Đất nước hòa bình tròn 48 năm và nhiều câu chuyện nhân văn trong khói lửa chiến tranh luôn thấm đẫm tình người. Bây giờ nhiều người vẫn thường nhắc lại những câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc thật cảm động. Phóng viên Thanh Hà, thường trú khu vực miền Trung kể lại câu chuyện một sỹ quan Cách mạng từng “phá rào” cứu gần 30 người lính Việt Nam Cộng hòa sau chiến dịch Thượng Đức, tháng 8, năm 1974.
"- Anh bây giờ sức khỏe thế nào, làm ăn ra sao?
- Tôi thấy thế này cũng mạnh khỏe, chứ không đau ốm chi;
- Bây giờ anh có tham gia gì cho địa phương không;
- Chừ tôi chỉ tham gia Hội Người cao tuổi;
- Còn con cái anh thế nào... Nhân dịp 30/4, tôi trở lại thắp hương cho các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do trên xứ sở quê hương mình, nhân tiện đến thăm hỏi gia đình anh".
Đây không phải là lời chào hỏi của những cựu chiến binh khi thăm lại đồng đội cũ mà là những lời hỏi han của một Đại tá Công an về hưu khi đến thăm một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa mà năm xưa ông đã cứu sống trong một trận chiến khốc liệt.
Quê hương không còn tiếng súng đã gần 50 năm, Đại tá Ngô Thanh Hải (nguyên Cán bộ An ninh Khu ủy Quảng Đà, nguyên Trưởng phòng thuộc Công an thành phố Đà Nẵng) nay đã ở tuổi thất thập ngập ngừng kể lại chuyện “phá rào” cứu người lính phía bên kia.
Đại tá Ngô Thanh Hải viếng 920 anh hùng liệt sĩ hy sinh sau chiến dịch Thượng Đức |
Ông Hải kể, tháng 7 năm 1974, ông tham gia Chiến dịch giải phóng quận lỵ Thượng Đức, tỉnh Quảng Nam. Chiến dịch khốc liệt khi Sư đoàn 304, 324 cùng Bộ đội địa phương, Dân quân du kích đánh vào Chi khu Quân sự quận lỵ Thượng Đức kéo dài đến 10 ngày giữa cái nắng mùa hè như đổ lửa. Cuộc chiến đấu ở Thượng Đức diễn ra quyết liệt đến sáng ngày 7/8/1974, các lực lượng Cách mạng đã làm chủ Chi khu Quân sự quận lỵ Thượng Đức. Nhưng thương vong rất nặng nề về lực lượng của cả 2 bên lẫn dân thường. Trong lúc này, hơn 920 người Bộ đội chính quy đã hy sinh, phía lính Việt Nam Cộng hòa hơn 1.600 người tử trận…
Đại tá Ngô Thanh Hải nhớ lại, chiến sự ác liệt, xác người nằm khắp nơi, nhiều dân thường thiệt mạng, đồng đội ngã xuống ngay trước mặt mình… Hình ảnh đó đã làm trái tim người lính dạn dày chiến trận càng thêm căm phẫn quân thù. Ngày cuối chiến dịch Thượng Đức, ông chạm mặt với khoảng 30 người lính Việt Nam Cộng hòa bại trận. Tất cả đều còn rất trẻ, nhiều người đang bị thương nặng. Khi ông đến với tư thế người thắng trận, toán lính Việt Nam Cộng hòa hốt hoảng, quỳ lạy xin tha chết. Nhiều người lấy ảnh của mẹ, vợ, người yêu… trong ví mình ra như để nói lời vĩnh biệt: “Mẹ ơi!”, “Em ơi!”... Những tiếng kêu khóc ấy làm hận thù trong lòng ông Hải chùng xuống. Những tiếng kêu “mẹ ơi”, “em ơi” của những người lính phía bên kia đã khiến ông chùn tay.
Thế là, ông Hải quyết định “phá rào”, vượt qua hận thù để cứu người. Ông ra lệnh cho Dân quân du kích địa phương đưa nhóm tù binh xuống tập kết tại gò Mõm Lợn, tại ngã ba sông Vàng và Vu Gia. Đêm ấy, ông bị ám ảnh bởi lời trăn trối của những người lính phía bên kia đang bị thương, quằn quại đau đớn. Sau nhiều giờ thao thức, ông Ngô Thanh Hải chọn người du kích địa phương là Nguyễn Khánh Sơn dẫn đường đưa ông đến phá cửa Nhà thuốc Tây của bà Sáu Thành, ở Hà Tân, xã Đại Lãnh (lúc này đã đóng cửa đi sơ tán) để “ấy một ít thuốc men về chữa trị cho nhóm tàn quân trước khi đưa họ lên trại tập trung.
Đại tá Ngô Thanh Hải thắp hương viếng vợ ông Đỗ Minh Long vừa qua đời |
Ông Ngô Thanh Hải nhớ lại: "Gần 30 lính Việt Nam Cộng hòa mình đưa về tập trung chỗ này. Hồi ấy tôi nghĩ rằng, hầu hết đều bị bắt lính và là người Nam bộ nói tiếng Nam. Nếu như để rải rác thì họ sẽ bị nhiễm trùng, rồi chảy máu đến chết. Do đó, tôi trong Ban Quân quản chỉ đạo chuyển hết số lính Sài Gòn đó về Mõm Lợn này. Mình có suy nghĩ rằng, họ cũng là một người chồng, một người con trong gia đình. Hồi xưa khi đi học lớp Đệ Ngũ, tôi có học cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống”. Câu chuyện “Anh phải sống” dạy rằng, người chồng trong gia đình rất quan trọng. Nghĩ về câu chuyện ấy, mình liên tưởng những người chồng, người con bị bắt lính đang nằm đây mà mình bỏ họ chết thì tang thương của bao nhiêu gia đình. Cả một đêm trăn trở suy nghĩ lắm”.
Câu chuyện “phá rào” cứu người được ông Hải giấu kín trong lòng.
Ông Nguyễn Khánh Sơn từng làm du kích của Xã đội Đại Lãnh, sau này làm Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chính là người được ông Hải “ra lệnh” phá kho lấy thuốc cứu người. Ông Sơn nói, sau khi chiến dịch Thượng Đức kết thúc, công việc ngổn ngang, người chết trận, người bị thương rất nhiều. Thế nhưng, khi nhận lệnh cứu người của ông Ngô Thanh Hải, ông cùng cô y tá tên Hải và một số du kích xã ngày đêm lo cơm nước, thuốc men, băng bó vết thương cho nhóm tù binh. Nhiều người lính Việt Nam Cộng hòa bị bỏng do đạn B40, dòi bò nát thịt, lên cơn tâm thần đòi hành hung người chăm sóc nhưng các cô, chú chỉ quan tâm việc chữa trị cứu người. Ông Nguyễn Khánh Sơn bảo rằng cũng nhờ trước đó 1 tháng, các ông được học tập về tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc nên mọi người đã có tinh thần gác qua thù hận: “Trong giai đoạn giao thời, xác địch, xác ta còn nhiều lắm mà bọn tôi phải làm rất nhiều việc, mọi người phải chia nhau ra để làm. Đúng ra, thời điểm đó mà phân biệt địch, ta thì mình không dám làm. Nhưng mà vì cái quan điểm hồi đó chỉ đạo là phải hòa giải dân tộc. Cho nên là phải biến đau thương, mất mát thành hành động cụ thể. Và không phân biệt người đó là bên kia chiến tuyến, miễn là cứu người được là tốt rồi. Mặc dù, người đó từng cầm súng bắn mình nhưng bây giờ họ đã thua cuộc nên mình vẫn cứu họ” - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Khánh Sơn, từng là du kích xã Đại Lãnh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đại Lộc thăm hỏi ông Đỗ Minh Long ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc |
Trong gần 30 người lính Việt Nam Cộng hòa thất trận được tha mạng, chữa trị vết thương có nhiều người quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, sau này mới biết họ là những người đồng hương, có người bà con xa với anh em du kích. Trong số những người lính bên kia được cứu sống năm xưa có ông Đỗ Minh Long hiện còn sống và đang ở tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Rất nhiểu năm sau, ông Long vô tình biết được cô y tá Hải năm xưa đã theo lệnh ông Ngô Thanh Hải mà chữa trị cho mình đang làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Lập tức, ông Long tìm về thăm y tá Hải và tìm gặp ông Hải, người đã ra lệnh cứu mạng mình năm xưa để nói lời tri ân. Thế rồi, 2 gia đình thường xuyên qua lại, thăm hỏi nhau như những người bạn. Ông Đỗ Minh Long năm nay tròn 70 tuổi, là con trai duy nhất trong dòng họ. Sau chiến tranh, ông lấy vợ và sinh 5 người con trai, trong đó 2 người đã vào Bộ đội.
Nhắc lại câu chuyện năm xưa, ông Đỗ Minh Long không khỏi ngậm ngùi: “Lúc trận Thượng Đức, mình được quân Giải phóng cứu chữa mình. Họ tới băng bó, cho mình ăn uống. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của quân Giải phóng người ta cũng quan tâm giúp đỡ nhưng con người như chúng tối, chứ nếu như không thì chúng tôi đã chết rồi. Bị thương mà họ không cho ăn, không băng bó thì chúng tôi đã chết rồi. Tôi là người trực tiếp mang ơn Quân đội Giải phóng. Mặc dù tôi là người ở bên kia, nếu không được sự cứu chữa đó thì tôi đâu có ngày hôm nay được”.
Gò Mõm Lợn, ngã ba sông Vàng và sông Vu Gia hợp thủy, nơi năm xưa những người lính 2 bên chiến tuyến ngày đêm đối mặt với sự khốc liệt của chiến tranh, bây giờ cây cối sum suê, bờ bãi xanh ngát. Người dân nơi đây thường nhẹ nhàng khi nói rằng, có thấu hiểu được lịch sử chiến tranh mới thấy rõ ý nghĩa và giá trị của hòa bình hôm nay.