(VOV5) - Thông qua chương trình dự án như này sẽ tạo ra được những tác động nhất định đến ý thức của người dân về bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài cây dược liệu quý ở Việt Nam.
Với mong muốn làm giàu cho mảnh đất quê hương Nguyên Bình ở Cao Bằng, anh Hoàng Mạnh Ngọc đã dành nhiều tâm sức để gây dựng một trung tâm sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái trên đỉnh Phja Đén - ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam. Thành công với mô hình đưa cây chè Kolia đi khắp thế giới, giờ đây công ty của doanh nhân tiêu biểu Hoàng Mạnh Ngọc đang triển khai gây trồng nhiều loại cây dược liệu quý hiếm - nguồn thuốc bổ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Cao Bằng. VOV5 phỏng vấn anh Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng, Chủ tịch HĐQT công ty Kolia.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Chào anh Hoàng Mạnh Ngọc, Xin anh cho biết lý do các anh chọn vùng núi cao nhất khu vực Đông Bắc Phja Oắc - Phja Đén là nơi triển khai một trong dự án mới của công ty Kolia là phát triển nuôi trồng cây dược liệu quý hiếm?
Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng, Chủ tịch HĐQT công ty Kolia. |
Hoàng Mạnh Ngọc: Vùng Phja Oắc - Phja Đén là vùng núi cao khí hậu nhiệt đới, phải nói rất thích hợp để phát triển cây dược liệu và thuốc quý. Trên đỉnh Phja Oắc- Phja Đén, công ty Kolia chúng tôi cùng các nhà khoa học đã khảo sát thấy ở đây có nhiều cây dược liệu quý hiếm, trong đó có dòng sâm thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến, nấm linh chi tự nhiên và nhiều cây thuốc quý hiếm khác đang phân bổ tự nhiên ở ngọn núi này. Ở vùng này, khí hậu thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng cây dược liệu. Từ ngàn xưa, đồng bào dân tộc Dao ở đây đi rừng đã di thực một số cây dược liệu về bản trồng và phát triển rất tốt.
PV: Cao Bằng nổi tiếng là vùng đất phong phú đa dạngloài thảo dược quý hiếm. Vậy, dự án của anh tập trung vào nuôi trồng phát triển những cây thuốc quý nào?
Hoàng Mạnh Ngọc: Chúng tôi đang quy hoạch vùng đất trên đỉnh Phij Oắc - Phja Đén để trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, thích nghi ở độ cao 1000 m, ưu tiên đặc biệt là tam thất và lan kim tuyến. Thời gian tới, chúng tôi sẽ di thực giống sâm Ngọc Linh về trồng ở tại khu phía Bắc Kolia. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang phát triển thành công mô hình nuôi cấy Nấm đông trùng hạ thảo. Ở đây vùng núi cao Phja Đén này rất lý tưởng để nuôi trồng tự nhiên loại nấm dược liệu vô cùng quý này. Mùa đông nhiệt độ rất thấp và độ ẩm cao. Vì thế, hoạt chất của nấm đông trùng hạ thảo ít nơi ở nào của Việt Nam có chất lượng tốt như ở Phja Oắc- Phja Đén.
Sản phẩm Nâm đông trùng hạ thảo của công ty Kolia, Cao Bằng |
PV: Hiện nay, thi trường dược liệu Việt Nam có khá nhiều sản phẩm dược liệu xuất xứ từ nước ngoài, giá cả cạnh tranh, vậy làm thế nào để sản phẩm thương hiệu Kolia đủ sức cạnh tranh trên thị trường thưa anh?
Hoàng Mạnh Ngọc: Vấn đề về giá cũng đang là một rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp trồng dược liệu ở Việt Nam bởi giá thành của họ khá rẻ. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng có kiến thức đều hiểu là, những hoạt chất quý trong sản phẩm của họ đã bị rút bớt. Trong khi sản phẩm dược liệu tự nhiên của chúng ta rất chất lượng vì từ khâu nuôi trồng đến chế biến còn giữ được nguyên hoạt chất. Hi vọng, nếu có sự hỗ trợ của truyền thông, người dân mình sẽ hiểu thêm giá trị dược liệu Việt Nam. Khi đó, tôi tin là ngành dược liệu Việt Nam sẽ có chỗ đứng không chỉ ở thị trường trong nước.
Về phía công ty Kolia, chúng tôi cũng lường trước được những rủi ro. Hướng đi ban đầu của chúng tôi vẫn là song song với việc triển khai trồng cây dược liệu là phát triển mô hình Nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ngày càng có nhiều khách đến với khu nghỉ dưỡng sẽ tận mắt chứng kiến quy trình trồng hái,chăm sóc, sản xuất chế biến dược liệu như vậy. Tôi nghĩ đó cũng là một một kênh quảng bá tốt. Cùng với đó, chúng tôi không ngừng tìm kiếm đối tác là các nhà chế biến dược liệu, liên kết với họ, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất, có sức cạnh tranh thời gian tới.
Khu du lịch sinh thái Kolia tạo ra nhiều việc làm cho bà con dân tộc địa phương. Ảnh HL |
PV: Ngoài ý nghĩa về kinh tế, tôi được biết là công ty Kolia đang tạo ra nhiều việc làm, giúp bà con địa phương phát triển kinh tế, nâng cao ý thức gìn giữ những gì thiên nhiên ban tặng. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
Hoàng Mạnh Ngọc: Dự án phát triển cây dược liệu có tính nhân văn rất cao và ngườil làm về cây dược liệu liên quan đến, sức khỏe cộng phải thực sự có tâm. Đó cũng là động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn. Công ty Kolia thành lập cũng được gần 10 năm đã giúp địa phương giải quyết công ăn việc làm. Bà con dân tộc thiểu số Mông Dao chủ yếu bám vào đồng ruộng. Trồng lúa ngô cũng chỉ được một vụ.
Trước đây, họ cũng trồng cây chè, cây dược liệu nhưng cũng chỉ manh mún. Tuy nhiên, kể từ khi đứng chân trên địa bàn, được địa phương cấp đất đầu tư bài bản, Kolia giúp bà con canh tác theo quy trình kỹ thuật. Ngoài công việc thường xuyên, bà con thường đến đây làm việc theo thời vụ khi nông nhàn, hoặc lúc công ty cần huy động nhân lực.
Cánh đồng chè trên đỉnh Phja Oắc- Pha-đén của công ty Kolia. - Ảnh Hà Linh. |
Chúng tôi trả công bà con rất xứng đáng. Điều quan trọng là không chỉ cải thiện đời sống, bà con còn được tiếp cận với kiến thức công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc khoa học, ý thức đối với lao động sản xuất, đổi mới được nâng cao. Tôi hi vọng, thông qua chương trình dự án như này sẽ tạo ra được những tác động nhất định đến ý thức của người dân về bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài cây dược liệu tại PhjaOắc Phja Đén ở Cao Bằng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh và chúc anh cùng Kolia thành công hơn nữa.