(VOV5) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những tác động mạnh mẽ khiến nhiều doanh nghiệp/công ty điêu đứng, thì thương trường cũng ghi nhận nhiều doanh nhân/doanh nghiệp phát triển, vươn lên.
Đó chính là những doanh nhân/doanh nghiệp trẻ với những dự án, công ty khởi nghiệp vốn sớm tận dụng thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,biết biến “nguy” thành “cơ”, đạt thành quả kinh doanh ấn tượng. Với sức sáng tạo tuyệt vời, các doanh nhân/doanh nghiệp nàyđang được kỳ vọng sẽ đóng góp tốt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, giúp nền kinh tế đất nước nhanh chóng tiếp cận với công cuộc số hóa.
Ảnh minh họa: Kết nối và sử dụng ứng dụng eDoctor trên nền tảng điện thoại thông minh. - Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống |
Edoctor là công ty công nghệ y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe thông qua các thiết bị thông minh như điện thoại di động. Được thành lập từ năm 2014 với nhiều ý tưởng sáng tạo, dần phát huy trong thực tiễn như khám chữa bệnh từ xa, phối hợp chăm sóc sức khỏe tại nhà và hỗ trợ khách hàng chủ động chăm sóc sức khỏe, công ty Edoctor được các chuyên gia nhận định là doanh nghiệp có tiềm năng. Thời gian gần đây, đặc biệt là giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp buộc Chính phủ phải thực hiện giãn cách xã hội, mô hình y tế số này được nhiều người quan tâm, tìm đến. Đến thời điểm hiện tại, Edoctor đã hợp tác với hơn 500 điều dưỡng, hơn 400 bác sĩ, 80 phòng khám và bệnh viện trên cả nước, phục vụ hơn 100 nghìn lượt khám sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và nhiều doanh nghiệp.
Đáng chú ý, từ trước khi cái tên Edoctor trở nên nổi tiếng, nhiều tập đoàn hàng đầu trong làng công nghệ Việt Nam như FPT, Viettel… cũng đã sớm nhận ra xu hướng này và đã đầu tư nguồn lực, đào tạo một lượng lớn nhân viên cho việc chiếm lĩnh thị trường chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng, không sợ hãi trước cái bóng khổng lồ của các “ông lớn” công nghệ nước nhà, Edoctor vẫn vững bước tiến lên.
Doanh nhân Huỳnh Phước Thọ - thành viên sáng lập Edoctor, khẳng định: "Chăm sóc, khám chữa bệnh từ xa thì các tập đoàn khác trong thời gian qua đã chia làm hai mảng, cung cấp cơ sở hạ tầng cũng như các ứng dụng, các bệnh viện hoặc cơ sở y tế cùng hoặc khác tuyến cũng đã thực hiện từ lâu rồi.Nhưng kết nối giữa người bệnh với bác sĩ điều trị là điều còn thiếu và chưa có một đơn vị nào thực sự triển khai thành công. Chúng tôi có chiến lược của riêng mình, không chỉ là một ứng dụng để kết nối bác sĩ với người dùng để tư vấn từ xa hoặc chỉ là video thôi, chúng tôi còn xây dựng thêm hệ thống dịch vụ đi kèm đó là các phòng khám, bệnh viện, xét nghiệm nữa, để bác sĩ và người dùng có thể sự dụng hiệu quả hơn, tăng tính cạnh tranh.
Đây không phải là nhận định chủ quan của một doanh nhân đang có thiên hướng đầu tư vào thương trường y tế. Thực tế, từ quý 1 năm 2019, thị trường công nghệ toàn cầu đã ghi nhận tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ y tế lên tới 2,9 tỷ USD. Giá trị trung bình của các thương vụ đầu tư được ghi nhận ở mức 9,2 triệu USD. Việc rót vốn cho các startup trong lĩnh vực y tế từ xa đang ngày càng mạnh mẽ. Rõ ràng, y tế là thị trường lớn, tạo cơ hội cho sự ra đời của các ý tưởng khởi nghiệp, các doanh nghiệp đang đầu tưhay có ý định đầu tư vào lĩnh vực này, đồng nghĩa với tiềm năng đóng góp ngày càng cao của thị trường y tế vào bức tranh kinh tế đất nước.
Không chỉ có y tế, giáo dục cũng đang khẳng định là thị trường tiềm năng, cho thấy sức sáng tạo của các doanh nhân trong lĩnh vực mới mẻ này. Trong đó, câu chuyện của Công ty Công nghệ và Giải pháp Etech là ví dụ. Trước khi dịch bệnh bùng phát, dù đã được thành lập được gần 10 năm, song công ty này chỉ hoạt động ở vai trò là đơn vị thứ 3, tức hoạt động theo kiểu liên kết, ăn chia phần trăm với đối tác chính thức của khách hàng. Vậy nhưng, khi học sinh toàn quốc phải nghỉ học vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nhu cầu dạy-học trực tuyến trở nên cấp thiết, đơn hàng đến với Etech nhiều hơn. Doanh thu của công ty tăng trưởng rõ rệt.
Ông Hà Văn Đạt – Giám đốc điều hành Etech cho biết: "Về mặt doanh thu thì tăng lên so với trước mùa dịch. Có rất nhiều khách hàng/đơn vị trước đó chúng tôi tìm đến,thì giờ họ lại chủ động tìm chúng tôi. Đó là một nhu cầu cấp bách, một sự cần thiết."
Rõ ràng, bên cạnh những tác động tiêu cực thì đại dịch Covid-19 cũng có điểm tích cực là chứng minh cho thực tế rằng công cuộc số hóa đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành “thời cơ vàng” cho các ý tưởng sáng tạo và tiềm năng kinh doanh lĩnh vực số hóa. Doanh nghiệp/doanh nhân trong lĩnh vực số hóa đang đứng trước cơ hội thiết thực đóng góp tăng trưởng kinh tế thời hậu dịch, giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với công cuộc số hóa toàn nền kinh tế.