Tốt nghiệp đại học Tây bắc năm 2010, vốn liếng khi ra trường là những đề tài nghiên cứu khoa học liên quan tới cây thuốc bản địa và những tấm bằng khen cho các đề tài xuất sắc đủ để thấy cô sinh viên trẻ Tẩn Mý Dao gắn bó với dân tộc mình như thế nào. Tẩn Mý Dao tâm sự: "Ngay từ nhỏ tôi đã đi theo gia đình thu hái các nguồn dược liệu trên cao nguyên Sìn Hồ - Lai Châu, chứng kiến những bệnh nhân được sử dụng thuốc, từ chỗ bi quan đến khi họ có lại sự sống và có niềm vui về với gia đình. Bắt đầu từ đó, tôi có tình yêu với dược liệu. Tôi quan tâm tới nguồn dược liệu cũng như những tác dụng của thuốc. Những bài thuốc hay của gia đình thì tôi muốn lưu giữ".
Với cô, cây thuốc bản địa chính là động lực để cô nghĩ đến việc bảo tồn nguồn thuốc và tận dụng nó để giúp cho bà con nghèo ở bản có cuộc sống ổn định.
Tuy nhiên, lập thân lập nghiệp không hề đơn giản. Bao khó khăn vất vả bủa vây Tẩn Mý Dao. Song chính những khó khăn ấy lại làm cô thêm mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Cô tâm sự: "Khó khăn nhất là khâu mình thuyết phục người dân cùng tham gia vì lĩnh vực này vốn đầu tư rất lớn và lâu dài. Đầu tư gần 100 triệu/ha. Đối với một hộ gia đình nông dân bình thường, thì đây là con số quá lớn. Tôi đã theo đuổi suốt 10 năm trời để nghiên cứu và phát triển sản phẩm, toàn bộ lương và tiền từ công trình nghiên cứu mới tạo ra sản phẩm như thế này".
Sau hơn 10 năm với nhiều nỗ lực, Tẩn Mý Dao đã cho ra đời sản phẩm thuốc tắm lấy luôn tên của cô là Mý Dao. Đây chính là mô hình khởi nghiệp hiện tại của cô gái sinh năm 1985. Bài thuốc là sự kết hợp của những giá trị bản địa cùng với những kiến thức khoa học nên sản phẩm thuốc tắm Mý Dao đã được khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện nay, Tẩn Mý Dao đã thành lập được Hợp tác xã mang tên cô. Hợp tác xã được đặt ngay tại khu 1, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Hợp tác xã có 7 thành viên đều là những người trẻ có đam mê với các bài thuốc dân gian. Tẩn Chìn Phà, thành viên Hợp tác xã, cho biết: "Làm việc ở đây rất thuận tiện, so với các công việc khác của người nông dân thì công việc của em ở đây nhàn hơn. Đi lấy thuốc, chọn lọc thuốc, rồi ươm giống. Bình quân thu nhập từ 7- 10 triệu".
Sản phẩm phong tê thấp Mý Dao - Ảnh: Hợp tác xã Mý Dao |
Hiện tại Hợp tác xã có sản phẩm phong tê thấp dạng ngâm đã đạt OCOP 3 sao của tỉnh Lai Châu, bên cạnh đó có phong tê thấp dạng uống đã được Sở y tế cấp chứng nhận và lưu hành. Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, Mý Dao cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều bài thuốc gia truyền nữa để làm sao vừa bảo tồn các loài thuốc và tạo thêm thu nhập cho gia đình, cho bà con.
Để khởi nghiệp bền vững, theo Tẩn Mý Dao cần nhất vẫn là bảo tồn nguồn dược liệu quý mà thiên nhiên đã ban tặng. Bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, Tẩn Mý Dao có thể tạo ra số lượng lớn cây giống để cung cấp cho người dân. "Khi mình tìm cây giống thì phải lựa chọn đúng vị thuốc kết hợp những bài thuốc gia truyền của gia đình mình, tìm nguồn gen nào chuẩn nhất để có phương thuốc tốt nhất. Quá trình mình nhân giống cũng phải có phương pháp bảo tồn, giữ gìn được nguồn gen. Khi mình làm được điều đó thì vận động người dân trồng bảo tồn, để phát huy những bài thuốc quý cũng như là di sản quý của dân tộc mình" - cô nói.
Hiện tại, Hợp tác xã Mý Dao đã liên kết 3 xã lân cận, mỗi xã có 30 – 40 hộ trồng dược liệu. Giám đốc Hợp tác xã Mý Dao Giàng Xuấn Cường cho biết: "Việc liên kết này đảm bảo nguồn dược liệu cho sản xuất của Hợp tác xã. Chúng tôi phổ biến phương pháp giâm hom (phương pháp nhân giống vô tính cây trồng) để kích rễ cho bà con trồng, duy trì nguồn giống. Khi có sản phẩm là mình mua lại hết cho bà con, giúp đảm bảo thu nhập".
Sau một thời gian áp dụng, kỹ thuật này đã tạo ra giống cây trồng mới cho bà con, từ đó nâng cao hiệu quả phát triển rừng, đảm bảo đời sống, giữ gìn sức khỏe cộng đồng. Đây là hướng đi phù hợp của Hợp tác xã Mý Dao, vừa phát triển kinh tế lâm nghiệp, vừa phát triển cây dược liệu. Điều này cũng cho thấy mô hình khởi nghiệp của Tẩn Mý Dao đã khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh địa phương.