(VOV5) - Với các công nghệ kết nối thông minh, nhà thông minh cho phép chủ nhà có thể điều khiển các thiết bị trong nhà bằng một chiếc điện thoại di động có kết nối Internet.
Tại Việt Nam, thị trường nhà thông minh đang phát triển nhanh chóng và được khách hàng ngày càng ưa chuộng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước đã không ngừng đầu tư, phát triển các dự án, các phần mềm thông minh… để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhà thông minh “Make in Việt Nam”với chất lượng cao, giá thành hợp lý, đa dạng và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ảnh minh họa: vneconomy.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
18h, sau khi đi làm về, anh Nguyễn Quang Trung ở Mỹ Đình, Hà Nội, ngay lập tức có thể thư giãn trên ghế trong tiếng nhạc nhẹ vang khắp phòng khách ở tầng 1. Bởi cùng với việc điều khiển tự động mở cổng nhà trên chiếc điện thoại di động, anh Trung cũng bật nhạc cũng bằng ứng dụng điều khiển WeSmart trên điện thoại.
Trước khi xây nhà, anh Trung cũng tìm hiểu và nghiên cứu các công nghệ nhà thông minh ở nước ngoài, song thấy không phù hợp với người già và trẻ nhỏ, vì thiết bị điều khiển hoàn toàn bằng tiếng Anh. Do đó, anh lựa chọn WeSmart, với công nghệ của người Việt thiết kế, chỉ dẫn đều là tiếng Việt: “Mình tiếp cận với WeSmart là do một cơ duyên. Mình có một người bạn, bạn ấy cũng có trao đổi qua về những giải pháp nhà thông minh, nên mình cũng tìm hiểu thêm. Lý do chính mình chọn WeSmart là do WeSmart có công nghệ khác biệt hơn so với những đơn vị khác. Ví dụ, những đơn vị khác thì họ sử dụng sóng Wifi để điều khiển tất cả những công cụ trong nhà, nhưng WeSmart thì không dùng wifi mà dùng sóng khác. Sóng sử dụng trong nhà của WeSmart an toàn, nên đây là một trong những yếu tố để lựa chọn sử dụng và nhìn chung đến thời điểm này thì mình rất hài lòng”.
Nhà thông minh xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm trước, với các công nghệ kết nối thông minh, cho phép chủ nhà có thể điều khiển các thiết bị trong nhà bằng một chiếc điện thoại di động có kết nối Internet. Khi đó, chủ nhà chưa về đến nhà cũng có thể điều khiển bật, tắt các hệ thống điện, như: đèn, quạt, điều hoà, bình nước nóng… Công nghệ nhà thông minh cũng đang phát triển rất nhanh chóng tại Việt Nam, với sự gia tăng của các doanh nghiệp và các sản phẩm về nhà thông minh. Một số sản phẩm công nghệ nhà thông minh đang được ưa chuộng như hệ thống điều khiển bằng giọng nói, thiết bị điều khiển từ xa thông qua smartphone, hệ thống quản lý điện năng, hệ thống an ninh, hệ thống tiết kiệm năng lượng. Nhờ các tính năng hiện đại này, sản phẩm nhà thông minh đang trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở nhiều gia đình Việt Nam.
Một số dự án nhà thông minh lớn đã được triển khai tại Việt Nam bao gồm Vinhomes, Gamuda City, Vingroup, Richlane Residences,… Đây là các dự án được khách hàng quan tâm nhờ vào các tiện ích hiện đại, an toàn và tiết kiệm năng lượng. Tiến sỹ Trần Khắc Thạc, Giám đốc Dự án Nhà thông minh WeSmart, Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ WeSmart, cho biết: "Khi thiết bị internet vạn vật (IoT) được phát triển như hiện nay, thì việc áp dụng vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống là rất cần thiết. Như chúng ta đã biết, khi xã hội phát triển, thì mỗi một gia đình, mỗi một cá thể chúng ta dường như có ít thời gian hơn. Cho nên việc xây dựng công nghệ để giúp chúng ta tiết kiệm hơn trong thời gian vận hành, cũng như trải nghiệm trong thời gian chúng ta nghỉ ngơi ở gia đình một hướng đi rất tốt".
Thị trường nhà thông minh đang phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức, như: nhân lực chuyên môn và kỹ thuật, giá thành sản phẩm còn cao… Đây là những thách thức cần vượt qua để thị trường nhà thông minh tại Việt Nam phát triển bền vững. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng của người dân đối với nhà thông minh, cùng sự phát triển của kinh tế Việt Nam, các dự án nhà thông minh được tích hợp trong các khu đô thị, các dự án bất động sản cao cấp… sẽ tạo động lực cho thị trường nhà thông minh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phát triển các sản phẩm, giải pháp về nhà thông minh, giúp tạo ra sự đa dạng về sản phẩm và cạnh tranh hơn trên thị trường. Tiến sỹ Trần Khắc Thạc cho biết thêm: “Hiện nay, giải pháp của chúng tôi là hướng tới việc biến căn nhà của chúng ta thành một nơi để chúng ta vừa nghỉ ngơi vừa trải nghiệm những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chúng ta có thể ra lệnh cho bất cứ thiết bị điện nào trong nhà chúng ta bằng giọng nói của chúng ta, hay là bằng điện thoại thông minh, để vận hành ngôi nhà của chúng ta. Chúng ta có thể vận hành cũng như kiểm soát toàn bộ các hoạt động của tòa nhà ở bất cứ nơi đâu. Đặc biệt nữa là hiện nay với công nghệ phát triển, công ty chúng tôi đã triển khai và áp dụng rất mạnh công nghệ nhận dạng khuôn mặt để nâng cao các giải pháp an toàn cho từng ngôi nhà”.
Cùng với quá trình phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại theo định hướng hội nhập quốc tế, mạng Internet phát triển giúp người dùng có nhiều công cụ để tự mình tìm hiểu, so sánh và đánh giá tính năng, nguồn gốc xuất xứ của các thiết bị thông minh. Những yếu tố này tạo điều kiện những công ty Nhà thông minh đưa các sản phẩm "Make in Việt Nam" tiếp cận nhiều người dùng hơn. Mặc dù là quốc gia đi sau, nhưng nhiều công ty Việt đã tận dụng lợi thế của người đi sau là kế thừa và phát triển những thành tựu khoa học công nghệ trước đó, tạo ra các sản phẩm thông minh của người Việt như Nhà thông minh BKAV, Lumi, Javis… Sở hữu hệ thống quản lý, server đặt tại Việt Nam, đồng thời làm chủ về công nghệ lõi, những công ty Nhà thông minh Việt có thể đem đến một trải nghiệm trọn vẹn hơn cho người dùng.