(VOV5) - Xây dựng cá tầm trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao và mang tính đặc hữu của vùng, từng bước giúp mô hình nuôi cá tầm phát triển theo hướng bền vững.
Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Tận dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, vài năm qua, một số hộ dân đã thử nghiệm mô hình nuôi cá tầm, bước đầu đạt thành công nhất định, góp phần cải thiện thu nhập gia đình và được mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đến xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, hỏi về mô hình nuôi cá lớn nhất tại xã, không ai là không biết đến trại cá tầm Thảo Công của gia đình chị Đàm Thị Thảo. Đây là hộ đầu tiên đưa giống cá tầm về nuôi thử nghiệm tại địa phương. Chị Thảo đến tham quan mô hình nuôi cá tầm tại thị xã Sa Pa, chị Thảo về quê quyết định đầu tư xây bể cá, lắp đặt hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước, mua cá giống, thức ăn… Nhờ có nguồn nước tự nhiên chảy quanh năm từ dòng suối Lenin, nên việc nuôi cá thuận lợi. Chị Thảo tìm về các địa chỉ cung cấp cá giống uy tín ở tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái để nhập về các giống cá tốt, đảm bảo chất lượng. Từ nuôi thử nghiệm ban đầu vài bể nhỏ, đến nay, trại cá tầm gia đình chị Đàm Thị Thảo đã mở rộng diện tích nuôi cá tầm lên hơn 800m2 với 10 bể cá, nuôi 4.000 - 5.000 con mỗi năm, cho sản lượng khoảng 5 - 7 tấn.
Người dân phải theo dõi hàng ngày để kịp thời xử lý khi phát hiện bệnh trên đàn cá - Ảnh: VOV |
Chị Đàm Thị Thảo cho biết: "Cá tầm thì cơ bản cũng giống với các loại cá khác. Tuy nhiên phải thường xuyên thau rửa bể nuôi cá cho sạch. Cá tầm to thì trọng lượng lên tới vài chục cân nhưng nhà tôi thì xuất bán khi cá đạt từ 2kg trở lên".
Giá cá tầm thương phẩm hiện nay dao động khoảng 300.000 đồng/kg (hơn 12 USD/kg). Nuôi cá có thể mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm (hàng chục ngàn USD/năm). Để cá phát triển tốt, hằng ngày cần cho cá ăn 3 lần, đồng thời theo dõi lượng ăn của cá để điều chỉnh cho phù hợp. Ông Ngụy Văn Thành, người nuôi cá tầm ở xã Trường Hà, cho biết: "Giống cá tầm thích nghi với môi trường nước lạnh nên gia đình tôi phải dùng lưới che chống ánh nắng trực tiếp chiếu vào bể nuôi. Biết được bệnh thường gặp và thói quen ăn của cá thì dễ dàng chăm sóc. Nếu thời tiết lạnh thì không sao, nhưng nếu thời tiết nắng nóng thì cá dễ mắc bệnh và thường bỏ ăn".
Cá tầm nước lạnh đem lại thu nhập nhưng vốn đầu tư cũng không nhỏ. Việc nuôi thành công cá tầm với năng suất, chất lượng sản phẩm cao, hiệu quả kinh tế lớn, đa dạng hóa nguồn cung đặc sản chất lượng, mở ra triển vọng mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên Hà Quảng. Ông Triệu Văn Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Hà, cho biết: "Phát huy tiềm năng thế mạnh về nguồn nước với môi trường khí hậu trong lành của địa phương. Để thực hiện tốt mô hình nuôi cá tầm, chính quyền địa phương luôn động viên, khích lệ bà con nhân dân phát huy nỗ lực phát triển mô hình kinh tế mới gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ bà con phát triển kinh tế từ nuôi cá tầm gắn với phát triển du lịch".
Cá tầm thương phẩm được bán cho các nhà hàng ở thành phố Cao Bằng - Ảnh: VOV |
Hiện nay, huyện Hà Quảng đã phát triển thêm mô hình nuôi cá tầm tại xã Ngọc Đào. Đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư mô hình nuôi cá tầm nhiều hơn, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho bà con để nâng cao chất lượng cá tầm thương phẩm. Từ đó, hướng tới xây dựng cá tầm trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao và mang tính đặc hữu của vùng, từng bước giúp mô hình nuôi cá tầm phát triển theo hướng bền vững.