(VOV5)- Hồi ức của nhà báo Đào Dục Tú về một thuở giới thiệu sân khấu truyền thống cho thính giả kiều bào, cách nay đã mấy chục năm.
Nhớ lại mấy thập niên làm báo nói phát thanh dành cho thính giả Việt Kiều, tôi không thể quên chừng hơn nửa năm làm phần sân khấu, giới thiệu tinh hoa sân khấu truyền thống cho bà con người Việt sống ở những chân mây cuối trời khác nhau.
Người viết không thuộc dân sân khấu, không được học chuyên ngành sân khấu và cũng chưa bao giờ làm nghề báo nói liên quan đến sân khấu. Nguyên do là thời kỳ đó, đồng nghiệp nữ phụ trách công việc này, nhà báo Lê Thu Nga có phu quân là tác giả biên kịch Hà Đình Cẩn, nghỉ chế độ thai sản, nghĩa là nghỉ sinh con. Tôi tự dưng trở thành biên tập viên sân khấu bất đắc dĩ. Giới thiệu tinh hoa sân khấu truyền thống, tôi nghĩ ngay đến những mảng miếng tuồng chèo nổi tiếng mà ông cha ta đã để lại cho hậu thế. Ví như “Thị Màu lên chùa”, ví như “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”; ví như “Xúy Vân giả dại” ... Đưa “thẳng” trích đoạn chèo tuồng lên sóng phát thanh thì là chuyện quá đơn giản; chỉ cần sang kho băng lấy sổ Sân Khấu ra tìm số băng rồi xin giờ nghe, xin giờ trích băng, những công đoạn chỉ có báo... nói mới có! Tôi muốn trước khi thính giả nghe trích đoạn, thì thính giả được nghe trước những lời bình, diễn giải, phân tích cái hay cái đẹp của tuồng chèo, của những mảng miếng chèo nổi tiếng do các nhà nghiên cứu phê bình chuyên môn trình bày.
|
Nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu Tất Thắng - Ảnh: Tạp chí Sân khấu
|
Do có mối quan hệ với Viện Văn Học từ trước, tôi được biết bác Tất Thắng hình như là em trai soạn giả kịch nói Tất Đạt thì phải, người giữ chuyên mục phê bình sân khấu - cụ thể là kịch bản văn học, trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học. Ngày đó cách đây trên dưới ba mươi năm, trên tinh thần anh em biết nhau vừa thân tình lại vừa “hợp gu”, tác giả Tất Thắng không quản ngại nắng mưa vất vả, lọc cọc đạp xe đến Đài thu thanh bài viết để chương trình phát thanh thêm sinh động hơn là đọc chay, đặc biệt những chỗ cần chuyển tải cái hay sân khấu qua văn nói. Tôi nhớ hồi đó nhiều mảng miếng chèo tuồng, nghe “bác Thắng” phân tích vừa khúc chiết, lại vừa diễn cảm, say sưa khiến mấy “em” công nhân thu thanh cũng thích thú. Nghe người có duyên sân khấu lại giàu tri thức văn hóa, kiến thức tuồng chèo, mà phân tích bình giải cái chao chát khát sống của “em Thị Mầu” trước vẻ đoan trang nghiêm cẩn của Tiểu Kính Tâm thì thôi rồi, đến con kiến cũng phải bò ra ngẩn ngơ nghe! Tôi đặc biệt ấn tượng với bài phân tích “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo’, tấn bi kịch của con cáo tu luyện ngàn năm đã thoát xác thú thành người tài sắc chỉ vì quá cả tin vào lời hứa hẹn xảo quyệt của viên tướng Tiết Giao phong lưu mã thượng bề ngoài mà để mất viên ngọc trong... bản thể người. Tiếng kêu thất thanh của con người hóa thú trở lại “Tiết Giao trả ngọc cho ta!”, điệu hát tuồng bi ai, ai oán của người-cáo than thân tu luyện ngàn năm “bỗng một chốc tan tành trường phong nguyệt” khiến tôi nghe lại trích đoạn còn lạnh cả người!
Hiển nhiên không phải thính giả sân khấu nào cũng có đủ hiểu biết về tuồng chèo nói riêng, về kịch hát truyền thống nói chung. Thính giả Việt Nam ở xa tổ quốc lại càng không là ngoại lệ. Bên cạnh những mảng miếng chèo tuồng điển hình, như viên ngọc sân khấu truyền thống, người biên tập cũng muốn giới thiệu những nghệ sĩ điển hình ở lĩnh vực sân khấu.
|
NSND Lê Tiến Thọ và NSND Mẫn Thu trong vở tuồng "Sơn Hậu" - Ảnh tư liệu - Tạp chí Sân khấu |
Tôi đặc biệt ấn tượng với tiếng hát tuồng của nghệ sĩ Nhân dân Tiến Thọ thời ông chưa làm quan chức văn hóa! Dân gian thời vua Lê chúa Trịnh có câu “trăm quan có mắt như mờ-để cho Huy quận vào sờ chính cung”, quận Huy thời ấy như một đối tượng mỉa mai của người đời. Ấy thế mà nghe nghệ sĩ Tiến Thọ thủ vai quận Huy hát - tất nhiên qua băng cối ghi âm của kho băng, tôi quên mất nhân vật phản diện này mà chỉ thấy thương cảm cho con người thời nào mắc chốn quan trường hoạn lộ cũng đấy bi kịch. Giọng hát tuồng đầy biểu cảm của nghệ nhân tuồng nổi tiếng một thời đẩy vẻ bi ai, ai oán nhân thế lên cao chót vót, nghe một lần cũng không dễ quên!
Tôi xem thời gian ngắn ngủi bất đắc dĩ nhận làm biên tập viên sân khấu thay người khác hóa ra lại là một cơ duyên để cá nhân tiệm cận nhiều hơn, tập trung hơn với sân khấu truyền thống dân tộc. Chính vì lẽ đó trong ký ức làm báo, thấp thoáng bóng dáng nhà phê bình sân khấu Tất Thắng thời điểm này chắc đã trên tám mươi xuân.