(VOV5) - Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì phát triển nền nông nghiệp sạch và an toàn thực phẩm là lĩnh vực cần được quan tâm nhiều hơn.
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì phát triển nền nông nghiệp sạch và an toàn thực phẩm là lĩnh vực cần được quan tâm nhiều hơn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm được tổ chức hàng năm với mục đích tăng cường trách nhiệm của người kinh doanh, sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng. Bởi vì thực phẩm bẩn vẫn đang đe dọa hàng ngày tới sức khỏe của con người với rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm và việc sử dụng các chất bảo quản bừa bãi hoặc hàng giả, hàng nhái tràn lan... Bán hàng phải có lương tâm, đó là câu nói của rất nhiều chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh tại Hà Nội mà chúng tôi có dịp gặp gỡ. Hãy nghe chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hòa, chủ quán hàng bánh cuốn và bà Vũ Thanh Hằng, chủ cơ sở sản xuất bánh Trung Thu lâu đời:
“ Bán hàng ăn phải có lương tâm, lương tâm là đầu tiên, không bao giờ bán sai và phải sạch sẽ..”
“Bánh cơ sở của chúng tôi không cho bất kỳ chất bảo quản gì cả, 10 ngày ăn ngon nhất bánh nướng, bánh dẻo 7 ngày, không cho bất kỳ chất gì vào đấy cả và công nhân được khám sức khỏe định kỳ”
Các cơ sở kinh doanh bánh trung thu ở Hà Nội đều an toàn, có nhãn mác. Ảnh: dantocmienui.vn |
Theo các chủ cơ sở kinh doanh thì điều mà họ luôn tâm niệm là sản phẩm phải sạch, đảm bảo chất lượng, không có chất phụ gia, sạch từ nguyên liệu đến quy trình chế biến để cung cấp tới người tiêu dùng. Chính vì từng công đoạn chưa được quan tâm đúng mức, hoặc bỏ qua bất kỳ công đoạn nào trong khâu sản xuất đã lý giải vì sao an toàn thực phẩm được quan tâm thường xuyên nhưng hàng năm, vẫn phát hiện không ít các cơ sở kinh doanh vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm thống nhất, ý thức trách nhiệm của mỗi người hay nói rộng ra là của cộng đồng xã hội. Nội dung này cũng được bàn thảo tại các kỳ họp quốc hội, khi đề cập về phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nông nghiệp, hoặc thảo luận các dự thảo luật trồng trọt, chăn nuôi... Nhiều tỉnh, trong đó có Hậu Giang chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có sự phối hợp của các cơ quan. Bà Nguyễn Thanh Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nêu vấn đề này như sau: “Hậu Giang là địa phương về sản xuất nông nghiệp. Hầu hết hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ nhiều. Khâu kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm khó khăn. Chính sách pháp luật tiếp tục hoàn thiện, đủ sức răn đe, kể cả truy tố hình sự, nâng cao ý thức của các cấp, các ngành, của từng đoàn viên, hội viên, từng thành viên gia đình thì mới có sự chuyển biến tích cực”.
Một trại nuôi chứng nhận ASC ở Việt Nam. Nguồn ASC |
Đối với trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng cần phải có những kiểm duyệt và quy định từ con giống, đến thức ăn rồi quy trình sản xuất làm sao để cung cấp được những sản phẩm đạt chất lượng không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng trong nước mà còn để xuất khẩu. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trường trường Đại học Cần Thơ, đã từng chia sẻ về nội dung này bên hành lang Quốc hội khi thảo luận về dự thảo luật trồng trọt chăn nuôi như sau: “ Đang cố gắng hỗ trợ người dân tối đa để thực thi tốt quy chế vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ trị bệnh dùng thuốc gì, dùng ra sao thời gian dùng trước khi thu hoạch thế nào. Quan trọng là giúp người dân cải tiến kỹ thuật để không dùng những chất ảnh hưởng tới an toàn vệ sinh thực phẩm thì cái này đang được các trường, các viện làm rất tốt”
Một mô hình trồng rau sạch. Ảnh: thanhnien.vn |
Vai trò của các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm để triển khai tốt các quy định vệ sinh an toàn là cần thiết bởi nó có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của con người. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, đại biểu thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Cuộc sống người dân rất bất an khi phải dùng những thực phẩm bẩn và cái bất an nữa là hàng gian, hàng giả nhiều. An toàn trong cuộc sống người dân cần quan tâm nên cần phải có một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, chấn hưng trong nông nghiệp theo hướng đảm bảo nông nghiệp sản xuất lớn, an toàn thưc phẩm”.
Hội nhập sâu rộng càng đòi hỏi mỗi quốc gia nói chung và mỗi đơn vị nói riêng cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu bởi cần đáp ứng đầy đủ các quy định và tiêu chí của các tổ chức quốc tế với những rào cản nghiêm ngặt về kỹ thuật… Nông nghiệp sạch và thực phẩm an toàn chỉ đảm bảo khi mà từ nông trại tới bàn ăn phải được liên kết qua một dây chuyền thống nhất đó là trách nhiệm.