(VOV5) - 10 quốc gia đã đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng dân số từ 7 tỉ đến 8 tỉ. Cho đến nay, Ấn Độ là nước đóng góp lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Nigeria.
Ngày 15/11, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Hà Nội, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức kỷ niệm một ngày đặc biệt, đánh dấu thời khắc dân số thế giới đạt 8 tỷ người.
Theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 do Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc công bố, ngày 15/11 dân số thế giới đạt 8 tỉ người. Thời điểm mà thế giới chạm cột mốc quan trọng này vừa là khoảnh khắc vui mừng cần được chào đón, nhưng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho toàn nhân loại để cùng tìm kiếm những giải pháp giúp giải quyết những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt như các biến đổi khí hậu, xung đột, đại dịch Covid-19....
Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. Ảnh Hà Linh |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Mặc dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng câu chuyện đằng sau con số 8 tỉ người và việc chúng ta chạm tới cột mốc quan trọng này là một câu chuyện về thành công. Chúng ta đã giảm được tỷ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các vấn đề xã hội. Chúng ta đang có dân số đông đảo hơn bao giờ hết, một phần là do tuổi thọ tăng lên, đồng thời tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm đi.
Việt Nam hưởng ứng tham gia ngày 15/11/2022, ngày mà dân số Thế giới đạt mốc 8 tỷ người. Ảnh Hà Linh |
Bà Kitahara cũng khẳng định, UNFPA sẽ tiếp tục thúc đẩy quyền cơ bản của mỗi cá nhân và cặp vợ chồng trong việc tự do đưa ra quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh.
10 quốc gia đã đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng dân số từ 7 tỉ đến 8 tỉ. Cho đến nay, Ấn Độ là nước đóng góp lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Nigeria. Theo ông Phạm Hoài Nam -Vụ trưởng Vụ thống kê dân số và Lao động thuộc Tổng cục thống kê, mặc dù thời gian qua chất lượng dân số ở Việt Nam có sự cải thiện đáng đáng kể cũng như tiềm năng dồi dào về nguồn lực lao động nhưng còn có nhiều thách thức: “Ở Việt Nam theo dự báo, đến giữa tháng 5 năm năm sau, dân số Việt Nam có tể sẽ cán mốc 100 triệu người. Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tiềm năng về lực lượng lao động. Đây là vừa cơ hội vừa thách thức. Dân số đang có dấu hiệu già hóa, lực lượng lao động giảm đi. Vì thế, Việt Nam nhìn lại mình ở các chính sách vĩ mô đặc biệt là các chính sách dân số. Đây là một trong những vấn đề đặt ra cho các cấp các ngành Việt Nam”.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi vẽ: "Tôi và Tôi và thế giới 8 tỉ người” được UNFPA đồng tổ chức với kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam với thông điệp “Con người là giải pháp, không phải là vấn đề”. Ảnh Hà Linh |
Tại Việt Nam, để kỷ niệm ngày dân số thế giới chạm mốc 8 tỉ người, cuộc thi vẽ “Tôi và thế giới 8 tỉ người” được UNFPA đồng tổ chức với kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam từ ngày 28/10 đến 14/11/2022 với thông điệp “Con người là giải pháp, không phải là vấn đề”.
Ban Tổ chức nhận được hơn 100 bài dự thi của công dân Việt Nam, các bài dự thi chia sẻ những ý tưởng sáng tạo để xây dựng một thế giới tốt đẹp và vững mạnh hơn, nơi mọi người có thể tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau. Ngoài ra, thông điệp “8 tỉ hi vọng, 8 tỉ giấc mơ, 8 tỉ giải pháp” cũng sẽ được in lên hai xe buýt liên tỉnh chạy dọc từ Bắc vào Nam từ ngày 16 đến 30/11/2022.
Dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỉ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100. Mất khoảng 12 năm để tăng từ 7 tỉ lên 8 tỉ, xấp xỉ thời gian thời gian từ 6 tỉ lên 7 tỉ. Một tỉ tiếp theo dự kiến sẽ cần khoảng 14,5 năm (năm 2037).