(VOV5) - Giải thưởng nhằm động lực và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đời sống, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng và Phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2017 vừa được tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh các đoàn viên, thanh niên có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác. Ngoài ra, giải thưởng cũng nhằm động lực và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đời sống, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những tài năng trẻ đoạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng nhận giải - Ảnh: hanoimoi |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau gần 4 tháng phát động, Cơ quan thường trực Giải thưởng đã nhận được 58 hồ sơ của 21 đơn vị, gồm 15 tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Đảng ủy ngoài nước tại Nhật Bản, Đảng ủy ngoài nước tại Hàn Quốc, Đại sứ quán tại Anh. Số lượng hồ sơ tham dự trên 5 lĩnh vực và kết quả là Hội đồng bình chọn đã chọn ra 9 tài năng trẻ có thành tích xuất sắc để trao Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2017. Nhận xét về những gương mặt nhận giải năm nay, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết: “So với các năm trước, năm nay có nhiều hồ sơ của các ứng cử viên đang học tập, công tác ở nước ngoài trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh. Chất lượng hồ sơ tương đối đồng đều và có nhiều thành tích xuất sắc. Có đề tài đã ứng dụng và đem lại hiệu quả cao, có nhiều công trình có chất lượng, có nhiều giải pháp đã được công nhận. Cơ quan thường trực giải thưởng nhận thấy số lượng hồ sơ tập trung vào các lĩnh vực như: công nghệ môi trường, công nghệ sinh học”.
Các cá nhân nhận Giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên “Quả cầu vàng” năm nay đều là những nhà khoa học trẻ tuổi xuất sắc, có các công trình xuất bản hội nhập quốc tế, mang tính ứng dụng cao, đem lại niềm vinh dự, tự hào cho ngành giáo dục và khoa học công nghệ Việt Nam. Tiêu biểu như Tiến sĩ Hà Minh Hoàng, Giảng viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Dương, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; PGS. TS Trần Xuân Bách, Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội; Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh… Trong niềm vui được nhận Giải thưởng “Quả cầu vàng”, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc (công tác tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia thành phố HCM) không quên nhắc tới sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên của những người thầy: “Nói về lĩnh vực nghiên cứu của mình, sự thành công này phải kể đến những người thầy, người lãnh đạo của chúng tôi đã tiên phong trong lĩnh vực tế bào gốc này, cung cấp không chỉ về cơ sở hạ tầng thiết bị mà còn cho chúng tôi các đề tài để chúng tôi tiếp tục tiếp cận với nền tri thức trẻ, tiếp cận được thông tin, kỹ thuật của thế giới để định hướng cho nghiên cứu của mình”.
Cũng tại lễ trao Giải thưởng "Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng", Phần thưởng nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2017 cũng đã được trao cho 20 nữ sinh viên xuất sắc nhất trong lĩnh vực kỹ thuật, được lựa chọn từ 44 hồ sơ của 28 trường đại học, học viện trong cả nước. Năm nay là năm thứ 19 tiếp tục được triển khai trong 4 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện, điện tử và cơ khí, đây là những ngành học mà sinh viên nữ còn hạn chế và cần được khuyến khích. 20 gương mặt được nhận phần thưởng là những nữ sinh không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, mà còn là những cán bộ Đoàn, Hội năng động với các hoạt động cộng đồng như: hoạt động tình nguyện, tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động bảo vệ môi trường… Thị Na (sinh viên năm thứ 3, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Với sự phát triển của xã hội ngày nay, cùng với sự phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, các ngành kỹ thuật ngày càng quan trọng hơn. Đối với tôi là một nữ sinh đang học tập và tiếp thu các kiến thức của ngành kỹ thuật, lĩnh vực mọi người cho rằng đối với con gái theo học rất vất vả. Tuy nhiên, theo tôi thấy, chúng ta có đam mê và quyết tâm, chúng ta sẽ không ngại những khó khăn. Ngoài ra tôi cũng trau dồi các công nghệ mới, đổi mới tư duy và sáng tạo để phù hợp với sự phát triển của công nghệ”.
Trong khuôn khổ chương trình, 9 tài năng trẻ nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng và 20 nữ sinh viên xuất sắc nhất trong lĩnh vực kỹ thuật cũng đã có chuyến thăm quan về nguồn Khu di tích Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) và đặc biệt là có cuộc gặp gỡ thân tình, cởi mở với Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Phó Chủ tịch thường trực quốc hội biểu dương những thành tích mà các nữ sinh viên đã đạt được; đồng thời cho rằng, bước vào thời đại kỹ thuật số, Internet nối mạng toàn cầu, công nghệ nano, lĩnh vực kỹ thuật đều là mới mẻ, việc phát hiện nguồn, ươm mầm, tạo điều kiện cho các sinh viên nghiên cứu là trách nhiệm của các trường đại học để phát huy tính sáng tạo của các nhân tài.