(VOV5) - Tôi không có tham vọng lớn, mỗi đợt mổ phải được hàng trăm bệnh nhân mà chỉ cần mổ được khoảng 10 bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Việt Đức, đồng nghiệp và bệnh nhân thường gọi Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Ngô Văn Toàn với cái tên Toàn “xương”. Ông là một trong những chuyên gia đầu ngành ở lĩnh vực cơ xương khớp và chấn thương chỉnh hình tại Việt Nam. Bằng chuyên môn của mình, bác sĩ Ngô Văn Toàn đã mang lại hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn bị mắc các dị tật bẩm sinh. Thông qua các hoạt động khám và phẫu thuật miễn phí của Câu lạc bộ Sala do ông sáng lập cách đây hơn 12 năm, bác sĩ Toàn “xương” cùng các học trò, đồng nghiệp đã mang lại niềm vui cho nhiều bệnh nhi tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Nhà không có điều kiện để phẫu thuật cho cháu nên khi biết có chương trình mổ nhân đạo, tôi cho cháu lên đây khám. Tôi rất mừng vì cháu có thể khắc phục được khiếm khuyết."
Nghe tin có đoàn bác sĩ ở Hà Nội lên khám và mổ dị tật miễn phí cho trẻ em, chị Lù Thị Đoàn cũng như nhiều gia đình khác ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Lạng Sơn đã đưa con nhỏ xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ sáng sớm. Lạng Sơn là điểm đến tiếp theo trong hành trình khám, chữa bệnh cho các em nhỏ vùng cao của Câu lạc bộ Sala do Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Ngô Văn Toàn làm Chủ tịch.
Bác sĩ Toàn hướng dẫn tập luyện |
Trong 3 ngày thăm khám ở Lạng Sơn, bác sĩ Ngô Văn Toàn cùng các học trò, đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã khám và tư vấn cho gần 70 trường hợp, phẫu thuật cho 16 bệnh nhân, trong đó phần lớn là các em nhỏ bị dị tật bẩm sinh. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số hàng nghìn bệnh nhi đã được các bác sĩ trong Câu lạc bộ Sala thăm khám và chữa trị trong hơn 12 năm qua.
Bác sĩ Toàn khám bệnh cho bệnh nhi vùng cao |
Ở mỗi tỉnh nơi đoàn đến, người dân không chỉ được thăm khám và phẫu thuật miễn phí, mà những bệnh nhân là người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn còn được Câu lạc bộ Sala hỗ trợ tiền đi lại, tặng quà và hỗ trợ kinh phí điều trị hoặc tài trợ toàn phần. Tất cả những hoạt động ý nghĩa này đều xuất phát từ ý tưởng của Chủ tịch Câu lạc bộ, bác sĩ Ngô Văn Toàn, với mong muốn mang lại niềm vui cho các bệnh nhi.
Bác sĩ Ngô Văn Toàn chia sẻ: "Chúng tôi là những bác sĩ có nghề chấn thương chỉnh hình, muốn mang nghề của mình đi phục vụ người bệnh. Tôi không có tham vọng lớn, mỗi đợt mổ phải được hàng trăm bệnh nhân mà chỉ cần mổ được khoảng 10 bệnh nhân. Mổ được cho bệnh nhân nào là giúp được cho bệnh nhân đấy nhưng phải đảm bảo tiêu chí là bệnh nhân được hưởng những gì tốt nhất của thành tựu y học. Thứ hai là bệnh nhân được tài trợ để đảm bảo trong những ngày nằm viện sau mổ sẽ bớt được những khó khăn."
PGS.TS. Ngô Văn Toàn (bên phải) và học trò TS. Phan Bá Hải cùng các đồng nghiệp hội chẩn trước ca mổ trong chuyến đi khám và phẫu thuật nhân đạo của CLB Sala. |
Đồng cảm và thấu hiểu tấm lòng mà bác sĩ Ngô Văn Toàn dành cho các bệnh nhi, ngay từ khi thành lập, CLB Sala đã nhận được nhiều sự ủng hộ, đóng góp của các mạnh thường quân, trong đó có nhiều y, bác sĩ là đồng nghiệp, học trò của bác sĩ Toàn.
Tiến sỹ, bác sĩ Phan Bá Hải, Phó trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao, Bệnh viện Việt-Đức, một trong những thành viên tích cực của CLB Sala, cho biết: "Thầy Toàn thích làm từ thiện và luôn mong muốn được khám và điều trị cho trẻ em khuyết tật ở Việt Nam. Tôi đã cùng thầy đi khám cho nhiều ca bệnh là các em nhỏ ở các vùng biên giới phía Bắc, vùng sâu vùng xa. Gặp các em đến khám bệnh trong tình trạng rất khó khăn. Khó khăn do nhà hoàn cảnh, không có điều kiện, khó khăn về mặt bệnh tật khi bị dị tật bẩm sinh. Gặp những hoàn cảnh như vậy, thầy mới đặt vấn đề tại sao mình không đến trực tiếp, tận nơi khám cho các em để các em đỡ vất vả? Tôi rất đồng cảm với suy nghĩ đó của thầy và cũng mong muốn phần nào đóng góp những sức lực, kỹ năng mình học được để theo thầy giúp đỡ bà con. Nên khi thầy tổ chức các chuyến đi, tôi đã đồng hành và đến tận bây giờ, một năm vẫn 2 lần cùng thầy đi khám."
Mỗi chuyến đi, bác sĩ Ngô Văn Toàn không chỉ tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, ông còn dành thời gian trao đổi chuyên môn với các bác sĩ địa phương, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm phẫu thuật, chẩn trị bệnh để hỗ trợ các đồng nghiệp trẻ làm nghề.
Với gần 70 tuổi đời và hơn 40 năm kinh nghiệm chuyên khoa, bác sĩ Ngô Văn Toàn được đánh giá là người có chuyên môn cao và là bác sĩ có đôi tay vàng trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình tại Việt Nam. Không chỉ khám chữa bệnh nhiệt tình, bác sĩ Toàn còn luôn động viên nhằm giúp bệnh nhân có niềm tin và động lực để vượt qua bệnh tật. Mọi người vẫn nói ông là một bác sĩ có tâm với nghề và hết lòng với bệnh nhân, nhưng khi nhắc đến, ông chỉ khiêm tốn cho rằng tất cả đều xuất phát từ nguyên tắc làm nghề mà ông đã đặt ra cho mình.
"Trong nghề y, nguyên tắc cơ bản là phải nhìn, thăm khám, hỏi han, xem triệu chứng… và giải thích cho người bệnh. Tôi có nguyên tắc riêng, đó là phải giải thích một cách chân tình. Giải thích làm sao cho họ dễ hiểu nhất, không phải là dùng những thuật ngữ y khoa, như vậy bệnh nhân sẽ không hiểu, phải cố gắng đơn giản nhất có thể. Còn khi mổ, phải có đôi mắt tinh tường như của con diều hâu, trái tim dũng cảm như của con sư tử, và đôi bàn tay mềm mại, nồng ấm của người thiếu nữ. Mắt phải tinh tường để khi mổ có thể nhìn thấu đáo được vấn đề. Phải dũng cảm, không phải thấy khó mà không làm, dũng cảm để nhìn nhận vấn đề và quyết tâm. Có bàn tay mềm mại, ấm áp để mổ, để cứu chữa bệnh nhân."
Đối với các học trò, bác sĩ Ngô Văn Toàn không chỉ là người thầy trong nghề, mà còn là người thầy trong cách sống. Bác sĩ Phan Bá Hải cho biết: "Có 2 thứ mà tôi học được từ thầy của tôi. Thứ nhất, chính là chuyên môn để trở thành một bác sĩ ngoại khoa trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình. Thầy đã dạy dỗ tôi từng đường kim, mũi chỉ ban đầu, hướng dẫn từ những ca bệnh đơn giản cho đến ca bệnh khó, phức tạp. Thứ 2, tôi học được ở thầy đó là cách sống. Thầy vẫn nói ngành y không chỉ điều trị ca bệnh mà còn điều trị cả con người. Mỗi người đến đây có mỗi bệnh khác nhau. Nếu một người thầy thuốc chỉ điều trị bệnh mà không quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, không nắm được những khó khăn, thuận lợi của người bệnh thì không thể nào điều trị cho người bệnh một cách triệt để được. 12 năm qua, tôi thấy mình đã học được ở thầy rất nhiều. Mỗi ngày tôi được đi với thầy, học được những điều rất nhỏ nhưng đều mang những ý nghĩa nhất định trong cuộc sống."
Đến nay, sau gần 10 năm về nghỉ theo chế độ, bác sĩ Toàn “xương” vẫn được lãnh đạo Bệnh viện Việt – Đức tin tưởng, mời tiếp tục làm việc với vai trò Cố vấn chuyên môn, thực hiện thăm khám và mổ những ca bệnh khó. Cùng với đó, ông vẫn thường tới giảng đường Đại học Y Hà Nội để tham gia giảng dạy cho các lớp bác sĩ cao cấp, nghiên cứu sinh. Bác sĩ Toàn chia sẻ dù đã gần 70 tuổi, nhưng khi còn sức khỏe, còn minh mẫn, ông còn tiếp tục làm việc, cống hiến cho nền y học nước nhà, cũng như tiếp tục mang đến niềm vui khi được chữa lành cho các bệnh nhi khó khăn.