(VOV5) - Khát khao của người dân Hà Nội mong một ngày nhìn thấy giá trị vốn có của một dòng sông đẹp của kinh thành Thăng Long.
“Sông Tô nước chảy quanh co/ Cầu Đông sương sớm, quán giò trăng khuya”. Con sông của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi chính là dòng sông Tô Lịch. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dòng sông ấy đến hôm nay đã không còn giữ được vẻ đẹp vốn có và cũng không đóng vai trò là lá phổi xanh tạo nên môi trường và không khí trong lành cho người dân. Việc cải thiện môi trường sinh thái cho dòng sông cổ vẫn là một bài toán đang cần lời giải để đáp ứng mong mỏi của nhân dân thủ đô về một dòng sông Tô xanh trong như nó đã từng trong xanh.
Thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch theo công nghệ Nhật Bản |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trước kia, dòng sông Tô Lịch là đường bao của kinh đô Thăng Long xưa, một phân lưu của sông Hồng, chảy theo phía bắc kinh thành. Từ bên cạnh phố Cầu Gỗ ngược lên phía Tây Bắc (cống chéo) tới Hàng Lược, men theo phía dưới đường Phan Đình Phùng, sông Tô chảy dọc theo hai phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám ngày nay ra đến đầu đường Bưởi nằm ở phía Nam Hoàng Quốc Việt. Sông Tô chảy dọc theo đường Láng rồi rẽ về phía nam thành phố và đổ ra sông Nhuệ. Khu vực đầu sông nổi tiếng trên bến dưới thuyền. Đó là con sông kinh tế và con sông văn hóa của Hà Nội khi xưa, đã đi vào thơ ca: “Sông Tô nước chảy trong ngần/ Con thuyền buồm trắng lướt gần lướt xa/ Thon thon hai mái chèo hoa/ Lướt đi, lướt lại như là bướm bay".
Dòng sông nước xanh trong vắt là thế, nhưng do vật đổi sao dời, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, nhiều đoạn sông đã bị lấp, diện tích lòng sông bị thu hẹp, trở thành con sông tù, mương nước thải khổng lồ của thành phố. Nước bị ô nhiễm nghiêm trọng do mỗi ngày có khoảng 150.000m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông.
Tiếc nuối về dòng sông đẹp đẽ nên thơ của đầu thế kỷ 20, lãnh đạo thành phố Hà Nội và nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã nghiên cứu, lên phương án làm sạch con sông lịch sử. TS khoa học Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của quốc hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam, cho biết: “Tôi thấy rằng vấn đề ô nhiễm môi trường của cả nước nói chung và của thủ đô Hà Nội còn đang phải gặp rất nhiều những thách thức. Vấn đề ở đây là chúng ta phải có một cách tiếp cận một giải pháp tổng thể mà phải xử lý phát thải, rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, nước thải sinh hoạt công nghiệp từ nguồn. Chúng ta chung tay với nhau thì mới có được môi trường sạch đẹp. Đặc biệt đối với dòng sông Tô Lịch, đây đã từng là một dòng sông rất thơ mộng trong thi ca và trong những câu chuyện lịch sử. Lấy lại cảnh đẹp và sự trong lành của dòng sông này là một trong những mục tiêu cải thiện môi trường của thủ đô”.
Sau 15 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, trở về Việt Nam, anh Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật – Việt (JVE), cũng đau đáu với vấn đề ô nhiễm môi trường của con sông Tô Lịch: "Đứng trên mảnh đất hai bên bờ sông Tô Lịch, tôi biết một số câu chuyện như thế này và làm tôi rất băn khoăn. Có những người sinh ra ở những ngôi nhà ở hai bên bờ sông Tô Lịch và nhiều năm sau, cậu bé đó đã trở thành thanh niên nhưng vẫn tiếp tục phải sống bên cạnh bờ sông ô nhiễm. Một câu chuyện khác là có những cụ già sống ở bên bờ sông Tô Lịch rất nhiều năm và đến cuối cuộc đời, cụ già ấy chưa được nhìn lại một lần dòng sông Tô Lịch như ngày xưa".
Ông Nguyễn Tuấn Anh (bìa phải) và TS Tadashi Yamamura thuyết trình về những tác dụng của máy sục khí công nghệ Nano – Bioreactor. |
Với những nỗi niềm canh cánh như vậy, anh Nguyễn Tuấn Anh đã mang công nghệ Nano – Bioreactor, một công nghệ mới của Nhật Bản, về để thí điểm làm sạch sông Tô Lịch. Máy sục khí công nghệ nano đặt chìm dưới lòng sông sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải.
TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản, trong lễ khởi động dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản, giải thích: “Chúng tôi áp dụng công nghệ này tại dòng sông Tô Lịch để xử lý lý ba vấn đề. Thứ nhất là xử lý mùi hôi. Thứ hai là chúng tôi xử lý chất lượng nước ở trong dòng sông, sẽ đưa chất lượng nước về đạt quy chuẩn của Việt Nam. Thứ ba là công nghệ sẽ giúp phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần vét bùn cơ học”.
Hộp thiết bị được đặt chìm dưới nước để sục khí. |
Sau hơn một tuần áp dụng thí điểm ở khu vực sông Tô Lịch, đoạn ngã tư Bưởi – Hoàng Quốc Việt xuôi về Cầu Giấy, các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước đã phát huy tác dụng, cụ thể là giảm thiểu mùi hôi của đoạn sông bốc lên. Công nghệ này kỳ vọng không những giúp dòng sông Tô Lịch bớt ô nhiễm mà còn khắc phục được tình trạng cá chết hàng loạt ở sông, hồ của thành phố Hà Nội thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả chính thức sẽ được công ty JVE công bố sau hai tháng vận hành thử nghiệm hệ thống làm sạch này: “Tôi rất mong muốn lãnh đạo Hà Nội quan tâm đến sáng kiến những nỗ lực của các doanh nghiệp để biến nó thành hiện thực góp phần đạt hiệu quả cao trong công cuộc cải tạo môi trường nói chung và đặc biệt là với con sông lịch sử của thủ đô chúng ta, con sông Tô Lịch. Chúc các bạn Nhật Bản hỗ trợ cùng với doanh nghiệp Việt Nam hoàn thành mục tiêu công cuộc của mình và mong muốn rằng một ngày không xa chúng ta có thể nhìn thấy một con sông Tô Lịch giống như trong quá khứ của lịch sử”.
Ông Dương Trung Quốc tại lễ khởi động dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản. |
Ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí xưa và nay, kể, thời trẻ đã từng tham gia lao động xã hội chủ nghĩa trên dòng sông Tô Lịch. Và sau này, ông cũng tham gia vào các cuộc tranh luận gay gắt với lãnh đạo thành phố Hà Nội để tìm ra giải pháp cải thiện dòng nước sông Tô. Đó cũng là khát khao chung của người dân Hà Nội mong một ngày nhìn thấy giá trị vốn có của một dòng sông đẹp của kinh thành Thăng Long.