Một nhà báo được dân tin

(VOV5) - Cuộc đời làm báo của chị gắn trọn ở Ban Thời sự-Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị là Nguyễn Thị Minh Đức với bút danh Minh Đức...


Chị bước vào nghề báo tưởng như tình cờ, vì lúc đó Minh Đức rất cần… có một chỗ làm sau khi tốt nghiệp khoa Tiếng Pháp của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.


Phải nhắc lại như thế để thấy với thời gian nghề báo đã đem lại cho chị niềm đam mê và chị đã chọn đúng nghề. Nhưng cái chất làm báo của Minh Đức lại xuất phát từ câu chuyện: khi chưa đầy 15 tuổi (năm 1965), trường của Minh Đức phải sơ tán về nông thôn. Một phóng viên (trong mục Bút Thép) của báo Thiếu niên Tiền phong về trường và phỏng vấn cô học trò Nguyễn Thị Minh Đức “về cuộc sống ở nông thôn”. Minh Đức thật thà tâm sự, theo cách nhìn của một trẻ thơ, về việc dân không có nước sạch có nơi phải dùng nước ao, hồ làm nước sinh hoạt. “Tâm sự” được đăng trên báo, thế là cô học trò nhỏ Minh Đức bị búa rìu dư luận của bạn đọc. Minh Đức còn bị các bạn cùng lớp chụp cho cái mũ: thuộc tầng lớp tiểu tư sản!!!


Thế nhưng, phải đến 10 năm sau, khi nước Việt Nam thống nhất, nhà nước đặt mục tiêu: phấn đấu để người dân được dùng nước sạch. “Chuyện 10 năm trước khiến tôi khi trở thành nhà báo, tôi định hướng cho mình phải có cái tâm trong sáng, phải nói thẳng, nói thật”, Minh Đức viết trong “Chuyện đời làm báo” của mình như vậy.


Một nhà báo được dân tin - ảnh 1
Phóng viên Minh Đức phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại một kỳ họp của Quốc hội tại Hội trường Ba Đình

Chị là phóng viên, rồi biên tập viên, bình luận viên quốc tế thuộc Ban Thời sự rồi lại làm phóng viên thời sự trong nước. Thính giả của Đài trước đây quen với cái tên Minh Đức trong các chương trình phát thanh “Câu chuyện quốc tế” nay lại bắt đầu nghe các phóng sự của Minh Đức trong các lĩnh vực chính trị và đời sống, kinh tế xã hội. Những năm ấy, đất nước thực hiện mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới. Ngoài các chủ đề thường nhật, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng các cơ quan ngôn luận còn sôi động hưởng ứng tuyên truyền “Những việc cần làm ngay”.


Hình như đây mới thật là “đất” dụng võ của nhà báo Minh Đức. Minh Đức đã không ngại đi đến các vùng sâu, vùng xa để chuyển đến thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam những phóng sự có sức hút của cuộc sống. Đó là chuyện những người lính nông trường Giồng Găng (tỉnh Đồng Tháp) khoanh vùng đất trũng trồng lúa cách biên giới Campuchia không xa. Hay cuộc sống và công việc vất vả, thầm lặng của những người công nhân ở tuyến đường sắt từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, cung đường khó khăn vào bậc nhất của hệ thống đường sắt nước ta. Nhưng có lẽ đặc biệt hơn, cùng với Kim Cúc (sau này là Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam), Minh Đức là số không nhiều trong đội ngũ các nữ nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia vào một đề tài nhạy cảm và gai góc: chống tiêu cực. Một trong những vụ Minh Đức viết là phá dỡ chợ Đồng Xuân Hà Nội để xây mới, sau khi chợ bị cháy.


Vấn đề tưởng nhỏ, nhưng khi được nữ kĩ sư Hứa Thúy Lan cung cấp thông tin và tư liệu thì lại là vụ việc nghiêm trọng. Nghiêm trọng không chỉ là số tiền nhiều tỉ bạc của nhà nước chui vào túi một số ít người, mà nữ kĩ sư Hứa Thúy Lan, người phát hiện và tố cáo vụ tiêu cực này bị dồn vào chân tường, bị cô lập, bị vu cáo để lấy cớ bị sa thải. Chống tiêu cực mà bị như vậy thì còn ai dám chống tiêu cực nữa?

Minh Đức và các đồng nghiệp ở các báo: Lao Động, An ninh Thế giới, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành niềm hy vọng cuối cùng của người nữ kĩ sư vì tất cả đơn khiếu nại của kĩ sư Hứa Thúy Lan gửi các cấp của Hà Nội đều không có kết quả. Được lãnh đạo Đài chỉ đạo, Minh Đức vào cuộc, rồi loạt bài trong phóng sự điều tra: “Đấu tranh, tránh đâu” lần lượt phát trên song Đài Tiếng nói Việt Nam và đăng trên báo Tiếng nói Việt Nam, vạch rõ những sai trái của cơ quan chủ quản: phá dỡ chợ Đồng Xuân bằng tay nhưng lại kê phá dỡ bằng máy để móc được nhiều tiền của nhà nước.

Bà Phó Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Hoàn Kiếm, một trong những người chủ mưu gian lận này tin là báo chí cũng chả làm gì được mình đã kiêu ngạo bắn tin xuyên tạc tới kĩ sư Hứa Thúy Lan: “Cô có bán cả nhà cửa, bán cả thân cô đi cũng không đủ tiền để cống cho các nhà báo”. Hứa Thúy Lan chỉ “cống” thêm cho nhà báo các những mánh khóe thanh toán gian dối để Minh Đức tiếp tục nêu trong các phóng sự.

Rồi Chủ tịch Quốc hội lúc đó là ông Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đều biết thông tin do Đài Tiếng nói Việt Nam nêu, đã có công văn, chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan cùng thành phố Hà Nội lập đoàn kiểm tra và báo cáo kết quả lên Thủ tướng. Thế là sau 2 năm ròng rã vụ việc mới kết thúc: đúng như tố cáo của nữ kĩ sư Hứa Thúy Lan. Lẽ phải đã sáng tỏ!  Nữ kĩ sư Hứa Thúy Lan được trở lại làm việc và truy lĩnh gấn 21 tháng lương bị cắt, được nộp lại cổ phần. “22h đêm ngày 31/5/2002, chị Thúy Lan (tức Hứa Thúy Lan) gọi điện cho tôi (tức Minh Đức), vừa khóc vừa báo tin: hôm nay họ đã trả lại cho em những tháng lương bị cắt, nhưng em kính nhờ Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Lao Động chuyển tất cả số tiền em nhận được tới Quỹ giúp đỡ những người bị chất độc màu da cam và giúp các cụ già không nơi nương tựa”.


Niềm vui và niềm tin của kỹ sư Hứa Thúy Lan và gia đình chị là phần thưởng lớn nhất cho Minh Đức. Bạn nghe Đài và dư luận xã hội rất tán đồng lời phát biểu của ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hồi ấy: “Trường hợp đấu tranh chống tiêu cực như chị Hứa Thúy Lan chúng ta phải bảo vệ. Nếu quận không bảo vệ thì thành phố phải bảo vệ. Nếu thành phố không bảo vệ thì Nhà nước và sau đó là các cơ quan bảo vệ pháp luật phải bảo vệ. Nếu chúng ta không làm được điều đó thì ai sẽ chống tiêu cực. Những người chống tiêu cực phải được biểu dương”.


Cũng như nữ nhà báo Kim Cúc, người đã tham gia viết về cái chết oan ức của em Nguyễn Văn Thanh ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, Minh Đức không coi việc chống tiêu cực để được nổi tiếng hay vì một giải thưởng. Thế nhưng năm đó (2002) loạt phóng sự điều tra “Đấu tranh, tránh đâu” của Minh Đức được Đài Tiếng nói Việt Nam chọn gửi dự Giải Báo chí toàn quốc, được Hội Nhà báo Việt Nam xét trao giải A, tức giải Nhất, thể loại phát thanh. Đấy cũng là giải A duy nhất của Đài TNVN năm 2002. Cùng với Kim Cúc được bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1986 (năm ấy chưa có giải báo chí toàn quốc), Minh Đức là một trong số không nhiều nữ nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được giải báo chí cao nhất (tính đến thời điểm đó) về đề tài chống tiêu cực.


Cũng như các bạn đồng nghiệp khác, Minh Đức biết rõ: chống tiêu cực đòi hỏi người viết không chỉ trung thực mà phải có bản lĩnh và dũng cảm. Trung thực để điều tra cả hai phía: người tố cáo và người bị tố cáo để có cơ sở tìm ra sự thật. Rồi tùy đề tài và điều kiện cụ thể mà mỗi nhà báo có những biện pháp nghiệp vụ để đưa vấn đề lên công luận. Sau phóng sự điều tra về tiêu cực trong việc phá dỡ chợ Đồng Xuân (Hà Nội), Minh Đức nhận được nhiều thư của bạn nghe Đài Tiếng nói Việt Nam ở các địa phương gửi về động viên, khích lệ. Trong những ngày ấy, Minh Đức cũng nhận được thư của một giáo viên ở huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh phản ánh những bức xúc về việc giải phóng và đền bù khi làm đường 18.


Một nhà báo được dân tin - ảnh 2
Phóng viên Minh Đức (ngồi đầu hàng thứ 2 từ trái sang) tham dự buổi đối thoại ngày 29/4/2006 của 10 hộ dân phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với chính quyền về đền bù giải phóng mặt bằng Quốc lộ 18


 Lần theo bức thư, Minh Đức mới biết không chỉ ở Yên Hưng mà tại thành phố Hạ Long, tình trạng giải phóng và đền bù cũng được dân phản ánh tương tự. Lại phải tìm hiểu Luật Đất đai và chính sách đền bù, rồi soi rọi vào các trường hợp mà các địa phương ở Quảng Ninh cùng Ban Quản lý dự án đường 18 đền bù cho các hộ dân. Các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đều trả lời làm đúng, nhưng dân thì bất bình và phát đơn khiếu kiện lên các cấp. Liên hệ làm việc với chủ đầu tư là PMU 18 thì không được chủ đầu tư giải quyết. Thế là loạt phóng sự điều tra về những sai trái trong đền bù khi mở đường 18 lần lượt được phát sóng.


Trước sức ép của dư luận, Ban Quản lý dự án đường 18, huyện Yên Hưng và thành phố Hạ Long buộc phải tổ chức đối thoại trực tiếp với dân, có sự tham gia của nữ nhà báo Minh Đức. Kết quả là không lâu sau đó, những người dân ở huyện Yên Hưng và phường Hồng Hải (thành phố Hạ Long) đều được xem xét đền bù lại. Hộ nào không nhận tiền mà đổi lấy đất cũng được giải quyết thỏa đáng. Tiền đền bù cho các hộ tăng hơn trước đến 100 lần.


Trong tham luận đọc tại Hội thảo: “Báo chí với cuộc đấu tranh chống tiêu cực” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức năm 2002, Minh Đức viết: “Những bài chống tiêu cực không chỉ chứa đựng những con số, vấn đề trái ngược nhau để từ đó tìm ra sự thật… mà phải mang tính chất nhân văn thông qua việc giải quyết tốt vấn đề đặt ra đối với số phận của những người chống tiêu cực”. Tất nhiên không phải vụ đấu tranh chống tiêu cực nào cũng đạt được kết quả hoàn toàn, nhưng không vì thế mà chùn bước.


Và Minh Đức đã nhận lời đi điều tra viết về vụ tiêu cực rất phức tạp: Lấn chiếm và xâm phạm khu di tích cấp quốc gia Truy Viễn Đàn, ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Truy Viễn Đàn do Ngô Thì Nhậm lập ra từ thế kỷ 18 để suy tôn từ cụ tổ họ Ngô Thì cho đến đời Ngô Thì Sĩ, thân sinh ra Ngô Thì Nhậm. Trước đây, Truy Viễn Đàn rộng 556m2, nhưng đã bị lấn chiếm qua hàng chục năm khiến di tích cấp quốc gia này có nguy cơ chỉ còn lại khoảng 20m2. Bức xúc trước sự xâm hại, con cháu họ Ngô đã phá bỏ tường lấn chiếm của các hộ dân. Thanh tra thành phố về, nhưng lại yêu cầu truy tố những người phá các bức tường lấn chiếm. 7 người trong dòng họ Ngô Thì bị kết án, trong đó người nhiều nhất lãnh 12 tháng tù giam (ông Ngô Ngọc Bình, người đã 2 lần được phong “Dũng sỹ diệt Mỹ” ở chiến trường miền Nam). Thanh tra còn đề nghị cấp sổ đỏ cho diện tích đất lấn chiếm.


Sau loạt phóng sự điều tra: “Truy Viễn Đàn…án” phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Minh Đức kể: “Vào một buổi tối, chị nhận được điện thoại của anh cán bộ thanh tra thành phố Hà Nội, người được phân công giải quyết vụ kiện. Chả rõ anh này dốt lịch sử hay có điều gì khuất tất mà ngang ngược nói: “Chị (tức Minh Đức) đừng nói ông Ngô Thì Nhậm có công, vì ông ta đã phò nhà Lê đánh lại quân Tây Sơn và ông Ngô Đức Kính (người được dòng họ Ngô Thì cử ra đứng tên mảnh đất có bia Truy Viễn Đàn) đã theo giặc vào Nam”. Sự thực, ông Ngô Đức Kính vào Nam dạy học năm 1952. Còn Ngô Thì Nhậm do theo Tây Sơn mà khi triều đại này bị sụp đổ, ông đã bị trận đòn thù ở Văn miếu Quốc Tử Giám rồi về ốm chết.


Năm xảy ra vụ án Truy Viễn Đàn, tỉnh Bình Định lại đúc tượng các tướng lĩnh đã giúp vua Quang Trung dẹp Chúa Trịnh, đánh tan quân Thanh xâm lược cùng vua Lê Chiêu Thống bán nước, lập nên chiến công hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử dụng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong số các tướng lĩnh của Quang Trung được đúc tượng có Ngô Thì Nhậm. Vụ án Truy Viễn Đàn kết thúc, Minh Đức được tặng một cuốn gia phả của dòng họ Ngô Thì.


Tại trang 31 có ghi như thế này: “… Trong việc giành lại 247m2…(của Truy Viễn Đàn), có sự ủng hộ rất to lớn của bà Nguyễn Thị Minh Đức, phóng viên Đài TNVN”. Nghệ sỹ Nhân dân Trần Bảng, được dòng họ Ngô Thì cử thay mặt, đến cảm ơn Đài TNVN. Ông cũng nói: “Tôi là rể họ Ngô Thì và các con cháu dòng họ chưa làm được cái việc mà nhà báo Minh Đức của Đài TNVN đã làm cho Truy Viễn Đàn và danh nhân Ngô Thì Nhậm”.


Gặp Minh Đức, nhiều người dễ tưởng cuộc sống của chị là một con đường bằng phẳng như bao cô gái Hà Nội khác. Nhưng ít người biết, ẩn bên trong cái tính xởi lởi một cách trung thực, tuổi thơ của Minh Đức lại trải qua những ngày không mấy vui của cuộc sống dân nghèo phố thị. Sinh ra ở Thanh Hóa, nhưng Minh Đức lại lớn lên và đi học ở Hà Nội. Năm 1975 được nhận vào Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng không phải là dễ. Cái vốn tiếng Pháp không chỉ giúp chị trong những năm làm phóng viên, biên tập viên và bình luận viên Phòng Quốc tế mà còn tạo thuận lợi cho Minh Đức khi được cử đi công tác nước ngoài.


Một nhà báo được dân tin - ảnh 3
Phóng viên Minh Đức tác nghiệp tại Senegal


 Tiến sĩ Tống Khiêm, Trưởng đoàn chuyên gia nông nghiệp Việt Nam tại 4 nước ở châu Phi trong đó có Senegal, sau này là Cục trưởng Cục Khuyến nông thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kể, lần đầu gặp Minh Đức ở châu Phi, ông đã thấy gần gũi. Rồi sự xông xáo và đam mê với công việc trồng lúa của các chuyên gia Việt Nam và đời sống của người dân các nước châu Phi khiến ông thêm kính trọng. Mỗi lần đến vùng nông thôn nước bạn, Minh Đức đều nghe, xem để đưa vào các phóng sự tất cả những việc làm giúp dân không chỉ là trồng lúa của các chuyên gia Việt Nam. Nào là việc các chuyên gia chế ra cái cối giã gạo dậm chân như ở Việt Nam thuở nào để giải phóng sức lao động cho người phụ nữ ở các nước châu Phi, khi họ chưa có máy xay xát, đến mảnh vườn trồng các loại rau như ở Việt Nam để ăn hàng ngày của một vị tướng người Senegal tên là Gô-mít, có mẹ là người Việt ở tỉnh Hải Dương.


Nhưng quan trọng hơn như Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thế Dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi ấy đánh giá: Những vấn đề được nêu trong các phóng sự của Minh Đức “đã góp phần để Bộ nghiên cứu thay đổi các thủ tục, cách làm việc của chuyên gia Việt Nam và Senegal làm cho chương trình hợp tác 3 bên giữa Việt Nam - Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) và Senegal đạt hiệu quả thiết thực hơn”.


Những chuyến công tác như thế, Minh Đức còn trở thành chiếc cầu nối gắn chặt thêm những người Việt xa quê và những người dân nước bạn với Tiếng nói Việt Nam. Sau này ông Gô-mít, không chỉ là một thính giả, mà từ Senegal ông còn trực tiếp tham gia vào chương trình phát thanh của Ban Thời sự. “Thông qua công việc, mỗi nhà báo cũng đồng thời là người làm công tác đối ngoại, để các bạn nước ngoài hiểu đúng về Việt Nam, con người Việt Nam”, Minh Đức đã nói và làm đúng như vậy.


Minh Đức thường nói vui: Về hưu sẽ cùng bạn bè mở một cửa hàng bán bún chả. Chả biết tài quạt bún chả của chị thế nào, nhưng thi thoảng Minh Đức lại có cuộc gặp mặt nhỏ với những cựu đồng nghiệp và cả các bạn làm báo trẻ. Và không chỉ có các đồng nghiệp, chị còn có khá nhiều những người bạn vốn là những bạn nghe Đài TNVN hoặc là những người gắn với các phóng sự điều tra của chị như nữ kỹ sư Hứa Thúy Lan; hoặc là 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, là Đại tá Bùi Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Tăng 203, người viết lời đầu hàng để ông Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa đọc vào trưa cùng ngày trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Họ còn là những người dân sống ven đường 18 (đoạn đi qua Quảng Ninh), là các nữ pháo thủ trong đội nữ dân quân Ngư Thủy (Quảng Bình) và các tỉnh, thành phố khác. Minh Đức đã viết trong tự truyện đấy là “…những người mà tôi đã gặp khi rong ruổi trên những con đường từ Bắc vào Nam và cả tại những nước ở lục địa châu Phi xa xôi”. Khó có dịp gặp mặt nhưng giờ đã có cái điện thoại để “alo”, trò chuyện và thông tin cho nhau để biết về cuộc sống của nhau.


Cùng với những bài báo, Minh Đức coi đó là những món quà quý: Quà được dân tin./
.

Tin liên quan

Phản hồi

Nguyễn Thanh Tĩnh

Qua bài này tôi rất tin tưởng và có việc muốn trao đổi nhờ bà Minh Đức giúp đỡ. Vậy tôi có thể liên lạc với bà Minh Đức theo địa... Xem thêm

Các tin/bài khác