Ngược dòng "Lịch sử vợ" từ thời cổ đại đến thế kỷ 21

(VOV5) -  Cuốn sách Lịch sử vợ của Marilyn Yalom là một hành trình về các thách thức mà phụ nữ đã và đang đối mặt trong vai trò làm vợ, làm mẹ.

Lịch sử vợ là một công trình biên khảo chuyên sâu của tác giả Marilyn Yalom, được dịch giả Nguyễn Thị Minh dịch sang tiếng Việt.

Như một bách khoa thư, cuốn sách khám phá vai trò và hình ảnh của người vợ trong các nền văn hóa khác nhau, tìm hiểu đời sống muôn hình vạn trạng các kiểu vợ trong những cảnh ngộ, trạng thái khác nhau, từ vợ linh mục đến vợ người đàn ông thế tục, từ vợ tổng thống đến vợ dân thường, thương nhân và thợ thủ công, từ vợ da trắng đến vợ da đen, da màu, vợ công dân tự do đến vợ nô lệ, vợ quý tộc đến vợ nông dân... qua hàng ngàn năm lịch sử.

Ngược dòng

Đi sâu vào những câu chuyện về vợ trong các xã hội từ cổ đại cho đến hiện đại, Lịch sử vợ không chỉ cung cấp một bức tranh toàn diện về sự thay đổi trong vị trí và quyền lợi của phụ nữ, mà còn mở ra các cuộc đối thoại về quyền bình đẳng giới.

Cuốn sách mở đầu bằng cuộc trao đổi trên mục tâm sự bạn đọc “Abby thân mến” của tờ báo San Francisco Chronicle, nói lên trăn trở của một người mẹ đơn thân, dù đã tìm được người đàn ông yêu thương, tận tụy và trách nhiệm, thương con cô ấy như con mình, chu cấp đầy đủ về kinh tế, song cô vẫn không muốn kết hôn vì không có được cảm giác yêu, và Abby khuyên người mẹ đơn thân nên chia tay vì hôn nhân được xem là kéo dài mãi mãi, và mãi mãi là quá dài đối với người phụ nữ để chấp nhận một cuộc sống không có tình yêu.

“Sự giải kiến tạo xuất sắc của Marilyn Yalom về hôn nhân của phụ nữ vừa khiến ta yên lòng vừa gây sốc… Cuốn sách vô cùng hấp dẫn và giải thích được rất nhiều điều.” – Diane Johnson, tác giả Le Divorce Le Mariage

Từ cuộc sống được xem là khá thuận lợi, dễ dàng, mang lại quyền tự do lựa chọn, quyền lấy mình làm trung tâm trong cân nhắc về hôn nhân cho người phụ nữ phương Tây thế kỷ XXI, tác giả đi ngược dòng thời gian, trở về hoàn cảnh của những người vợ bắt đầu từ thời xa xưa và mở ra viễn tượng về người vợ mới cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI:

Thời Hy Lạp, La Mã cổ đại và Kinh thánh: Vợ thường bị xem như tài sản của chồng, phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông trong gia đình cả về mặt kinh tế lẫn mặt tình cảm. Hôn nhân thường được xây dựng vì mục đích liên minh chính trị giữa các gia tộc hơn là tình yêu. Dẫu thế, ở La Mã, tình cảm vợ chồng đã được coi là điều đáng ham muốn, và có những cặp vợ chồng huyền thoại đồng sinh đồng tử như Antony và Cleopatra.  

Thời Trung cổ và Phục hưng: Vợ vẫn bị xem là tài sản của chồng, hôn nhân vẫn mang tính chất liên minh chính trị, nhưng vị thế của người vợ có phần được nâng cao hơn. Đặc biệt, trong thời Trung cổ, diễn ngôn tôn giáo bao trùm đời sống xã hội ca tụng sự trinh trắng và tìm cách đè nén, khiến con người xấu hổ che giấu khoái lạc trong tình dục, song vẫn có những người vợ để lại bằng chứng về khát khao nhục cảm mãnh liệt đối với chồng. Kỳ lạ thay, đây cũng chính là thời kỳ ra đời tình yêu lãng mạn kiểu hiệp sĩ, gắn với một thể loại văn học được xem là do phụ nữ tạo ra. Còn trong thời Phục hưng nổi lên với những cải cách về tôn giáo và hôn nhân của Luther, tiếng nói đòi tình yêu tự do của con trẻ chống lại sự sắp đặt của phụ huynh trong sáng tác của Shakespeare...

Thời Cách mạng và Victoria: Trong suốt thời kỳ Cách mạng Pháp, người phụ nữ có điều kiện tiếp cận với giáo dục nhiều hơn, địa vị của họ cũng được nâng cao. Phụ nữ nói chung và người vợ nói riêng tham gia thường xuyên hơn vào các diễn ngôn chính trị. Hôn nhân hiện đại ở phương Tây được nhiều nhà sử học đồng ý là xuất hiện trong khoảng thời gian giữa Cách mạng Mỹ (1765 - 1783) và khoảng năm 1830. Suốt khoảng thời gian này, tình yêu đã trở thành tiêu chuẩn chọn bạn đời, bên cạnh các tiêu chuẩn khác như tầng lớp, kinh tế… Một điều đáng lưu ý là thế kỷ XIX chứng kiến sự bùng nổ của nhiều cuộc cách mạng xã hội, trong đó, phong trào nữ quyền bắt đầu đặt nghi vấn về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Phụ nữ bắt đầu yêu cầu quyền ly hôn và tự quyết định cuộc đời.

Thế kỷ XX và hiện đại: Hai cuộc Thế chiến đã thay đổi rất nhiều khía cạnh trong đời sống lẫn địa vị của phụ nữ và người vợ. Chồng và vợ cùng san sẻ các trách nhiệm và nghĩa vụ trong gia đình, từ việc chăm sóc con cái đến việc kiếm thu nhập nuôi sống gia đình. Vợ trở thành một cá nhân độc lập với sự nghiệp và ước mơ riêng.

Ngược dòng

Một điều thú vị mà ta sẽ tìm thấy trong Lịch sử vợ là vợ trở thành đối tượng để nghiên cứu khoa học. Bằng vô số khảo cứu hết sức công phu, những câu chuyện thú vị, bao quát từ thế giới cổ đại cho đến hiện đại, tác giả chứng minh vợ là một phạm trù có tính lịch sử. “Sử tính” của vợ ít nhất gắn với hai điều.

Thứ nhất, các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hình thành nên hoàn cảnh làm vợ, cùng những kiến tạo văn hóa quy định thế nào là vợ tốt/vợ xấu thay đổi theo thời gian, không gian, văn hóa. Không có một quy chuẩn duy nhất, bất biến cho điều này. Vợ bị dạy phải xấu hổ nếu bộc lộ ham muốn dục tình trong thời Trung cổ, thậm chí sau này bị mô tả như là vô tính, thì sang thời hiện đại, diễn ngôn tiêu dùng lại khiến vợ lo lắng nếu không có ham muốn. Trong thời suy thoái, vợ bị khuyên không nên đi làm, không cướp công việc của đàn ông, không làm mất đi nam tính hay sự tự tin của nam giới, thì khi chiến tranh nổ ra, người ta lại khuyến khích vợ phải ra ngoài lao động, làm việc, thế thì mới là yêu nước, yêu chồng và sớm đưa chồng trở về... Thứ hai, cách những người vợ nhận thức về bản thân mình và xoay xở trong định chế hôn nhân, gia đình, cũng như tuân phục và thách thức các kỳ vọng, khuôn mẫu ở các thời đại cũng khác nhau.

Trong nghiên cứu khoa học, gia đình được xem là một định chế, và nhiều nhà nữ quyền cho rằng đây là địa hạt mà trong đó chế độ gia trưởng đặc biệt bộc lộ sức mạnh của nó, và phụ nữ bị áp bức. Người vợ trong hôn nhân truyền thống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng cả về tài chính lẫn tình cảm, dẫn đến việc phụ nữ không thể tự định hình cuộc sống của họ, vì mọi quyết định quan trọng trong gia đình đều do người chồng nắm quyền. Nhiều nhà nghiên cứu nữ quyền có cái nhìn tiêu cực về hôn nhân. Carole Pateman, lý thuyết gia chính trị nữ quyền, lập luận rằng trong lịch sử, người vợ về mặt pháp lý và xã hội giống như nô lệ, bởi chồng có quyền kiểm soát thân thể và đời sống của vợ, giống như cách chủ nô kiểm soát nô lệ. Còn nhà nữ quyền Pháp Simone de Beauvoir, người nổi tiếng với câu nói “người ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ”, kiên quyết từ chối hôn nhân. 

Từ bối cảnh này, trong tương quan với các nhà nữ quyền nghiên cứu về địa vị của phụ nữ kết hôn, có thể nói Marilyn Yalom có một quan điểm tương đối lạc quan về địa vị, về việc làm vợ. Mặc dù thường được xem là hậu duệ của Simone de Beauvoir, song Marilyn có cuộc hôn nhân lâu dài và bốn người con với nhà tâm thần học Irvin Yalom. Bà khẳng định: “Tôi viết cuốn sách này với niềm tin rằng, trong những điều kiện nào đó, việc có vợ và trở thành vợ vẫn là ‘một điều tốt’. Những điều kiện này liên quan đến sự bình đẳng tương đối giữa hai người hôn phối, tôn trọng và yêu quý lẫn nhau. Chúng cũng bao gồm đủ phương tiện – cả cá nhân lẫn xã hội – để đáp ứng các nhu cầu vật chất liên tục của một con người, bao gồm các dịch vụ giáo dục và y tế. Làm vợ, tức là bước vào đời sống như một nửa của cặp đôi, vẫn là lựa chọn đầy thách thức. Trong những hoàn cảnh tốt nhất, ta thấy mình có giá trị hơn, mạnh mẽ hơn thông qua mối quan hệ chung sống lâu dài, đầy yêu thương. Chúng ta học cách thỏa hiệp cũng như phát triển khiếu hài hước về đặc điểm riêng của mình và của người bạn đời. Ta tìm thấy sự an ủi và hỗ trợ khi đối mặt với những thử thách không thể tránh khỏi mà cuộc sống bắt ta trải qua. Ta có thể chia sẻ suy nghĩ, hy vọng, niềm vui, nỗi sợ, nỗi buồn, trải nghiệm và kỷ niệm với một ‘chứng nhân’ thân thiết trong cuộc đời mình. Trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, ta bị hạ thấp, hủy hoại bởi mối quan hệ đó, và buộc phải coi ly hôn là một lối thoát – điều không ngăn cản ta tái hôn” (Lịch sử vợ, trang 33).

Tác giả cũng nhắc đến giá trị của hôn nhân bền lâu đối với con người: “Lúc bắt đầu cuộc hôn nhân, khi thề nguyện là sẽ sống cùng nhau ‘khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn’, người ta dự đoán rất ít về kịch bản ‘lúc khó khăn’. Nhưng đau buồn, bi kịch, bệnh tật và cái chết luôn là một phần của hôn nhân, đặc biệt là trong những năm về già. Khi đó, người ta đặc biệt biết ơn sự hỗ trợ và tình yêu của một người bạn suốt đời – người luôn nhớ đến bạn như bạn đã từng và tiếp tục chăm sóc bạn như bạn vốn có hiện nay. Làm chứng nhân thân mật cho cuộc đời của người khác là đặc ân mà người ta chỉ có thể đánh giá đầy đủ theo thời gian. Vượt qua giông bão thời kỳ đầu và giữa của cuộc hôn nhân – sự hỗn loạn của con cái, sự không chung thủy của một hoặc cả hai vợ chồng, cái chết của cha mẹ, những nỗ lực đấu tranh để trưởng thành của con cái mình – có thể tạo ra sự gắn bó không thể thay thế được đối với người đã chia sẻ lịch sử đó cùng bạn” (Lịch sử vợ, trang 609).

Dẫu rằng, Lịch sử vợ của Marilyn Yalom tập trung vào hình ảnh vợ trong thế giới phương Tây, nhưng rất nhiều điều thú vị trong sách có thể làm dữ liệu cho những so sánh liên văn hóa. Những vấn đề tác giả nói về tầm quan trọng của việc sinh con đối với người phụ nữ mang thân phận làm vợ suốt từ thời Kinh Thánh cho đến hiện đại có thể được hình tượng hóa trong nhiều tác phẩm văn chương, điện ảnh Việt Nam. Nguyễn Du xem người đàn bà không làm vợ thật đáng thương. Người đàn bà làm vợ thì có bớt đáng thương hơn không? Trong bài thơ “Thương vợ”, Tú Xương ca tụng hết lời về người vợ tần tảo nhưng nghịch lý thay, bài thơ có thể gợi ra: Người vợ Việt Nam trong lịch sử, trên thực tế đã luôn luôn vừa là người làm kinh tế, vừa chịu trách nhiệm chính trong gia đình. Song, về mặt biểu tượng, người đàn ông (và cả xã hội) chưa bao giờ thừa nhận vai trò trụ cột mà người vợ trên thực tế đã đảm nhận. Vợ là “nội tướng”, mà “tướng” luôn nằm dưới vua, và “vua” dù không xuất hiện trong câu chữ thì quyền lực vẫn hiện diện.

Có thể nói, Lịch sử vợ của Marilyn Yalom là một hành trình về các thách thức mà phụ nữ đã và đang đối mặt trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Sách giúp độc giả nhận ra những khuôn mẫu xã hội, định kiến và vai trò giới trong hôn nhân mà lâu nay bị nhiều lớp màn che phủ, giúp độc giả thấy được quá trình từ bị xem là tài sản đến trở thành đối tác bình đẳng trong hôn nhân của phụ nữ chông gai đến thế nào.

Tác giả Marilyn Yalom là Giáo sư Pháp ngữ và văn học so sánh, từng là Giám đốc của CROW, tiền thân Viện Nghiên cứu Giới Clayman (Clayman Institute for Gender Research) - Đại học Stanford. Đồng thời, bà là nhà diễn thuyết nổi tiếng, là tác giả của nhiều tác phẩm, bài viết về văn học và lịch sử phụ nữ: The Amorous Heart, The Social Sex: A History of Female Friendship, How the French Invented Love, Birth of the Chess Queen, A History of the Wife, A History of the Breast… Sách đã xuất bản ở Việt Nam: Lịch sử vú

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác