Hiệu quả từ những dự án hợp tác giáo dục Việt – Nhật

(VOV5) - Hợp tác giáo dục giữa các đối tác Nhật Bản với thành phố Hồ Chí Minh những năm qua là điểm sáng trong quan hệ 2 nước. Nhiều chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên, giảng viên cùng hàng loạt dự án phối hợp, hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo nghề giữa 2 bên là minh chứng sinh động về sự phát triển quan hệ hợp tác giáo dục Việt – Nhật tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Hiệu quả từ những dự án hợp tác giáo dục Việt – Nhật - ảnh 1
Dự án "Bữa ăn học đường" của Ajinomoto nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh tiểu học (Ảnh minh họa)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Vài năm trở lại đây, hàng loạt tập đoàn uy tín của Nhật Bản đã triển khai các dự án thúc đẩy phát triển môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện tại nhiều trường học trên địa bàn  thành phố Hồ Chí Minh. Điển hình như từ năm 2012, tập đoàn Ajinomoto hỗ trợ Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố triển khai dự án “Bữa ăn học đường” nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh tiểu học. Là đơn vị giáo dục được thành phố chọn thực hiện mô hình mẫu bếp ăn bán trú theo dự án “Bữa ăn học đường”, đến nay, Trường Tiểu học Trưng Trắc ở quận 11 đã phát huy tốt hiệu quả của chương trình này. Ông Phan Văn Trí, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết với 1,3 tỷ đồng tài trợ từ Công ty Ajinomoto Việt Nam, mô hình mẫu bếp ăn bán trú được trang bị thiết bị hiện đại. Các khu xử lý, tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến…được thiết kế riêng biệt, giúp toàn bộ qui trình nấu ăn được quản lý chặt chẽ. "Mẫu bếp ăn này góp phần đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung cũng như tận dụng nguồn không gian và giảm bớt một số thao tác trong công việc của nhân viên cấp dưỡng. Góp phần mang đến bữa ăn ngon, an toàn cho các em học sinh" - ông Trí nói.

Hiệu quả từ những dự án hợp tác giáo dục Việt – Nhật - ảnh 2
Một góc bếp ăn tại trường Tiểu học Trưng Trắc (Ảnh: dantri.com.vn)

Ở bậc học cao hơn, hợp tác giáo dục giữa đối tác Nhật Bản và thành phố Hồ Chí Minh  đươc thể hiện qua các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ. Nhiều năm qua, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác với trên 20 trường, viện nghiên cứu của Nhật Bản, trong đó có các trường chuyên về nông nghiệp của Nhật như: Kobe, Kyushu, Osaka, Saga, Hyroshima, Kanazawa. Trong khi đó, Đại học Hoa Sen triển khai nhiều chương trình trao đổi sinh viên với Nhật Bản. Đến nay gần 75 sinh viên của 2 quốc gia được học tập, giao lưu, trải nghiệm môi trường sống ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Bà Đinh Anh Lan, Phụ trách Quan hệ công chúng và Báo chí Trường Đại học Hoa Sen, cho biết: "
Sự trao đổi về văn hóa và giáo dục là nền tảng giúp phát triển mối quan hệ giữa 2 nước. Các bạn sinh viên này sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đi làm tại những công ty, cơ quan khác nhau nhưng họ là những hạt giống thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản".

Hiệu quả từ những dự án hợp tác giáo dục Việt – Nhật - ảnh 3
Hình ảnh cơ sở vật chất và thời gian thực hành tại trường Nakanihon

Đào tạo nghề cũng là lĩnh vực hợp tác thu được nhiều hiệu quả giữa 2 bên. Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, cho biết trường đã liên kết với Trường Cao đẳng ôtô Nakanihon (Nagoya, Nhật Bản) từ năm 2014. Tháng 4/2017 trường Cao đẳng Viễn Đông sẽ đưa giảng viên ngành ôtô sang thực tập về ôtô điện, ôtô hybrib tại Trường Cao đẳng Nakanihon. Cũng trong năm nay, một số sinh viên trường Cao đẳng Viễn Đông được sang đào tạo tại Trường Cao đẳng Nakanihon trong thời gian 1,5 năm để lấy bằng kỹ sư ôtô toàn cầu. Ngoài việc hợp tác với Trường Cao đẳng ôtô Nakanihon, hiện Trưởng Cao đẳng Viễn Đông cũng đẩy mạnh hợp tác đào tạo ngành Điều dưỡng, ngành Xây dựng và Cơ khí với các đối tác Nhật Bản. Theo Hiệu trưởng Trần Thanh Hải, việc hợp tác giáo dục với Nhật Bản đã phần nào thay đổi nhận thức cũng như cách dạy, cách học của trường. "
Chúng tôi chọn lọc những môn học tinh gọn hơn,những tên môn học sát với nhu cầu thực tế và sát với chuẩn của thế giới. Thứ hai là các sinh viên cũng có sự thay đổi cách nhìn nhận đối với các ngành nghề được đào tạo, tạo không khí tích cực trong học tập" - ông Hải nói.

Bên cạnh các chương trình hợp tác đào tạo với đối tác Nhật Bản, ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cũng chú trọng giảng dạy tiếng Nhật cho người dân. Thành phố đã phối hợp với Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tổ chức tập huấn cho nhiều giáo viên dạy tiếng Nhật tại một số trường Trung học cơ sở và trường Trung học phổ thông. Ngoài ra thành phố cũng cấp phép cho hơn 40 trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Nhật.

Hợp tác giáo dục giữa thành phố Hồ Chí Minh với đối tác Nhật Bản đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp ngành giáo dục thành phố tiếp cận những mô hình hiện đại để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục theo chuẩn khu vực và quốc tế. Rộng hơn, việc hợp tác này đang góp phần quan trọng củng cố quan hệ song phương Việt – Nhật được thiết lập từ hơn 40 năm qua.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác