(VOV5) - Việc phát huy lợi thế của Việt Nam, các công nghệ về nông nghiệp hứa hẹn một sự bùng nổ cùng với sự phát triển của làn sóng khởi nghiệp và sự phát triển của công nghệ 4.0.
Du lịch là ngành đầu tiên rơi vào trạng thái tê liệt vì dịch bệnh nhưng cũng là một trong những ngành được dự báo sẽ phục hồi trước tiên. Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra đang tạo nên những xu hướng kinh doanh mới làm thay đổi ngành công nghiệp không khói này.
Sự an toàn chính là lợi thế của du lịch Việt Nam hậu Covid-19. Việt Nam đến ngày 15/5 chỉ ghi nhận 312 ca nhiễm, đặc biệt là gần 1 tháng qua không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tính hiệu quả trong phòng, chống dịch minh chứng cho du khách về sự an toàn của Việt Nam.
Chủ tịch Thiên Minh group Trần Trọng Kiên nhận định, thay vì lượng khách quốc tế đến Việt Nam hay lượng khách Việt Nam đi du lịch quốc tế thì hiện nay, nhu cầu du lịch nội địa rất lớn: "Cơ hội thực sự của du lịch Việt Nam là du lịch nội địa. Vì vậy, các công ty du lịch tìm cách làm cho người đã đi du lịch nội địa rồi thì tiếp tục đi lại. Thứ 2, là chúng ta có hơn 10 triệu khách nội địa đi quốc tế nhưng do dịch nên không đi, do đó họ sẽ lựa chọn đi du lịch nội địa. Hai nhóm đó có cơ hội đi du lịch nội địa mà nếu chúng ta biết khai thác phù hợp thì chúng ta sẽ tạo ra nhu cầu đủ cho các nhà cung cấp nội địa phát triển. Đấy là cơ hội mà chúng ta có thể nhìn thấy ít nhất là 3 đến 6 tháng tới."
Hiện nhu cầu của khách du lịch trong nước cũng thay đổi nhiều so với trước khi dịch Covid - 19 xảy ra. Doanh nhân Trần Trọng Kiên chia sẻ: "Nhu cầu của khách Việt Nam bây giờ thay đổi. Trạng thái bình thường mới có mấy điểm khác so với trước. Thứ nhất là không muốn đi xa, không muốn đi nước ngoài. Thứ hai là người ta rất quan tâm đến vệ sinh, an toàn, có nghĩa là những khách sạn nào tuân thủ tuyệt đối các vấn đề phòng chống dịch thì rất được mọi người quan tâm. Thứ ba là nhu cầu khách tìm đến nghỉ dưỡng xa trung tâm, vùng nông thôn vắng người và thứ 4 là khách muốn đi thành đoàn nhỏ, theo gia đình. Nắm bắt được những xu hướng đó thì các doanh nghiệp du lịch sẽ tạo ra cơ hội và sản phẩm phù hợp."
Vì vậy, với các doanh nghiệp đây là giai đoạn đòi hỏi liên tục đổi mới sáng tạo trong vận hành. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn cũng như tìm thấy cơ hội khác trong thời điểm hiện tại.
Tubudd tập trung phục vụ thị trường khách nội địa. |
Chị Vũ Thị Thái An, đại diện Tubudd, start up dựa trên nền tảng công nghệ kết nối du khách và người bản địa, cho biết thay vì tập trung phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam, Tubudd đã nhìn thấy sự thay đổi của thị trường: "Tubudd tập trung vào thị trường nội địa. Đây là cơ hội để mình dịch chuyển, tạo ra sản phẩm mới phù hợp với đối tượng khách hàng mới. Hiện tại giá vé máy bay rất rẻ, dịch vụ lưu trú giảm giá rất nhiều cho khách hàng Việt Nam và tất cả người Việt mình có nhu cầu thì Tubudd cũng sẵn sàng phục vụ."
Về phần mình, doanh nhân Trần Trọng Kiên cho biết: "Toàn bộ khách sạn của chúng tôi áp dụng Sáng kiến an toàn. Khách sạn an toàn, tour an toàn, vận chuyển an toàn. Ví dụ, nếu khách vừa check out rồi thì chúng tôi không cho check in ngay lập tức mà sau 24h chúng tôi mới check in phòng đó. Thứ hai là yêu cầu quy trình dọn phòng cũng rất nghiêm ngặt. Chúng tôi cũng triển khai việc cho khách hàng check in online và điền tất cả các form theo yêu cầu, đảm bảo không tụ tập đông người."
Một yếu tố khác được các doanh nghiệp du lịch chú ý là để phục hồi thị trường trong nước và quốc tế trong thời điểm này, cần thiết phải kết nối 4 bên: điểm đến, lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú để tạo ra các tour giảm giá sâu để kích cầu du lịch.
Công ty Lữ hành Fiditour vớicác tour du lịch phục vụ nhóm khách gia đình - Ảnh: Fiditour |
Theo bà Trần Bảo Thu, Giám đốc truyền thông của công ty Lữ hành Fiditour, các sản phẩm du lịch cho tháng 5 đến tháng 7 được công ty thiết kế để phục vụ cho đối tượng nhóm khách gia đình như: tour Free&Easy (combo bao gồm các dịch vụ cần thiết nhất cho chuyến du lịch: máy bay, ô tô, khách sạn…), tour du lịch mở, tour thời gian ngắn (tối đa 4 ngày) và ưu tiên cho các điểm đến gần, di chuyển thuận tiện bằng ôtô, nếu đi bằng hàng không thì sẽ là các chặng bay ngắn...
Du lịch Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid – 19. Việc các doanh nghiệp du lịch tập trung khai thác thị trường nội địa cũng như tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đảm bảo chất lượng phục vụ an toàn, tạo cơ hội để ngành công nghiệp không khói hồi phục nhanh hơn