(VOV5) - Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động hợp tác quốc tế trong thu thập, chia sẻ dữ liệu khí tượng thủy văn để thực hiện nhiệm vụ dự báo từ sớm.
Sáng nay (09/06), tại Hà Nội, chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phát triển khí tượng thủy phải mở ra không gian cho các ngành khoa học khác khai thác, sử dụng số liệu, phục vụ mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Theo Tổng cục khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Quy hoạch đặt mục tiêu: Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đạt trên 95% đối với các trạm. Đến năm 2050, mật độ, khoảng cách trạm quan trắc tự động khí tượng thủy văn ở Việt Nam sẽ ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới; đưa vào thử nghiệm trên mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia một số loại hình trắc mới. Trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn được phát triển mới, nâng cấp, hiện đại hóa.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý đây không chỉ là quy hoạch một ngành khoa học đơn thuần mà liên quan chặt chẽ đến kinh tế, chính trị, quốc phòng và mang tính toàn cầu. Do đó, các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động hợp tác quốc tế trong thu thập, chia sẻ dữ liệu khí tượng thủy văn để thực hiện nhiệm vụ dự báo từ sớm, từ xa các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự cố, rủi ro có thể xảy ra. Phó Thủ tướng cũng gợi mở định hướng phát triển khí tượng thủy văn ứng dụng trong nông nghiệp, hàng không, môi trường…, mở ra không gian cho các ngành khoa học khác khai thác, sử dụng số liệu quan trắc thứ cấp, phục vụ mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.