(VOV5) - Trong hai ngày 5-6/3/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế và Nội vụ Đan Mạch Sophie Løhde Jacobsen dẫn đầu một phái đoàn cấp cao, thăm và làm việc tại Việt Nam.
Đây là Bộ trưởng Đan Mạch đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi hai nước tuyên bố thiết lập Đối Tác Chiến lược Xanh vào ngày 1/11 năm ngoái. Mục tiêu của chuyến thăm là tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực y tế, đặc biệt chú trọng tới tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu trong phòng ngừa, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Y tế và Nội vụ Đan Mạch và Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam sáng 6/3. |
Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế và Nội vụ Đan Mạch cho biết “Hợp tác y tế giữa hai nước dựa trên sự đồng thuận chung rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo tất cả mọi người đều bình đẳng khi tiếp cận các dịch vụ y tế cũng như giải quyết gánh nặng ngày càng tăng do các bệnh không lây nhiễm gây ra. Tôi hy vọng rằng chương trình hợp tác này có thể là nguồn cảm hứng để Việt Nam phát triển một mô hình bền vững đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm phần chi tiêu từ tiền túi của bệnh nhân và giúp họ sống một cuộc sống trọn vẹn nhất mặc dù mang bệnh."
Các đại biểu tham dự cuộc họp giữa Chủ tịch Ủy ban Xã hội của Quốc hội Việt Nam và Bộ trưởng Y tế và Nội vụ Đan Mạch sáng 6/3. |
Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Y tế và Nội vụ Đan Mạch cũng có buổi làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Anh. Hai bên đã trao đổi về các cơ hội hợp tác để củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam và tăng cường khả năng tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế cho các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.
Chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Y tế và Nội vụ Đan Mạch tại Thái Bình. |
Trước đó, ngày 5/3, Bộ trưởng Y tế và Nội vụ Đan Mạch đã tới thăm tỉnh Thái Bình nơi đang có các hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu.
Đoàn công tác của Bộ trưởng Y tế và Nội vụ Đan Mạch thăm và làm việc tại tỉnh Thái Bình. |
Trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, bà tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và trao đổi với các chuyên gia Việt Nam về nỗ lực chống kháng thuốc kháng sinh (AMR), tác nhân khiến hơn 1,3 triệu người trên thế giới tử vong vào năm 2019.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi khi sự phát triển kinh tế xã hội, quá trình đô thị hóa, sự già hóa dân số đang thay đổi xu hướng dịch bệnh và khiến nhu cầu về các dịch vụ y tế tăng cao. Một trong những ví dụ nhìn thấy rõ là tỉ trọng các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng từ 46% vào năm 1990 lên tới 74% vào năm 2017.
Các căn bệnh không lây nhiễm là một thách thức lớn đối với cả Đan Mạch và Việt Nam, khi mà chúng có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn đến các cá nhân và gia đình có thu nhập thấp. Kinh nghiệm của Đan Mạch và Việt Nam đều cho thấy để ứng phó có hiệu quả với các bệnh không lây nhiễm thì cần phải dựa trên một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu có khả năng cung cấp thông tin hướng dẫn, điều trị và trợ giúp rõ ràng và dễ tiếp cận.
Tại Việt Nam, chỉ thị số 25/CT-TW mới được Ban Bí Thư Trung ương Đảng ban hành ngày 25/10 năm ngoái về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở cho thấy cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong hướng tiếp cận này.
Chương trình Hợp tác Ngành Chiến lược giữa các cơ quan y tế Việt Nam và Đan Mạch được bắt đầu từ năm 2016. Mục tiêu của chương trình là tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam trong phòng ngừa, phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm thông qua đối thoại chính sách, trao đổi và đào tạo kỹ thuật. Chương trình Hợp tác Ngành Chiến lược bao gồm các hoạt động ở cấp chính sách tại Bộ Y tế cũng như tại địa phương, hợp tác với Sở Y tế và 30 trạm y tế xã thuộc tỉnh Thái Bình.
Ngoài chương trình Hợp tác Ngành Chiến lược, thông qua các khóa đào tạo của Trung tâm học bổng Danida (DFC) và các dự án nghiên cứu chung, Đan Mạch còn hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển giao kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm giữa đội ngũ nhân viên y tế và chuyên gia của hai nước. Hiện tại, mạng lưới cựu học viên DFC ngành y tế của Việt Nam có hơn 120 thành viên. Đây là những người đã tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại Đan Mạch.
Giai đoạn 3 của chương trình hợp tác, với mục tiêu củng cố các kết quả đạt được trong giai đoạn 1 và 2, đồng thời thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu và các bệnh không lây nhiễm, sẽ sớm được triển khai vào cuối năm nay.