(VOV5) -Những năm qua, chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có trẻ em đã được cải thiện đáng kể trên nhiều khía cạnh.
Bạo lực, xâm hại trẻ em được coi là một trong những vấn nạn đối với trẻ em trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, tình trạng trẻ em bị bạo lực cũng có nhiều diễn biến phức tạp… Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 6/8, chủ trì Hội nghị toàn quốc bàn về công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em, tiếp tục bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia cam kết chính trị mạnh mẽ, tích cực xây dựng nhiều chính sách, chương trình để thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Những năm qua, chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có trẻ em đã được cải thiện đáng kể trên nhiều khía cạnh như về dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục, phát triển con người, phát triển xã hội nói chung.
Để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, các bộ, ngành cũng như cộng đồng xã hội Việt Nam nhiều năm qua đặc biệt quan tâm, lên án tình trạng bạo lực trẻ em. Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông đã góp phần tăng cường nhận thức và phổ biến pháp luật phòng, chống bạo lực trẻ em.
Đặc biệt, Luật Trẻ em đã được Quốc hội ban hành năm 2017, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông những nội dung pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan về phòng, chống xâm hại trẻ em cũng như xử lý nghiêm những vụ xâm hại trẻ em.
Để Luật Trẻ em và việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đạt được hiệu quả cao nhất, các ngành chức năng Việt Nam đưa ra khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ trẻ em nhằm nghiêm cấm và giải quyết các hình thức bạo lực, xâm hại đối với tất cả trẻ em dưới 18 tuổi. Đồng thời xây dựng những giải pháp cụ thể để chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em, tập trung vào việc thúc đẩy kỹ năng làm cha mẹ, tham gia và tăng quyền năng cho trẻ em gái và trẻ em trai trong việc xử lý và báo cáo bạo lực.
Nhà nước cũng tăng cường nguồn nhân lực cho bảo vệ trẻ em, thành lập mạng lưới các cộng tác viên bảo vệ trẻ em cấp xã và đào tạo, bố trí đầy đủ các vị trí cán bộ xã hội chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Từ cuối năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Văn phòng Chính phủ chính thức công bố số điện thoại khẩn 111, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Đây được đánh giá là một trong các biện pháp mạnh mẽ từ phía các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ trẻ em sau hàng loạt vụ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em xảy ra thời gian gần đây.
Những cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong việc biến những cam kết quốc tế thành hành động, thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, các Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em… sẽ tạo thành hệ thống giải pháp, toàn diện để bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại.