(VOV5) - Hai trong số hàng chục nữ nhà báo đã có nhiều năm công tác và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của Đài TNVN là nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc và nhà báo Nguyễn Minh Đức.
“Tự sâu thẳm lòng mình, nghề báo với tôi vẫn là máu thịt, là tình yêu mãi mãi” - Đó là tâm sự của nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc - nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN.
|
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc |
Nhắc đến Kim Cúc là nhắc đến một cây bút sắc sảo, một giọng nói ấm, vang, khúc triết, nhưng rất đỗi gần gũi đã để lại trong lòng thính giả nhiều ấn tượng riêng. Nhiều người nhầm nhà báo Kim Cúc với nghệ sĩ ưu tú Kim Cúc - người có chất giọng “trời phú” cuốn hút thính giả vào mỗi buổi “Đọc truyện đêm khuya”.
Kỷ niệm trong suốt 36 năm làm báo ở Đài TNVN từ khi ra trường năm 1970 đến khi nghỉ hưu của nhà báo Kim Cúc rất nhiều, nhưng nhớ nhất, ấn tượng nhất là những lần lên sóng tường thuật trực tiếp các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc; các kỳ họp Quốc hội, các lễ diễu binh, diễu hành, lễ mít tinh lớn; các hoạt động đối ngoại quan trọng.
Bà kể: Có những buổi lên sóng chương trình Thời sự trực tiếp khi tin tức liên tục chuyển về khiến những phóng viên, biên tập viên phải ở miết trong phòng thu, có lúc “thót tim”, căng như sợi dây đàn. Chỉ đến khi hết chương trình Thời sự mới thở phào nhẹ nhõm, mới chợt thấy bụng đói vì chưa kịp ăn.
Thế là không phân biệt tuổi tác, không phân biệt chức vụ, Kim Cúc lại hòa mình cùng các phóng viên trẻ rủ nhau đi ăn quán vỉa hè, khi thì tô bún, khi thì chiếc bánh mì, hộp cơm, nhưng những bữa ăn như vậy lúc nào cũng đậm đà tình cảm với nhiều câu chuyện rôm rả về chuyện đời, chuyện nghề.
Từ khi làm phóng viên, sau đó giữ chức Phó Trưởng ban Thời sự, rồi 10 năm làm công tác quản lý trên cương vị Phó Tổng giám đốc Đài TNVN, nhà báo Kim Cúc cùng lãnh đạo của Đài luôn trăn trở để không ngừng đổi mới. Đó là tăng cường làm phát thanh trực tiếp, phóng viên tự trình bày tác phẩm trên sóng; là hướng về cơ sở, để nhiều tầng lớp nhân dân được nói tiếng nói của mình trên sóng quốc gia.
“Điều tôi muốn nhiều hơn ở các bạn trẻ đó là tâm huyết hơn nữa, đam mê hơn nữa, say nghề hơn nữa và trong con tim của mình luôn luôn phải có ngọn lửa của tình yêu nghề, có trách nhiệm đối với công việc mà lãnh đạo Đài cũng như các đơn vị biên tập đã giao” – nhà báo Kim Cúc nói.
Làm báo là phải trăn trở, xông pha, với đàn ông đã vất vả, gian khổ, nhưng với phụ nữ thì sự vất vả đó dường như gấp đôi. Nhớ những lần đêm ngày lăn lộn khắp đó đây để gần gũi với con người, với các vùng đất xa xôi hẻo lánh để làm tin, viết bài đối với nhà báo Kim Cúc là một trải nghiệm.
Bà kể, có lần đọc lá thư gửi về Ban Thời sự, bà nhận ra “lời kêu cứu” của gia đình về cái chết của em Nguyễn Văn Thanh - ở Lâm Thao, Phú Thọ có dấu hiệu bưng bít. Bà đã cùng đồng nghiệp lặn lội về tận cơ sở gặp các nhân chứng, các cán bộ thôn, xã; làm việc với lãnh đạo tỉnh và đã làm rõ trắng đen vụ án. Cuối cùng kẻ thủ ác phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Bà cũng đã từng rơi nước mắt khi được chứng kiến cuộc sống đầy gian khổ, nhưng rất tình cảm của các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Đặc biệt nữ nhà báo Kim Cúc đã nhận được hàng trăm thư của thính giả từ khắp mọi miền đất nước với một tình cảm sâu sắc hiếm thấy. Có lẽ vì thế mà từng câu chữ trong mỗi bài viết của bà luôn chứa chan tình cảm cùng những trăn trở về trách nhiệm của người làm báo đối với cuộc sống, trước những số phận của con người.
Năng nổ, yêu nghề, bằng vốn sống và kinh nghiệm nghề nghiệp, dường như quên cả tuổi tác. Khi nghỉ hưu, nhà báo Kim Cúc vẫn tiếp tục công việc của mình như một người “truyền lửa nghề” cho các nhà báo trẻ thông qua những buổi nói chuyện, trao đổi nghiệp vụ, kể chuyện nhà Đài. Bà còn tham gia sáng lập và làm chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà báo nữ, Tổng biên tập đặc san Bút nữ với những bài viết mang đậm chất thời sự. Nhiều năm qua, bà còn được mời làm giám khảo cho Giải báo chí Quốc gia, vì vậy việc học và tiếp tục sáng tạo, suy ngẫm về nghề báo với bà dường như không có khái niệm thời gian nghỉ.
Nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Đài TNVN, nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc được lãnh đạo Đài TNVN lần đầu tiên phong tặng danh hiệu "Cây bút VOV" cùng với nhiều nhà báo khác của Đài. Đó là sự ghi nhận, tôn vinh của đồng chí, đồng nghiệp. Nhưng giọng nói ấm áp, thân tình và những bài viết sắc sảo của bà in sâu vào trí nhớ của hàng triệu thính giả suốt mấy chục năm qua mới là phần thưởng cao nhất dành cho người làm báo như Kim Cúc. Chẳng vậy mà mỗi khi bà “đến thăm ngôi nhà chung VOV”, anh chị em phóng viên lại quây quần, hỏi han, trò chuyện tự nhiên như chị em, cô cháu ruột thịt trong nhà lâu ngày gặp lại.
Trong những phóng sự điều tra chống tiêu cực của Đài TNVN, hàng triệu thính giả không thể quên loạt bài điều tra “Đấu tranh-tránh đâu, nỗi khổ của người chống tiêu cực” của nữ nhà báo Minh Đức. Đó là câu chuyện của nữ kỹ sư Hứa Thúy Lan đã dũng cảm tố cáo Ban Quản lý dự án xây dựng chợ Đồng Xuân (Hà Nội) tham nhũng, nhưng chính bà Lan lại bị vu khống, trù dập, bị đuổi việc một cách phi lý, phải kêu cứu khắp nơi.
Đồng cảm trước nỗi oan khuất của người phụ nữ dũng cảm, nhà báo Minh Đức đã dành rất nhiều công sức để tiến hành điều tra. Gặp biết bao khó khăn, vất vả vì không nhận được sự hợp tác, thậm chí còn bị đe dọa, Minh Đức vẫn không nản chí “xông pha” vào những khoảng tối, mà thời điểm ấy mọi người gọi là “Sự im lặng đáng sợ”.
Sau khi loạt bài phát sóng, đã nhận được sự đồng tình của hàng triệu thính giả cả nước, nhiều người đã viết thư cổ vũ; các cấp lãnh đạo yêu cầu làm rõ vụ việc. Cuối cùng kỹ sư Hứa Thúy Lan được minh oan, những người vi phạm bị xử lý trước pháp luật; loạt bài đã đạt giải A Báo chí toàn quốc năm 2002. Điều ấn tượng hơn, từ đó nữ nhà báo Minh Đức và kỹ sư Hứa Thúy Lan trở thành bạn bè thân thiết, trở thành kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời làm báo của bà.
“Giải thưởng chỉ là kỷ niệm thôi, nhưng cái lớn nhất là cái tình người với nhau. Người ta cảm thấy là trong một ngõ cụt, trong một đường hầm tối tăm đã có ánh sáng và dựa vào ánh sáng đó để đi tiếp và cảm thấy sống có ý nghĩa hơn” – bà Minh Đức chia sẻ.
|
Nhà báo Minh Đức |
Khởi đầu nghề báo từ năm 1975, Minh Đức làm việc tại phòng Thời sự quốc tế - chuyên viết bình luận về các vấn đề, sự kiện quốc tế. Bà từng được giải thưởng báo chí quốc tế của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) nhờ những bài bình luận. Nhưng bà đến với phóng sự điều tra như một cơ duyên. Khi chuyển sang làm thời sự trong nước, trong một lần đọc báo về trường hợp một người nước ngoài mang quốc tịch Bolivia bị oan, đang sống ở Việt Nam, bà đã tìm mọi cách liên lạc, giúp đỡ vô tư, viết bài phân tích rõ đúng sai để giúp người đàn ông đó được trở về nước an toàn.
Bà tâm sự: “Để viết được những phóng sự điều tra rất cần sự ủng hộ, quan tâm của các cấp lãnh đạo và không thể thiếu niềm đam mê, tâm huyết và đồng cảm của phóng viên: một cái đầu lạnh, một trái tim nóng và hai bàn tay sạch”.
Được nhiều thính giả yêu quý, được đồng nghiệp đánh giá cao là vậy, nhưng nhà báo Minh Đức cho hay “không phải tất cả đều ủng hộ mỗi khi bà trăn trở với những đề tài gai góc”. Có người khuyên, phụ nữ có tuổi rồi, chỉ cần làm tròn công việc cơ quan giao là đủ, việc gì phải lăn lộn, đấu tranh cho vất vả, biết đâu lại ảnh hưởng đến công danh, sự nghiệp”. Những lúc đó bà chỉ im lặng và tự nhủ: “thôi thì cái nghiệp làm báo đã vận vào thân”.
Dù nghỉ hưu, hàng ngày bà vẫn nghe các chương trình phát thanh, xem các chương truyền hình của Đài TNVN. Có thời gian rỗi, bà lại ghé Đài thăm các đồng nghiệp, trò chuyện về đời, về nghề, về Đài TNVN mà từ lâu bà đã coi như “ngôi nhà thứ hai” gắn bó với bà suốt mấy chục năm qua, từ khi còn là một cô gái trẻ đến lúc lên chức bà nội, bà ngoại.
Với những nhà báo tên tuổi một thời của Đài TNVN, trong đó có nữ nhà báo Kim Cúc, Minh Đức thì tâm niệm “yêu nghề, cầu thị, nhân hậu” là bí quyết giúp họ thành công trên con đường sự nghiệp.
Họ như những “giáo trình sống” cho thế hệ làm báo của Đài TNVN hôm nay về lòng đam mê, sự sáng tạo trên bước đường phát triển./.