(VOV5) - Đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015), nhà thơ, nhà báo Trần Lệ Thu cho ra mắt cuốn “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” (NXB Quân đội Nhân dân).
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Sự nhạy cảm của một hồn thơ với sự kỹ càng sắc sảo của một nhà báo làm cho những trang nhật ký của bà có cái quánh bện của sự kiện và hồn người. Tôi ngạc nhiên về kỹ năng văn xuôi của Lệ Thu. Giữa sống chết, công việc với đủ sự va đập của chiến trường, bà chỉ chọn những gì nổi bật nhất trong ngày, rọi ánh sáng vào đấy, làm bật lên cốt lõi, thần thái của sự việc. Và không quên, không bao giờ quên cho ta biết nhịp đập tâm hồn của chị…”.
|
Nhà báo- nhà thơ Lệ Thu thời tác nghiệp ở chiến trường |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Tác giả Lệ Thu tâm sự: “Cuốn nhật ký này tôi cất giữ 40 năm nay, nghĩ nó chỉ là những kỉ niệm buồn vui của riêng mình. Nhưng giờ đây, bỗng nhiên tôi muốn nó được đến với mọi người, để những sự tích anh hùng của những trái tim đau thương, những tâm hồn cao cả ấy được lấp lánh giữa cuộc đời, được sống mãi với thời gian, không bị ai lãng quên, không bị ai làm hoen ố!”.
Chỉ lật qua vài trang đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút vào câu chuyện của người cùng nghề nhưng tác nghiệp ở trong một thời kỳ vô cùng khó khăn, nguy hiểm.
Lệ Thu là phóng viên, biên tập viên của Đài TNVN từ 1964 đến 1972. Vào những năm cuối cuộc chiến, bà được điều động sang làm phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng (1973-1975).
Tháng 8/1973, nữ nhà báo 33 tuổi được phân công rời Hà Nội vào Nam, ban đầu với mục đích là để thành lập Ðài phát thanh Giải phóng khu V. Nhưng khi vào đến nơi, vì điều kiện khó khăn nên Ðài phát thanh đó không thành lập được, đoàn cán bộ của Lệ Thu trở thành bộ phận “phóng viên thường trú”, có nhiệm vụ phản ánh tình hình thực tế, viết bài gửi ra Đài TNVN và Đài Phát thanh Giải phóng.
|
“Cái nhìn về chiến tranh qua con mắt nữ nhà báo”. |
Cuốn Nhật ký đầy ắp những sự kiện diễn ra vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh ở các tỉnh Nam Trung bộ, chủ yếu là Bình Định.
Lẽ ra được đi học ở nước ngoài, thì Lệ Thu lại trở thành nữ phóng viên rồi vào chiến trường. Nhưng chính đó là cơ hội để chị (xin được gọi nữ đồng nghiệp là “chị”, dù ngoài đời, bà đã ở vào tuổi bà của những phóng viên trẻ) có dịp đi, chứng kiến, trò chuyện với những người sống, chiến đấu để giành độc lập, thống nhất đất nước. Với cái nhìn sắc sảo của người làm báo, chị phát hiện và khắc họa chân dung của những con người bình thường nhưng lại rất đỗi phi thường.
Tôi ấn tượng nhất là câu chuyện về Lý, người xã đội trưởng du kích Phước Hưng. “Đêm xuất kích đầu tiên đánh vô vùng sâu Tuy Phước mình gặp Lý trong bộ quần áo thật sang: ga-ba-đin màu ô liu may theo kiểu quân giải phóng… Cầm tay hỏi Lý như nỗi băn khoăn về một đứa em sắp đi xa: - Em đi chiến đấu sao ăn bận sang thế này? - Em phải ăn bận đàng hoàng, lỡ có hy sinh bọn địch không khinh cộng sản nghèo khố rách áo ôm…”. Và người thanh niên ấy đã hy sinh dũng cảm, dọn đường cho thắng lợi sắp đến. Nữ nhà báo ghi vào trong nhật ký: “Vậy là trong mắt những người còn sống, em đẹp trọn vẹn như một thiên thần!”.
Giữa lằn ranh sự sống và cái chết ấy, thật đẹp những câu chuyện đầy đầy tình người. "... Khi kết thúc trận đánh ở Hiệp Đức, có hai bé gái chạy lạc, một là con của cặp vợ chồng du kích vừa hy sinh, một là con của một gia đình ngụy quân, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hai đứa bé chơ vơ ngơ ngác giữa khói lửa mù trời, đơn vị đã mang cả hai đứa bé về nuôi nấng, dạy dỗ, yêu thương như con đẻ… "
Cứ vài trang nhật ký, Lệ Thu lại nhắc đến đứa con nhỏ của mình. Nữ nhà báo, là Đảng viên, chấp hành mệnh lệnh, đi vào nơi gian khổ làm nhiệm vụ, không biết có ngày về hay không. Nhưng trên tất cả, chị là một người mẹ có con nhỏ. Chẳng phút nào chị ngơi nhớ về con. Cả cuốn nhật ký, cứ vài mươi trang lại rền rĩ nhớ con, mơ thấy con, gặp ai cũng muốn nói chuyện về con, thương xót con nhỏ phải xa mẹ...
“… Một phút lòng tôi yếu đuối, tôi khóc và nghĩ rằng rất có thể tôi sẽ hy sinh trong chuyến đi phía trước này. Trong đời hình như chưa bao giờ mình sợ chết. Nhưng giờ này tôi bỗng nghĩ đến con, bởi nếu tôi chết thì con tôi sẽ ra sao? Chắc hẳn là nó sẽ cô vùng cực khổ. Ôi con trai của má!... Phải chi con đã lớn hơn một chút cho má đỡ đau lòng, bớt xót xa, ân hận”.
Sự kết hợp giữa thông tin và cảm xúc tạo nên sức hấp dẫn của cuốn nhật ký. Trong cuốn sách nhiều những đoạn văn gợi tả, đẹp như thơ, bởi Lệ Thu vốn là nhà thơ: “Tôi ngồi trên chiếc võng dù nhìn ra sân đầy ánh sáng. Mùi hoa Vạn Thọ tỏa ngoài ngại. Làng Công Thạnh im lìm trong giấc ngủ, tôi bước ra sân. Rừng dừa Tam Quan mênh mông chỉ còn lại những thân cây cháy thui. Bên kia dòng sông trắng bạc là làng Thiện Chánh… Một cảm giác êm dịu tràn ngập trong lòng tôi. Ôi quê hương! Phút này sao yên tĩnh thế!...”
|
Nhà báo Lệ Thu (ảnh: FB nhân vật) |
Cuốn nhật ký hấp dẫn bởi sự chân thực là thế, không chỉ phản ánh một chiều. Tuy có lúc ấm ức vì những tiêu cực bất công, có lúc buồn tủi bởi nhiều trớ trêu của số phận... nhưng lúc nào chị cũng giữ được tấm lòng trong sáng và thái độ tích cực, không bi lụy. Dù mệt, dù ốm, dù nhớ con, thương cha mẹ... vẫn lao vào công việc. Và luôn nhìn thấy xung quanh mình những con người chọn lẽ sống cao đẹp.
Cuối cùng, tác giả tâm sự: “Chiến tranh chẳng có gì vui, nhưng Tổ quốc thoát khỏi nạn xâm lăng, đồng bào thoát khỏi những nhà lao độc ác, các gia đình thoát khỏi sự chia lìa, đất nước hoà bình thống nhất… là hạnh phúc vô biên, là niềm vui bất tận của cả dân tộc và của mỗi cuộc đời, trong đó có cuộc đời tôi và cha mẹ, gia đình tôi”. Vâng, đó mới là điều lớn nhất.
Cuộc chiến qua đi đã 40 năm, thời gian đủ dài để người ta có thể xem xét, nhìn nhận, đánh giá những dữ liệu lịch sử. “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” chính là tiếng nói để nhắc nhở chúng ta hãy tôn trọng quá khứ, bảo vệ những giá trị mà nhân dân đã phải đổ bao xương máu mới giành được./.