(VOV5) - Việc “mở rộng thị trường”, “thúc đẩy đầu tư”, “kích thích tiêu dùng” chính là những động lực tăng trưởng.
Ngày 23/7 tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) và Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Dịch COVID-19: Ảnh hưởng và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam”. Sự kiện nhằm công bố báo cáo đánh giá “Tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam - Phân tích có tính tới yếu tố giới”.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nêu rõ báo cáo đánh giá là những phân tích đầu tiên thực chứng tác động của COVID-19 tới các hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có lao động phi chính thức và người nhập cư; cũng như hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, của dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng khác biệt đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có lao động phi chính thức và người nhập cư dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập.
Đại dịch cũng làm giảm đáng kể doanh thu của cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, buộc hầu hết các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải cắt giảm hoạt động kinh doanh, giảm số lượng người lao động.
Bà Caitlin nhấn mạnh: "Trong thành công ban đầu, sự điều phối hiệu quả là yếu tố quan trọng để có thể hạn chế nhưng tác động tiêu cực với kinh tế, xã hội. Tôi tin tưởng cách tiếp cận mang tính đón đầu và đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân Việt Nam có thể đạt được quá trình phục hồi một cách mạnh mẽ và mang tính chống chịu cao hơn cũng như mang tính bình đẳng giới và công bằng tốt hơn. Chúng tôi mong muốn thực hiện được mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” và đảm bảo chúng ta sẽ phục hồi nhanh chóng trong trạng thái bình thường mới."
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu nhận định đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và mạnh tới kinh tế thế giới và Việt Nam; khiến dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm bị thu hẹp đáng kể.
Trong bối cảnh COVID-19 đã ảnh hưởng lên nhiều mặt kinh tế - xã hội và nhiều đối tượng thì việc “mở rộng thị trường”, “thúc đẩy đầu tư”, “kích thích tiêu dùng” chính là những động lực tăng trưởng, góp phần không nhỏ cho sự phục hồi của toàn nền kinh tế.