(VOV5) - 7 tỉnh, thành phố Cụm phía Tây ĐBSCL tiếp tục liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Ngày 22/7, tại Cần Thơ, Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch Cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VOV |
Cụm phía Tây ĐBSCL gồm 7 địa phương là Thành phô Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong 6 tháng đầu năm nay, hoạt động tham quan, du lịch cụm phía Tây ĐBSCL đang trên đà phục hồi và phát triển, kết quả đón trên 16 triệu lượt khách, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm 2021.
Phối hợp thực hiện tour trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp tại Hậu Giang. Ảnh: VOV |
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, cho rằng từ nay đến cuối năm, 7 tỉnh, thành phố Cụm phía Tây ĐBSCL tiếp tục liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và tổ chức nhiều hoạt động kích cầu thu hút khách du lịch, nhất là trong các dịp Lễ, Tết và các sự kiện như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Hồ Chí Minh (ITE -TPHCM) vào tháng 9/2022; Phối hợp tham gia các sự kiện, hoạt động trong khuôn khổ Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022: Chúng ta cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng trong ngành du lịch, trong đó chú ý nội dung chuyển đổi số. Hiệp hội du lịch ĐBSCL đã làm một đề án đào tạo bồi dưỡng rồi, đang trình ra Quỹ phát triển du lịch của Việt Nam, có khả năng sẽ được phê duyệt vào tháng sau. Khi được duyệt, Hiệp hội du lịch ĐBSCL sẽ phối hợp với các sở để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.