sơn giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm, truy cập cổng dịch vụ công của tỉnh.
Lạng Sơn cũng là là tỉnh đầu tiên chuyển 100% hoạt động của các trường học lên nền tảng số, 100% giáo viên sử dụng chữ ký số thay thế học bạ giấy, bảng điểm giấy; là tỉnh đứng thứ hai toàn quốc về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Việt Nam, đứng thứ 6 toàn quốc về giao dịch thành công trên sàn thương mại điện tử Việt Nam…
Công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đã góp phần tích cực nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Cụ thể: Năm 2021 Chỉ số PAPI của tỉnh Lạng Sơn đạt 45,84 điểm, xếp hạng 04/63 tỉnh,thành phố, tăng 3,47 điểm và tăng 33 bậc so với năm 2020; nằm trong nhóm cao nhất cả nước.
Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021, tỉnh Lạng Sơn xếp vị trí thứ 36/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 6/14 tỉnh, thành phố khu vực Miền núi phía bắc, đạt 63,92 điểm, tăng 1,49 điểm và tăng 13 bậc so với năm 2020. Đây là năm tỉnh Lạng Sơn có điểm số cao nhất, thứ hạng cao thứ hai kể từ trước tới nay. Kinh tế, xã hội trên các nền tảng số tiếp tục phát triển mở rộng, dòng chảy vật chất tiếp tục được quản lý, khơi thông, phát triển tích cực song hành với dòng chảy số.
Từ kết quả đó, công cuộc chuyển đổi số của địa phương này đã và đang tiếp tục được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, góp phần tích cực vào công tác phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn.