(VOV5) -Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” diễn ra ngày 08/08, tại Hà Nội.
Đây là diễn đàn chính sách công nghệ quy mô quốc gia và quốc tế do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức thường niên từ năm 2011, nhằm đưa ra thông điệp về chính sách, công nghệ, khuyến nghị với Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, xã hội nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn ICT Summit 2019.- Ảnh Infonet |
Với mục tiêu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam và xây dựng nền kinh tế số vì một Việt Nam hùng cường, Diễn đàn này được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới, với những câu chuyện, những kỳ tích mới được chính người Việt Nam viết nên.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, đồng thời là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Chúng ta sẽ tạo ra các Platform tức là lên môi trường số, tức là hoạt động trong môi trường số. Vậy nên, các doanh nghiệp ICT, phải nhận lấy một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Và hôm nay, chúng ta sẽ chứng kiến sự ra mắt của Liên minh chuyển đổi số quốc gia, 8 doanh nghiệp đầu tiên cam kết về đầu tư hạ tầng và Platforms chuyển đổi số. Sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào công cuộc cách mạng này."
Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, để Việt Nam có thể đứng trong Top 50 quốc gia trên thế giới vào năm 2025 và Top 30 vào năm 2030. Do đó, dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ tập trung vào 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform và Đào tạo.