(VOV5) - Chương trình Giỗ tổ làng nghề tái hiện lại không gian làng nghề và các hoạt động trình diễn nghề mộc, dệt chiếu, đan thúng, đóng sửa tàu thuyền.
Hôm qua (2/2), tại thành phố Hội An, người dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày giỗ tổ làng nghề mộc Kim Bồng 500 năm tuổi. Chương trình Giỗ tổ làng nghề tái hiện lại không gian làng nghề và các hoạt động trình diễn nghề mộc, dệt chiếu, đan thúng, đóng sửa tàu thuyền, điêu khắc gốc tre cùng các trò chơi dân gian...
Ngày giỗ tổ làng nghề mộc Kim Bồng diễn ra sau 3 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Ảnh: VOV |
Hoạt động này thu hút đông đảo người dân và du khách. Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hội An, trong quá trình phát triển du lịch, tỉnh luôn tập trung khôi phục, gìn giữ nghề mộc Kim Bồng và tìm hướng ra cho làng nghề:Giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng năm nay là bước khởi đầu và chúng tôi có ý tưởng làm một hội làng quy mô hơn, hấp dẫn hơn. Qua hội làng sẽ giúp các cấp chính quyền cũng như các doanh nghiệp và người dân cùng chung tay góp sức để phục hồi lại làng nghề truyền thống, phục hồi lại không gian làng mộc Kim Bồng một cách bài bản, làm cho sản phẩm du lịch của làng mộc Kim Bồng ổn định và bền vững hơn.
Làng mộc Kim Bồng (Hội An) được hình thành từ thế kỷ 15, nổi tiếng vì hầu hết các công trình kiến trúc bằng gỗ của Hội An xưa đều do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây xây dựng. Nhiều thợ mộc Kim Bồng được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, sau này là triều đình nhà Nguyễn, mời ra Kinh đô xây dựng các công trình tại kinh thành Huế. Tháng 6/2016, nghề mộc Kim Bồng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.