(VOV5) - Một lớp dạy tin học đầu tiên cho người khiếm thị với sự hỗ trợ phần mềm từ các chuyên gia công nghệ thông tin được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các giảng viên khiếm thị thảo luận về giáo trình giảng dạy (Ảnh: Thy Phạm/vietnamnet) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, Quỹ từ thiện sách nói dành cho người khiếm thị thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Microsoft Việt Nam thực hiện Dự án "dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị nghèo" trên địa bàn thành phố. Đây là lớp dạy tin học đầu tiên cho người khiếm thị được tổ chức bài bản với sự hỗ trợ phần mềm từ các chuyên gia công nghệ thông tin. Tham gia lớp học, những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn được học cách sử dụng thành thạo máy vi tính và thụ hưởng những tiện ích mà nó mang lại.
Các lớp học thuộc Dự án "dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị nghèo" được tổ chức tại Thư viện sách nói ở phố Đinh Tiên Hoàng, Quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh) đều đặn vào các ngày trong tuần, từ thứ hai đến thứ sáu. Tại đây, mọi người được học các kỹ năng tin học cơ bản, biết sử dụng máy tính để kết nối mạng toàn cầu, tiếp cận với nguồn tài nguyên thông tin hữu ích. Ngoài đào tạo kỹ năng, dự án còn góp phần tăng khả năng tìm việc, tự chủ cuộc sống của người khiếm thị thông qua việc trang bị cho họ định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ tìm việc. Đồng hành tài trợ cùng công ty Microsoft Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương Mại – Dịch vụ Tân Nam Đô và Tổ chức Vietnam Foundation cũng hỗ trợ dự án 30 máy tính dành cho Thư viện sách nói và 77 “Máy tính 360” không màn hình chuyên dành cho người khiếm thị. Nhờ có các thiết bị hiện đại, người khiếm thị có thể tiếp cận được với kho tàng kiến thức một cách thuận tiện hơn, không bị giới hạn bởi sách nói hay sách chữ nổi. Ông Nguyễn Đình Kiên, Chủ tịch Hội Người mù Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Việc tổ chức lớp học này rất có ý nghĩa và sẽ đạt được thành công. Người mù được cập nhật thông tin, đưa ánh sáng trí tuệ đến với họ để vận dụng trong cuộc sống, trong học tập và làm việc, từ đó tiếp tục cống hiến cho hoạt động chung".
Cô Nguyễn Hướng Dương - Giám Đốc Thư Viện Sách Nói đang trình diễn máy tính không màn hình dành cho người khiếm thị học tin học (Ảnh: Thy Phạm/VietNamnet) |
Điểm nổi bật của dự án này là giáo trình đào tạo do chính người khiếm thị biên soạn, dưới sự tư vấn và hỗ trợ của Microsoft Việt Nam. Đội ngũ 10 giảng viên đều là người khiếm thị có trình độ đại học và đã được tập huấn nghiệp vụ tại Thư viện sách nói. Sau mỗi khoá học kéo dài 3 tháng, các học viên tham gia kỳ thi đánh giá chất lượng và được cấp giấy chứng nhận. Đặc biệt, các học viên đạt tiêu chuẩn sẽ được nhận 1 máy “Laptop 360” không màn hình do tổ chức The Vietnam Foundation tài trợ. Tổng kinh phí của dự án này lên tới hơn 68.000 USD. Thầy Tô Nguyên Châu, chủ nhiệm lớp dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị, cho biết: "Hiện nay chúng tôi đào tạo chương trình ở mức độ căn bản. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn học viên tham gia được hỗ trợ thêm ở mức độ tốt nhất, để từ đó họ có thể tự trang bị thêm hoặc tham gia những lớp nâng cao về sau mà Thư viện Sách nói sẽ tổ chức".
Ở lớp học này cũng có nhiều điều đặc biệt. Chỉ có từ 7 đến 10 học viên một lớp để đảm bảo về thời gian và lượng kiến thức cung cấp một cách tốt nhất. Chiếc máy vi tính không có con chuột, thay vào đó sử dụng phím Tab và giọng nói riêng biệt trên các công cụ điện tử dành riêng cho người khiếm thị. Việc dạy vi tính cho người khiếm thị cũng rất khó, yêu cầu học viên phải gõ được bàn phím bằng cả 10 ngón tay nên họ phải thuộc, phải nhớ từng vị trí con chữ, con số và dấu trên bàn phím.
10 giảng viên khiếm thị tham gia đội ngũ giảng dạy tin học cho người khiếm thị (Ảnh: Thy Phạm/VietNamnet) |
Trong vòng 1 năm, từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018, nếu dự án triển khai có hiệu quả tại thành phố Hồ Chí Minh, Microsoft Việt Nam sẽ mở rộng tổ chức lớp học cho cộng đồng người khiếm thị tại nhiều địa phương khác trên cả nước. Bà Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, hy vọng chương trình đào tạo này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người khiếm thị cải thiện chất lượng cuộc sống, có thêm động lực để vươn lên. "Ý nghĩa lớn nhất của dự án này là mở ra cánh cửa tiếp cận kho tàng tri thức, văn hoá của thế giới. Người mù cũng giống như chúng ta, sống trong thời đại công nghệ thông tin mà không biết sử dụng máy vi tính thì sẽ trở nên lạc hậu. Do vậy, chúng tôi muốn tạo một sự bình đẳng trong cuộc sống, xoá bỏ đi rào cản đó" - bà Dương chia sẻ.
Được tham gia vào dự án này, những người khiếm thị nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh có thêm cơ hội để mở mang kiến thức, nâng cao hiểu biết, giúp họ tiếp tục phấn đấu. Với việc tham gia lớp học, người khiếm thị như được trao “chìa khoá” tri thức mở ra thế giới bên ngoài, mở ra một chân trời mới, hướng đến tương lai tươi sáng.