Những mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công ở tỉnh Quảng Nam
Lê Tuyết -  
(VOV5) - Tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 500 mô hình kinh tế, tổ hợp tác và HTX do thanh niên khởi nghiệp làm chủ.
Ba năm gần đây, phong trào khởi nghiệp sáng tạo ở tỉnh Quảng Nam phát triển rất mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Sự thành công này đã truyền cảm hứng cho lớp trẻ vươn lên làm giàu chính đáng ở vùng đất xứ Quảng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Anh Lê Văn Lương ở thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam từng vào các tỉnh phía Nam đi làm thuê. Bôn ba khắp nơi nhưng công việc bấp bênh không đủ trang trải cuộc sống, rốt cuộc anh quyết định trở về quê để lập nghiệp. Năm 2009, anh Lương cùng một người bạn hùn vốn mở quán cà phê vườn với hy vọng có thu nhập ổn định. Công việc thuận lợi, anh Lương tìm lối đi riêng trong kinh doanh bằng việc mở thêm cơ sở sản xuất cà phê sạch.
Sau một thời gian lặn lội vào các bản đồng bào dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk để mua cà phê về chế biến, anh đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ cà phê Cavalry Coffee tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên. Để có nguồn cà phê sạch ổn định, anh liên kết với các nông trại trồng cà phê ở tỉnh Đắk Lắk lấy nguyên liệu về, rang và chế biến đóng gói. Mỗi tháng, anh xuất bán bình quân gần 2 tấn cà phê rang xay, chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Bình. Tôi tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều thanh niên trẻ ở địa phương để lập nghiệp, xây dựng mô hình tốt hướng tới cộng đồng cao hơn. Anh Lương chia sẻ: "Tại địa phương tôi đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho thanh niên địa phương để khởi nghiệp".
Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ cà phê Cavalry Coffee tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên - Ảnh: cavalry.vn |
Câu chuyện khởi nghiệp đối với chị Trần Thị Ngọc Trang, ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, bắt đầu sau khi du học ở Nhật Bản. Chị đã thành lập mô hình du lịch cộng đồng. Chị thuê người cải tạo cánh đồng sen lâu năm của gia đình trở thành một điểm tham quan. Khách tới đây trải nghiệm chèo ghe trên đồng sen. 2 năm nay, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn thu hút khách địa phương. Bên cạnh tổ chức cho khách tham quan đầm sen, chị Trần Thị Ngọc Trang trồng thêm nhiều loài hoa rực rỡ khác để du khách có thêm lựa chọn khi check-in tại đây. Với giá vé là 30 nghìn đồng/người, khách tham qua còn được cung cấp dịch vụ giải khát, trạm dừng nghỉ ngơi và lựa chọn sản phẩm hạt sen đóng gói nếu có nhu cầu.
Chị Trang nhớ lại: "Tốt nghiệp xong tôi về đây mở mô hình để khởi nghiệp. Khách tới đây thì trải nghiệm có khu vui chơi ở dưới vườn Dừa, rồi mọi người bơi thuyền ra ngoài ao Sen, đi quanh tham quan vườn hoa. Mùa du lịch khách rất đông. Nhiều thanh niên trẻ tới học hỏi mô hình của mình. Sắp tới mở rộng mô hình này, các thanh niên có nhu cầu học hỏi tôi hướng dẫn trải nghiệm thêm việc làm ổn định".
Tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 500 mô hình kinh tế, tổ hợp tác và HTX do thanh niên khởi nghiệp làm chủ. Tỉnh cũng xây dựng Quỹ khởi nghiệp đầu tư với số vốn 50 tỷ đồng và thành lập Câu lạc bộ Thanh niên đầu tư khởi nghiệp, hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ.
Chị Phạm Thị Thanh, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam - Ảnh: tienphong.vn |
Chị Phạm Thị Thanh, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam, cho biết nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động là thanh niên vùng nông thôn, miền núi.
Theo chị Thanh: "Hiện nay, các mô hình phát triển kinh tế được các bạn thanh niên thực hiện khá hiệu quả. Góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tổ chức Đoàn luôn đồng hành tư vấn về khởi nghiệp cho thanh niên, đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tạo môi trường thuận lợi để các bạn thanh niên vươn lên lập thân, lập nghiệp làm giàu cho chính mình và làm giàu cho quê hương".
Quảng Nam xếp thứ 4 khu vực miền Trung - Tây Nguyên và thuộc nhóm đầu trong số các tỉnh thành triển khai chương trình khởi nghiệp sáng tạo của Chính phủ. Việc tỉnh ngày càng có nhiều mô khởi nghiệp thành công đã, đang và sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển, đời sống của người dân được cải thiện.
Lê Tuyết