ĐOÀN 59

(VOV5) - Trong lửa đạn chiến tranh, Đài Tiếng nói Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình.

Cuối tháng 12/1972, liên tiếp thua đau trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ lại nghĩ đến việc leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc. Lần này, chúng quyết tung ra đòn quyết định : dùng pháo đài bay B52  ném bom rải thảm thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Khẩu hiệu của chúng đưa ra là: "Đóng cửa, bịt mồm, đánh nhừ đòn đối phương" . Và để "Bịt mồm" Hà Nội như chúng tuyên bối, không quân Mỹ lần này tập trung đánh phá Đài Phát thanh. Hai đài phát  sóng Bạch Mai và Mễ Trì nhiều lần  bị  máy bay Mỹ bắn tên  lửa và ném bom. Trong một đợt ném bom ác liệt vào ngày 19 tháng 12 năm 1972, Đài Tiếng nói Việt Nam đột ngột bị mất sóng. Cả nước khắc khoải, lo âu. Nhưng chỉ 9  phút sau, Tiếng nói Việt Nam lại cất lên, dõng dạc, đường hoàng. Đài loan tin Hà Nội đã bắn rơi B52, bắt sống giặc lái. Cả nước vui mừng khôn xiết....

Trong lửa đạn chiến tranh, Đài Tiếng nói Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình, làm thất bại kế hoạch của Mỹ "đóng cửa, bịt mồm" của đối phương. Vào đầu năm 1973, Đài phải đối mặt với những vấn đề mới, nhiệm vụ mới. Tuy địch đã phải ngừng ném bom Hà Nội và cảng Hải Phòng, nhưng yêu cầu của cách mạng Việt Nam lại cấp bách hơn bao giờ hết. Phải thông tin sớm nhất, tốt nhất đến nhân dân cả nước và bè bạn năm châu những tội ác của địch, những thắng lợi vang dội của ta, những diễn biến mới trên bàn đàm phán 4 bên tại Hội nghị Paris. đồng thời, phải đề phòng và cảnh giác trước những âm mưu  lật lọng mới của Mỹ- Ngụy vì chúng đâu có dễ dàng chịu thất bại. Muốn đáp ứng yêu cầu đó, phải có một Đài đủ mạnh, công suất máy phát lớn. Các đài phát dự phòng mà ta đang sử dụng cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế, không thể thay thế đựơc hai Đài phát thanh Bạch Mai và Mễ Trì. Việc khôi phục lại hai Đài trên không thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà đòi hỏi nhiều tháng, có khi cả năm.

ĐOÀN 59 - ảnh 1
Hệ thống anten phát sóng Đài Mễ Trì trong những năm chiến tranh

Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đứng đầu là đồng chí Trần Lâm đã có quyết định vô cùng sáng suốt : Đưa một đoàn cán bộ, biên tập viên, phát thanh viên và công nhân bá âm sang làm việc tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để thực hiện các buổi phát thanh đối nội và đối ngoại. Tất nhiên, phương án này chỉ thực hiện được với sự đồng ý và giúp đỡ của nước bạn Trung Quốc. Đoàn 59 (Tên nội bộ của đoàn) thực chất là 1 đài phát thanh Việt Nam, phát trên đất Trung Quốc, bằng phương tiện, máy móc của bạn,  ra đời.

Đầu năm 73, cùng với ông Nguyễn Cung, phụ trách cơ sở máy phát của Đài, ông Lê Quý, lúc đó là Phó Tổng biên tập Đài TNVN, được cử đi tiền trạm, để thảo luận với chính quyền tỉnh Vân Nam và thành phố Côn Minh điều kiện cụ thể về việc ăn ở và phương tiện kỹ thuật cần thiết cho bộ phận hơn 100 người của Đài TNVN sang làm việc ở đây. Đây là lực lượng tối thiểu đủ để làm các buổi phát thanh đối nội cho cả miền Bắc và miền Nam và cả các buổi phát thanh đối ngoại.

Về phát thanh đối ngoại, tất cả các thứ tiếng nước ngoài đều đưa sang phát ở Côn Minh, mỗi thứ tiếng chọn 3 người vừa là biên dịch giỏi, vừa có giọng đọc tốt để tham gia đoàn. Ông Lê Quý, sau này được chỉ định vào chức Trưởng đoàn, cho biết phía Trung Quốc, lo cho ta việc ăn ở và phương tiện máy móc cần thiết, còn công nhân vận hành máy ghi âm, biên tập chương trình thì do ta hoàn toàn quyết định.  Do có chỉ thị trực tiếp của thủ tướng Chu Ân Lai nên chính quyền Côn Minh lo cho Đoàn 59 rất chu đáo. Bắc Kinh gửi bằng máy bay một số máy ghi âm chuyên dụng mới để phục vụ công việc phát thanh của ta. Ông Lê Quý cũng cho biết  chủ trương phát thanh trên đất bạn là bất đắc dĩ nhưng cần thiết để làm thất bại âm mưu của Mỹ muốn "bịt mồm" ta trong một thời điểm quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 21/1/1973, từ sáng tinh mơ, cái sân rộng của Đài ở 58 Quán Sứ đã đông nghẹt người. Hơn 100 thành viên của Đoàn 59 đã tề tựu đông đủ. Trong đoàn còn có ngót chục đứa trẻ nhỏ, con của các nữ thành viên trong Đoàn.

Đồng chí Trần Lâm, Tổng biên tập Đài TNVN đã có mặt động viên bắt tay từng người. Mỗi thành viên của Đoàn đều có người thân ra tiễn. Không khí tiễn đưa thật bịn rịn nhưng hồ hởi. Trừ Ban Lãnh đạo, phần lớn các anh chị em trong đoàn chưa biết mình sẽ đi đâu, họ chỉ được thông báo đi đến địa điểm sơ tán mới để làm việc, để bảo đảm làn sóng liên tục.

Đúng 5h30 sáng, 3 xe ôt tô chở đoàn rời 58 - Quán Sứ, ngược lên phía Bắc. Đường xá ghập ghềnh. Xẩm tối mới tới Lào Cai, một tỉnh biên giới phía Bắc. Cả đoàn ngủ tại Lào Cai.

Sáng hôm sau, 22/1/1973 họp đoàn, chúng tôi mới biết là lần này, địa điểm "sơ tán" không ở trong nước, mà là thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ngay chiều hôm đó, phía bạn Trung Quốc đã cho một đoàn xe từ Hà Khẩu sang đón. Khi qua chiếc cầu biên giới, bắc qua sông Nậm Thi, ai cũng bồi hồi xúc động. Tạm biệt Tổ Quốc thân yêu để sang đất bạn làm việc, thời gian không biết là bao lâu?  Lại một đêm ngủ tại Hà Khẩu, để sáng hôm sau đáp chuyến tàu tốc hành đi Côn Minh. Ngồi trong khoang cửa sổ chúng tôi nhìn ra ngoài, ngắm phong cảnh trên đất bạn Trung Hoa. Chốc chốc lại thấy trời tối sầm lại, biết là tàu đang qua núi. Chuyển tàu Hà Khẩu - Côn Minh, dài 466 cây số, thật lắm đường hầm xuyên núi, dễ đến ngót trăm hầm. Mất đúng một ngày một đêm mới tới nơi. 

ĐOÀN 59 - ảnh 2
Ông Lê Quý (áo đen, giữa) trao đổi với chuyên gia Liên Xô (ảnh tư liệu).

Chúng tôi đến Côn Minh vào giữa mùa đông. Vì là vùng cao nên thời tiết ở đây khá lạnh. Cũng may mà bạn đã kịp  phát cho mỗi người một cái áo bông Trung Quốc dầy xụ để chống rét. Đoàn được đưa về Khách sạn Thuý Hồ, nơi ăn ở dài hạn. Tuy không phải là một khách sạn loại sang, nhưng cũng đầy đủ tiện nghi cho hơn 100 thành viên trong đoàn. Có bộ đội Trung Quốc ngày đêm canh gác. Có sân rộng cho trẻ con chơi. Bạn lo cho ăn uống ngày 3 bữa, thật chu đáo. Có bác sỹ, y tá thường trực chăm sóc sức khoẻ cho toàn đoàn. Một số người được chữa bệnh bằng thuốc Bắc. Hàng ngày, bạn sắc thuốc, rồi cho vào phích phát cho từng người. Bác sỹ Chu, đúng là một lương y kiêm từ mẫu, thường xuyên kiểm tra thấy ai đi làm mà không có tất chân, là bắt quay về phòng để đi tất. Nhiều hôm, chậu nước để qua đêm ngoài hiên sáng ra đã đóng băng trên mặt. Những ngày lạnh quá, bạn phải đốt than cho chúng tôi làm việc. Ngót chục đứa trẻ, từ 1 đến 4 tuổi suốt thời gian ở đây, không hề bị ốm đau. Các bà mẹ có con nhỏ, vẫn rảnh rang để toàn tâm toàn ý lo cho công tác. Về vui chơi, giải trí, bạn cũng tổ chức những buổi đi chơi công viên Thuý Hồ, một công viên rất đẹp và đi xem biểu diễn ca nhạc. Có lần đoàn ca múa tỉnh Vân Nam, đã tới biểu diễn phục vụ Đoàn. Rồi những lần đi tham quan Thạch Lâm (Rừng đá), Ôn Tuyền (suối nước nóng) với những phòng tắm xây bằng đá cẩm thạch. Chùa Long Môn ở cheo leo trên sườn núi cao với hàng trăm pho tượng lớn nhỏ đựoc tạc với một kỹ xảo tuyệt vời. Chúng tôi cũng rất thích những buổi được đến thăm Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh. Mỗi lần đến đây, coi như được về nhà. Có lần chúng tôi đến Lãnh sự quán đúng vào ngày có tuyết. Những bông tuyết rơi dày đặc thật  là đẹp. Đến từ một đất nước nhiệt đới, đây là lần đầu tiên trông thấy tuyết. Thế là từ trong nhà chúng tôi ùa ra sân, ra vườn, chơi tuyết, nhặt từng vốc tuýết bỏ vào áo nhau. Trẻ con cũng được dịp chạy nhảy, hò hét om xòm.

Côn Minh ở độ cao 1500m so với mặt biển là một nơi phát sóng thật lý tưởng để đưa Tiếng nói Việt Nam tới mọi miền của Tổ Quốc cũng như với bạn bè khắp năm châu. Phát từ Côn Minh, chất lượng phát thanh đối nội và nhất là đối ngoại của Đài TNVN bảo đảm mạnh, rõ, liên tục. Phương thức làm việc của Đài như sau : Hàng tháng, trưởng đoàn Lê Quý đi đi về về giữa Côn Minh - Hà Nội để trực tiếp báo cáo công tác, nắm tình hình trong nước và truyền đạt ý kiến của Trung ương cho toàn đoàn, còn hai phó đoàn là Thái Bảo và Nguyễn Văn Thu thì ở thường trực với đoàn để giải quyết công việc hàng ngày.Tính thời sự được đảm bảo bằng sự liên hệ thường xuyên từng ngày, từng giờ giữa Đoàn 59 với 58 Quán Sứ và 39 Bà Triệu, Hà Nội. Công việc được thực hiện rất  nghiêm túc giữa các bộ phận biên tập và kỹ thuật ở cả hai đầu : Hà Nội và Côn Minh. Tin tức, tài liệu để làm các buổi phát thanh được chuyển từ Hà Nội cho đoàn 59 bằng nhiều cách : Tin tức thời sự thì được đọc chậm hàng ngày trên một làn sóng định hướng cho Đoàn 59. Một số tài liệu, chỉ thị thì chuyển bằng vô tuyến mật mã giữa Bộ biên tập Đài ở Hà Nội và Ban phụ trách Đoàn 59. Một số tài liệu khác như băng nhạc, các băng chuyên mục thì thu sẵn từ Hà Nội, nhân viên liên lạc chuyển đi  mỗi tuần một lần.           

Khi đoàn 59 sang đến Côn Minh, hiệp định Paris về Việt nam đã được ký tắt vào ngày 23/1/1973, giữa đồng chí Lê Đức Thọ và  Henry Kissinger, cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ. Bản hiệp định quy định Mỹ phải ngừng ném bom trong toàn quốc Việt Nam và quân đội Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 27/1/1973 bản Hiệp định này được ký chính thức.

Đêm 27/1/1973, vào lúc 22h Hà Nội, 23h Bắc Kinh, Côn Minh, bản Hiệp định Paris đã được truyền đến mọi người trên đất nước Việt Nam và toàn thế giới và được phát đi phát lại nhiều lần. Toàn dân ta, từ Bắc vào Nam vô cùng phấn khởi. Bạn bè khắp năm châu chúc mừng Việt Nam, từ chỗ là một nước thuộc địa, đã dũng cảm mưu trí đứng lên đánh thắng hết thực dân Pháp nay lại đến đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, kèm theo toàn văn Hiệp định Paris, Đài TNVN kêu gọi quân, dân cả nước phải cảnh giác, đấu tranh với ý đồ lật lọng phá hoại Hiệp định của đối phương.

Như vậy là văn kiện đầu tiên của Đài TNVN phát đi từ Côn Minh là Hiệp định Paris về Việt nam.

Lúc đầu, đoàn 59 dự định ở lại Côn Minh trong 6 tháng chờ khôi phục hai đài phát sóng Bạch Mai và Mễ Trì. Nhưng thực tế, phải một năm sau mới khôi phục xong 2 đài trên và đến tháng 6/1974, đoàn mới rời Côn Minh về nước. Đoàn 59 đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình. Đó là đưa tiếng nói của Tổ quốc Việt Nam bay xa, đến mọi miền của Tổ Quốc cũng như đến với bạn bè khắp năm châu trong một giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Và không phải ngẫu nhiên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong bài viết nhan đề " Ký ức về Đài Tiếng nói Việt Nam", viết : " Trải qua hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước với tính chiến đấu và tinh thần cách mạng tiến công, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có nhiều cống hiến quan trọng vào thắng lợi vẻ vang vĩ đại của dân tộc. Đài đã nêu cao đại nghĩa của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược thực dân mới và chiến tranh phá hoại của tên đế quốc đầu xỏ với hai miền Nam-Bắc Việt Nam, cổ vũ tinh thần kháng chiến của quân và dân cả nước, vạch trần tội các của quân xâm lược, tranh thủ trái tim bạn bè, phân hoá cô lập kẻ thù. Là một mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ, Đài vẫn kiên cường đứng vững. Đài Tiếng nói Việt Nam thực sự là một binh chủng cùng hiệp đồng tác chiến, tiến công về chính trị, ngoại giao, binh - địch vận, kịp thời, sôi nổi, đạt hiệu quả cao. Cũng chính những cống hiến đó, mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương và danh hiệu anh hùng. Và trong chiến công hiển hách đó, có phần đóng góp xứng đáng của Đoàn 59./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác