Chè hữu cơ - sản phẩm làm nên thương hiệu vùng Khe Cốc, Thái Nguyên

(VOV5) -  Sản phẩm chè Khe Cốc luôn có chỗ đứng trên thị trường và là một trong những dòng chè chất lượng cao nhất của Việt Nam mang đi xuất khẩu.

 Nhắc đến sản phẩm chè, búp (trà) hẳn ai cũng nghĩ ngay đến Thái Nguyên, vùng đất được mệnh danh “đệ nhất danh trà” với rất nhiều loại chè ngon nổi tiếng. Trong số đó, thương hiệu chè Khe Cốc ở huyện Phú Lương được gọi tứ đại danh trà đất Thái Nguyên bên cạnh những cái tên như Tân Cương, La Bằng (Đại Từ), Trại Cài ( Đồng Hỷ). Được thiên nhiên ưu đãi, vùng chè Khe Cốc là nơi đầu tiên làm về hữu cơ, tạo ra những sản phẩm chè đủ tiêu chuẩn xuất bán nước ngoài và luôn có chỗ đứng ở thị trường trong nước.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:   

Vùng chè Khe Cốc có diện tích gần 280 héc-ta (ha) bao quanh 5 thôn xóm quây quần hơn 300 ngôi nhà. Ở đây, nhà nào cũng trồng chè và chế biến trà. Ngoài vài loại cây ăn quả xen trên đất đồi, cây chè chiếm 95% cơ cấu cây trồng cả vùng.
Chè hữu cơ - sản phẩm làm nên thương hiệu vùng Khe Cốc, Thái Nguyên - ảnh 1Những đồi chè hình bát úp luôn là điểm check-in yêu thích của du khách khi đến với huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Ảnh Tuấn Anh

Từ bao lâu nay, cây chè đem lại nguồn sống cho người dân nhưng theo phương thức sản xuất chế biến cũ chỉ cho giá trị kinh tế thấp. Gắn bó với cây chè từ nhỏ, từng từng kinh qua nhiều nghề, ông Nguyễn Văn Tỵ và Tô Văn Khiêm (xóm Tức Tranh) mới quay về với cây chè và gắn bó như duyên nợ đời mình. Với tham vọng nâng tầm giá trị và thương hiệu chè Khe Cốc, hai ông quyết định vận động sự liên kết sản xuất của bà con để thành lập lên Hợp tác xã (HTX )chè Khe Cốc.

Ông Nguyễn Văn Tỵ, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Hợp tác xã chúng tôi thành lập từ năm 2018. Cũng rất lợi thế là bà con trong xóm trước đó đã làm chè theo tiêu chuẩn VietGap rất ủng hộ. Sản lượng chè của HTX vào khoảng 40 tấn khô/1 năm. Hợp tác xã chè Khe Cốc hiện đứng đầu các hợp tác xã chè trên địa bàn huyện Phú Lương. Sở Nông nghiệp Thái nguyên có nhiểu chương trình cho bà con tập huấn, tham quan, trưng bày sản phẩm, giới thiệu sản phẩm nên hoạt động của HTX đang rất hiệu quả."

Chè hữu cơ - sản phẩm làm nên thương hiệu vùng Khe Cốc, Thái Nguyên - ảnh 2Ông Tô Văn Khiêm (Chủ tịch HĐQT) và Nguyễn Văn Tỵ (Giám đốc) Hợp tác Xã Chè Khe Cốc ( giữa). Ảnh nhanvatcungcap

Đặc trưng của vùng đất Phú Lương đã tạo nên một vùng tiểu khí hậu ấn tượng mát mẻ mát mẻ giống như vùng Tam Đảo (Vĩnh Phúc), hay Sapa (Lào Cai). Những ngọn đồi hình bát úp san sát nhau, khiến không gian của Khe Cốc chỉ là khe, suối. Sương mờ lâu tan rất thích hợp cho việc hái và thu hoạch trà sớm. Nước suối chảy về từ núi Chín Tầng, trong vắt mát lành là nguồn nước sinh hoạt của dân bản địa và cũng là nguồn nước ngầm tưới mát các đồi chè.

Ông Nguyễn Văn Tỵ giám đốc Hợp tác xã Chè Khe Cốc cho biết, với người dân nơi đây, trà ngon nhờ vào hai yếu tố. Đó là cái trời cho gồm đất, nước, không khí sạch thuần khiết và nhờ bàn tay con người giữ, truyền cho hậu nhân bí quyết "chỉ lên hương lúc vui" khi làm trà. "Khí hậu thổ nhưỡng mát mẻ quanh năm đã tạo ra hương vị thơm ngon đặc biệt. Chè Khe Cốc nổi tiếng lâu rồi, nơi có các thương lái đến thu mua. Vì được tưới bằng khe suối ngầm, chè Khe Cốc khác hẳn với các dòng chè khác bởi nước màu xanh, vị đượm không bị đắng bởi chất ta-nanh. Những người sành chè, các cụ già chỉ thích loại chè Khe Cốc chúng tôi”.

Chè hữu cơ - sản phẩm làm nên thương hiệu vùng Khe Cốc, Thái Nguyên - ảnh 3Đồi chè Khe Cốc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Năm 2013, chè Khe Cốc xây dựng tiêu chuẩn VietGap. Năm 2018, HTX chọn phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam 11041. Đây được coi là tấm giấy thông hành cho hướng xuất ngoại của chè Khe Cốc (Thái nguyên). Trong đó, các thành viên được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đào tạo công nghệ, trồng trọt nuôi cấy.. nhất quán phương thức sản xuất chuẩn hữu cơ. Cách làm đó từng bước đã nâng giá thành sản phẩm, đời sống bà con cải thiện rõ rệt. Trung bình 1 ha cho ra sản phẩm khoảng 12 tấn chè hữu cơ /1 năm.

Chè hữu cơ - sản phẩm làm nên thương hiệu vùng Khe Cốc, Thái Nguyên - ảnh 4Chị Đoàn Chiên

Chị Đoàn Chiên - một người con của vùng chè Thái Nguyên luôn tự hào về  sản phẩm quê hương mình: "Thái Nguyên, chúng tôi có nhiều loại chè ngon nổi tiếng và Khe Cốc được coi một trong 4 loại chè ngon nhất, tứ đại danh trà. Vị nước trà ngon ko đắng, uống một lúc sau vẫn còn cảm nhận dư vị ngọt ngọt rất dễ chịu ở cuống họng. Trà Khe Cốc phải thử mới cảm nhận độ thơm mát sảng khoái như nào. Vì không có thời gian nên tôi thích nhất dòng bột trà matcha, túi lọc. Tôi hay đặt mua biếu, người Việt ở nước ngoài đặc biệt thích chè Khe Cốc và kẹo trà xanh". 

Chè hữu cơ - sản phẩm làm nên thương hiệu vùng Khe Cốc, Thái Nguyên - ảnh 5Ký kết hợp đồng xuất khầu chè Khe Cốc sang CH Séc. Ảnh HTX Khe Cốc cung cấp.

Hiện nay, các sản phẩm của chè Khe Cốc đã được tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Và, điều đặc biệt, vị thơm, đượm của sản phẩm chè Khe Cốc đã lan ra nước ngoài qua kênh phân phối kiều bào tại CH Séc, Ba Lan, Nhật Bản, Pháp và các nước châu Âu, với chủ yếu là dòng trà túi lọc, bột trà xanh matcha và kẹo dồi trà xanh: "Trước dịch Covid, chúng tôi chủ yếu xuất sang thị trường CH Séc và Ba Lan. Thời gian gần đây, lượng tiêu thụ có ít đi nhưng chúng tôi mở rộng được sang Nhật Bản, Pháp và các nước châu Âu khác. Mới đây, một đoàn các anh chị Việt Kiều Séc về khảo sảt ăn ngủ cùng với bà con Khe Cốc để tìm hiểu thêm về cây chè và quyết định đặt chè Khe Cốc sang CH Séc. Ở Séc có trung tâm thương mại lớn, ở đó chè Khe Cốc có thể đến được rất nhiều nước châu Âu. Chúng tôi đã có sản phẩm đạt chất lượng Việt Gap, chuẩn hữu cơ và OCOP 3, 4 sao giờ sẽ có thêm nhiều sản phẩm chất lượng 5 sao.”.

Chè hữu cơ - sản phẩm làm nên thương hiệu vùng Khe Cốc, Thái Nguyên - ảnh 6               Sản phẩm chè khô của Khe Cốc

Trà Khe Cốc truyền thống có 2 loại đinh tâm (loại trà chỉ hái một tôm duy nhất), đinh ôm (loại một tôm có thêm một lá nhỏ), tôm nõn (hái một tôm hai lá) và trà móc câu được người dân trong nước ưa chuộng bên cạnh các dòng trà trứ danh Thái Nguyên khác…

Đến với vùng chè Khe Cốc nhất là vào buổi sáng, du khách thấy cảm thấy vô cùng khoan khoái dễ chịu, thoải mái phóng tầm mắt trên những đổi chè bát úp xanh mướt tầm mắt. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hòa mến khách, bản sắc văn hóa phong phú đang ngày càng thu hút du khách gần xa.

Nhận thấy tiềm năng du lịch gắn với cây trà, huyện Phú Lương đang chú trọng khai thác phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái, nghỉ dưỡng: Ngoài mô hình tham quan trải nghiệm về hái chè, đến đây có các hoạt động trải nghiệm như nhảy tắc xình, cắm trại, thưởng trà. Trong năm chúng tôi có các lễ hội về hái trà dịp Tết đoan ngọ, Tết nguyên tiêu, Hạ chí và Đông chí. Xác định được các điểm nhấn đó, người trông chè chúng tôi sẽ hướng vào mùa thu hoạch đó. Những câu chuyên xung quanh bàn trà ngon luôn cho cảm giác ấm áp cùng  bạn bè  tri kỷ”.

Chè hữu cơ - sản phẩm làm nên thương hiệu vùng Khe Cốc, Thái Nguyên - ảnh 7 Huyện Phú Lương đang chú trọng mở rộng sản xuất vùng chè hữu cơ. 

Vựa chè trung du Khe Cốc, Thái Nguyên tồn tại trên dưới nửa thế kỷ với niềm tự hào là một trong những nơi làm nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của cả nước. Theo ông Nguyễn Văn Tỵ, chỉ khi được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, chè Khe Cốc mới có chỗ đứng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Nhờ sự ưu đãi của điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm trồng trà cùng sự hỗ trợ sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm chè Khe Cốc luôn có chỗ đứng trên thị trường và là một trong những dòng chè chất lượng cao nhất của Việt Nam mang đi xuất khẩu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác