Phấn đấu hoàn thành mục tiêu 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong năm 2020

(VOV5) - Bộ Khoa học công nghệ đã kiến nghị với Chính phủ và đưa ra nhiều giải pháp cùng với những ưu đãi tốt hơn, cơ chế thông thoáng hơn.

Chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KHCN. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế cũng như sự phát triển, kinh doanh của doanh nghiệp... Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu trong năm nay.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong năm 2020 - ảnh 1

Hoạt động thí nghiệm tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiến Nông - Ảnh: congluan.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiến Nông, một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được công nhận là doanh nghiệp KHCN, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc công ty, cho biết ngay từ khi mới thành lập - năm 1995, doanh nghiệp đã xác định lấy KHCN làm nền tảng cho phát triển, thể hiện qua việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D với những trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực trình độ cao. Cũng thông qua trung tâm nghiên cứu và phát triển này, công ty đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao, nhiều sản phẩm dinh dưỡng cây trồng của Tiến Nông đã được triển khai trong thực tế sản xuất, không chỉ đem về doanh thu cho doanh nghiệp mà còn giúp người nông dân có những vụ mùa bội thu.

Ông Phong nói: "Ngay từ khi thành lập 1995 chúng tôi đã xác định lấy KHCN làm nền tảng vững chắc để chúng tôi phát triển như ngày hôm nay. Nếu như trước đây chúng tôi chỉ có 30 lao động, thì nay đã là 600 lao động, doanh thu lên đến 1.000 tỷ đồng. Thành công này của doanh nghiệp là nhờ KHCN, nếu như doanh nghiệp không chú trọng đến KHCN thì sẽ phát triển không bền vững".

Chiến lược phát triển KHCN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KHCN. Nhằm bảo đảm tính khả thi của mục tiêu đề ra, Bộ Khoa học và công nghệ đã và đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó bám sát các kế hoạch sửa đổi một số Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập doanh nghiệp… và các văn bản hướng dẫn để bổ sung các quy định về hỗ trợ ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp KHCN. Đồng bộ hóa hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KHCN và Đổi mới sáng tạo, gồm: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành… để bảo đảm các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian; cơ chế giao quyền sở hữu/quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng: Cơ chế, chính sách vẫn là rào cản khiến cho quá trình thực hiện Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 còn nhiều khó khăn và để hoàn thành mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KHCN vào cuối năm nay rất cần sự nỗ lực của các bộ, ngành và doanh nghiệp...

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và công nghệ, cho rằng: "Số lượng doanh nghiệp quan tâm đến KHCN chưa nhiều… thứ hai nữa là các chương trình của chúng ta triển khai cũng có nhiều hạn chế, cơ chế tài chính cho hoạt động giải ngân cũng có nhiều hạn chế… Do đó, thời gian vừa qua Bộ cũng đã có nhiều nỗ lực, thay đổi cơ chế đầu tư, tài chính… cũng được thay đổi để tạo thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn còn thách thức cần phải tiếp tục thay đổi. đặc biệt là cơ quan quản lý, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn hỗ trợ, cả chính thức và phi chính thức".

Hiện cả nước mới chỉ có khoảng hơn 500 doanh nghiệp KHCN. Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: qua các thống kê và đánh giá tiềm năng thì số liệu doanh nghiệp KHCN chắc chắn sẽ đạt hơn 5.000, thậm chí còn hơn rất nhiều. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đăng ký là doanh nghiệp KHCN. Để thu hút doanh nghiệp đăng ký thành doanh nghiệp KHCN, Bộ Khoa học công nghệ đã kiến nghị với Chính phủ và đưa ra nhiều giải pháp cùng với những ưu đãi tốt hơn, cơ chế thông thoáng hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác