(VOV5) - Việt Nam cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Sáng nay (13/8), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương.
Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: VOV |
Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất. Theo số liệu năm 2006, Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Đến nay, số ca tử vong đã là 80.000 trường hợp.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá và Việt Nam nên áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ năm 2026 với thành phần thuế tuyệt đối bổ sung để chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp. Thành phần thuế tuyệt đối cần tăng hàng năm tương ứng với biên độ của lạm phát và mức tăng thu nhập của người dân. Thạc sĩ Đào Thế Sơn, Chuyên gia kinh tế, cho rằng mức thuế tuyệt đối cần được tăng cao hơn: “Để đạt mục tiêu đề ra và đảm bảo sức khoẻ cho người dân Việt Nam thì năm 2026 bổ sung mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng (0,2 USD) đối với 1 bao thuốc lá, nhưng đến năm 2030 cần bổ sung mức thuế tuyệt đối là 15.000 đồng (0,6 USD) đối với 1 bao thuốc lá, theo đúng với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới”.
Gửi bài phát biểu đến hội thảo, Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua. Để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, Việt Nam cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.