(VOV5) - Đến nay, 100% dịch vụ công đủ điều kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh được cung cấp trực tuyến ở mức độ cao nhất.
Nhằm hưởng ứng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Các hệ thống điều hành, giám sát đã được tích hợp, kết nối tại Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Hà Nam - Ảnh: hanamtv.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 2021, tỉnh Hà Nam xếp vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố theo kết quả xếp hạng chuyển đổi số (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện (xếp thứ 6 về Chính quyền số, xếp thứ 40 về Kinh tế số và xếp thứ 23 về Xã hội số).
Thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng chính quyền số. Trong đó, tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng. Hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình, cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được triển khai, vận hành đồng bộ.
Đến nay, 100% dịch vụ công đủ điều kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh được cung cấp trực tuyến ở mức độ cao nhất (chiếm 60% thủ tục hành chính) phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Điều này giúp giảm thời gian, thủ tục, chi phí, tạo sự hài lòng lớn cho người dân. Ông Nguyễn Hữu Chinh, xã Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhận xét: "Tôi đến hôm nay làm giấy khai sinh cho cháu. Tôi thấy rất nhanh, so với trước đây đi lại rất vất vả. Bây giờ mỗi ngày công nghệ một khá lên và thực tế, năng lực của cán bộ công nhân viên chức làm việc ngày một tốt hơn".
Về phát triển kinh tế số, đến nay, kinh tế số bước đầu đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Công nghệ số được ứng dụng chủ yếu trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, tài chính-ngân hàng, thương mại và dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.
Về xã hội số, hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang được phát triển đến 100% thôn, tổ dân phố, 100% khu dân cư được phủ sóng 3G, 4G, hơn 70% người sử dụng dịch vụ di động có điện thoại thông minh, trên 60% hộ gia đình có đường truyền thuê bao internet cáp quang. Đáng chú ý, tỉnh Hà Nam thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thôn, để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, khuyến khích nhân dân chủ động, tích cực sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Chị Lại Thị Liêm, Tổ công nghệ số cộng đồng xã Liêm Chung, thành phố Phủ Lý, cho biết: "Áp dụng công nghệ số với hệ thống công nghệ hiện đại hiện nayy, chúng tôi sử dụng hệ thống mạng zalo, thành lập các nhóm zalo của các tổ công nghệ số cộng đồng. Và trong các tổ công nghệ số cộng đồng thì tiếp tục thành lập các nhóm zalo tổ dân cư, để có mạng dây liên kết. Để khi có việc triển khai thì nhắn trên nhóm để triển khai hiệu quả, rất tiện lợi, áp dụng công nghệ số rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày".
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, xu thế tất yếu, động lực cho sự phát triển của tỉnh, trên cơ sở các kết quả đã đạt được, tỉnh Hà Nam đang nỗ lực thúc đẩy phát triển chính quyền số với mục tiêu xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Cụ thể, 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Cùng với đó, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm từ 15-20% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn); Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Tất cả hệ thống chính trị đều phải vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo việc vận hành, sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị. Ông Trịnh Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cho biết: "Về chuyển đổi số, UBND trang bị kiến thức, trang thiết bị vật tư như máy tính, điện thoại thông minh để thực hiện chuyển đổi số. Đối với một cửa thì UBND đã cụ thể hóa và tập huấn cho cán bộ chuyên môn, các cơ quan chuyên môn để thực hiện công nghệ số, đảm bảo phục vụ nhân dân nhanh nhất".
Với những kết quả đạt được, tỉnh Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số. Qua đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững.