(VOV5) - Duy trì những bữa ăn gia đình, chăm lo cho ông bà, cha mẹ, tạo sự gắn kết các thành viên trong bữa cơm gia đình là nét đẹp văn hóa truyền thống được nhiều gia đình người Hà Nội coi trọng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Về làm dâu nhà cụ Hải ở Quận Hoàng Mai, Hà Nội gần 20 năm nay, dù bận rộn đến đâu, sáng nào chị Phùng Thị Tú Hoa cũng đi chợ mua thức ăn chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình. Đi chợ nấu nướng cũng là công việc thường ngày của chị. Vào ngày hè nóng nực, ai cũng thích món canh chua dân giã, bởi thế, chị đi chợ thật sớm để tự tay chọn mua thực phẩm tươi ngon nhất để chế biến thức ăn theo ý mình. Trong khi chuẩn bị món canh, thì con gái chị ra mảnh vườn sau nhà hái thêm những cọng rau muống làm thêm món xào. Mỗi người mỗi việc cùng chung tay chuẩn bị bữa cơm tươm tất cho gia đình. Với chị Hoa nấu ăn, làm những những món ngon chính là thể hiện sự quan tâm, gắn kết tình thân trong gia đình. Chị Phùng Thị Tú Hoa chia sẻ: Tôi thấy để đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con cái, ông bà và nhiều thế hệ trong gia đình, tôi muốn chế biến những món ăn sạch và ngon, nên khi đi chợ cũng phải rất cầu kỳ, chọn nguồn thực phẩm tươi, ngon đảm bảo nguồn dinh dường món ăn ngon và tốt hơn.
|
Đã thành truyền thống từ hàng chục năm nay, bữa ăn là dịp cả gia đình chị Hoa gồm cả 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cái trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm. Ngồi ăn cơm cùng nhau đã trở thành nền nếp thường ngày. Bữa cơn gia đình là nơi mọi người sum họp, thể hiện sự quan tâm, tình cảm với nhau. Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống, cha mẹ có dịp hỏi han, uốn nắn từng nếp ăn nếp ở, hỏi han việc học hành của con, chia sẻ những ý tưởng, những tâm tư của con cái. Vợ chồng thể hiện tình yêu thương, chăm sóc nhau. Thông qua trao đổi trong bữa cớm gia đình, những chuyện buồn phiền đều có thể được cởi nút trong sự chân thành. Những đưa trẻ lớn lên trong những bữa cơm theo nếp nhà sẽ được giáo dục nhân cách, học được cách ứng xử trong từng bữa ăn như vậy.
Những năm đầu thế kỷ 21 quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra khẩn trương, gấp gáp hơn. Trước những biến động xã hội đó, nếp sống người Hà Nội không tránh khỏi những xáo trộn. Công việc bận rộn, những cuộc gặp đối tác làm ăn, những chuyến đi đột xuất…khiến thời gian dành cho bữa ăn gia đình ngày một ít đi và trước thời cuộc, con người buộc phải thay đổi thích nghi. Anh Vũ Mạnh Cường, nhân viên Ngân hàng chia sẻ: Hàng ngày vì công việc buổi trưa mình vẫn phải ăn trưa cùng với các đồng nghiệp, buổi tối có khi phải làm muộn, thỉnh thoảng cũng đi ăn với bạn bè, nhưng lúc nào rảnh đều muốn về nhà ăn cơm cùng gia đình
|
Trong thời đại công nghiệp, những người trong gia đình, nhất là những thành viên trẻ luôn bận rộn với công việc, ai cũng có thời gian và kế hoạch riêng của mình, nên việc duy trì bữa ăn gia đình thường xuyên là việc khó.Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng, nhà nghiên cứu văn hóa, cho biết: Ngày trước người Việt Nam thường chờ đợi nhau, có mặt đầy đủ thì mới bắt đầu bữa ăn. Ngày xưa bữa ăn rất đơn sơ, những yếu tố vật chất trong bữa ăn ngày trước cũng không được đề cao, ngày nay về vật chất càng được đáp ứng, nhưng đã có sự thay đổi, đó là tính cộng đồng trong bữa ăn dường như đang bị mất dần đi, bởi không gian văn hóa công sở, nhịp điều khẩn trương của văn minh công nghiệp khiến cho các thành viên trong gia đình ít có cơ hội quây quần,thậm chi những bữa cơm gia đình trở nên khác với nhịp điệu cuộc sống mới.
Trong cuộc sống với những lo toan, bận rộn, nhưng nhiều gia đình truyền thống Hà Nội vẫn duy trì những bữa cơm sum họp gia đình vào dịp cuối tuần. Xã hội ngày càng hiện đại hơn, cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng nhiều nét văn hoá gia đình vẫn được kế thừa và truyền lại qua các thế hệ, góp phần tạo nên sức sống bền bỉ của văn hóa của dân tộc.