(VOV5) - Khu vườn nhà kính được nhà trường đầu tư hơn 150 triệu đồng là nơi giáo viên và học sinh cùng thực hành trồng rau, hoa công nghệ cao.
Trong khi với nhiều người, nông nghiệp công nghệ cao vẫn là điều gì đó xa vời, cao siêu… một số địa phương đã có cách tiếp cận vấn đề rất độc đáo, đó là đưa nông nghiệp công nghệ cao vào nội dung đào tạo trong nhà trường.
Đây thực sự là phương pháp tiếp cận hữu ích và là sự đầu tư đường dài hiệu quả. Giữa lòng thành phố Ðà Lạt có một khu vườn trồng rau, hoa công nghệ cao xanh mướt.
Khu vườn này là nơi các học sinh Trường dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng. Hàng ngày các học sinh chăm chỉ thực hành các kiến thức về cây trồng, học nghề nông và cùng tạo quỹ khuyến học.
Các em học sinh áp dụng những kỹ thuật học được ở trường làm nông nghiệp. - Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khu vườn nằm trong Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng khiến nhiều người bất ngờ về độ chuyên nghiệp. Khu vườn rộng hơn 500 m2 được trang bị nhà kính, có hệ thống tưới phân thẩm thấu, tưới nước phun tự động để chuyên canh hoa. Một khoảnh đất khác nằm gần khu trồng hoa được trang bị hệ thống thủy canh trong nhà kính để trồng rau sạch. Nơi đây, thầy trò của trường thực hành sản xuất như nông dân công nghệ cao thực thụ. Khu vườn không chỉ là giáo cụ trực quan để học sinh thực hành mà nó còn là nguồn gây quỹ khuyến học cho nhà trường.
Thầy Nông Văn Hưng, Bí thư Đoàn trường Dân tộc nội trú phổ thông trung học Lâm Đồng, cho biết thầy cô hướng dẫn quy trình, còn lại các em tự phân công chăm vườn. Các công đoạn như xuống giống, pha chế phân bón, hẹn giờ tưới nước, châm phân đều do các em tự làm. Chỉ sau một mùa hoa với một mùa rau, kiến thức nghề nông của các em tốt hơn. Đa số các em biết cách xem thông số độ ẩm không khí mà đoán biết trong những ngày tới cây cối sẽ có hiện tượng gì và đưa ra phương án phòng trừ sâu bệnh.
Dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, cả trăm học sinh đã tuân thủ quy trình sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng ngàn cành hoa cúc mỗi vụ thu hoạch. Thầy Nông Văn Hưng cho biết thêm học trò của trường chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, việc dạy cho các em yêu nghề nông và biết làm nông ứng dụng công nghệ cao là điều cần thiết. Đây là một trong những hành trang giúp học sinh nhà trường có những lựa chọn cho con đường khởi nghiệp sau này: “Khi trồng hoa, các em có thêm tiền dư ra. Đoàn Thành niên sẽ trích một phần cho các em hoạt động Đoàn hiệu quả hơn. Trong việc học tập sử dụng quỹ này các em được dùng mua thêm các tài liệu, vật dụng học tập, trích một phần mua quà tặng các em học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa”.
Khu vườn nhà kính được nhà trường đầu tư xây dựng hơn 150 triệu đồng là nơi giáo viên và học sinh cùng thực hành trồng rau, hoa công nghệ cao nhiều năm nay. Sau những giờ học văn hóa trên lớp, các em học sinh Trường Dân tộc nội trú phổ thông trung học tỉnh Lâm Đồng còn được thực hành các kiến thức về làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Em Dạ Gát Phương, học sinh lớp 12B, cho biết sau khi tham gia chăm sóc khu vườn, bản thân đã có thêm nhiều kiến thức về cách trồng rau và hoa ứng dụng công nghệ cao. Giờ học sinh đã tự điều chỉnh được lượng nước tưới, phân bón theo các giai đoạn phát triển của cây trồng: “Qua vườn nhà kính, chúng em biết được các kỹ thuật tạo cho đất tươi xốp, dùng các loại phân bón, lượng nước phù hợp. Các quá trình để cho rau, quả nó phát triển tốt nhất. Ngoài ra, chúng em có thể dùng kỹ thuật học được ở trường về nhà giúp ba mẹ”.
Từ các giờ học thực hành, đến nay các em học sinh đã thực hiện các công đoạn như xuống giống, pha chế phân bón, hẹn giờ tưới nước thành thạo. Học sinh các lớp đã tích cực tham gia các quá trình chăm sóc, thu hoạch rau, hoa. Theo Ya Duyệt, lớp 12A, cùng với kiến thức thầy cô giáo truyền đạt, bản thân thường xuyên tra cứu từ sách và Internet cách chăm sóc để vườn cây đạt hiệu quả cao nhất: “Từ khi có mô hình này các bạn siêng năng hơn, ít ra ngoài chơi hơn. Từ đó học thêm được tác phong tập trung làm việc theo nhóm. Giúp chúng em đoàn kết, làm việc tốt hơn và hiệu quả hơn”.
Cô Phạm Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết khi rau, hoa đến kỳ thu hoạch được bán cho thương lái, tiền thu được sẽ dùng cho hoạt động phong trào của nhà trường và quỹ khuyến học của học sinh. Cho biết vườn hoa đã đơm nụ khỏe mạnh, cô Hồng khoe có người trả hơn 80 triệu, giành bao tiêu toàn bộ vườn hoa. Nhiều người mua hoa về cắm còn khen hoa đẹp, khỏe và rất bất ngờ khi biết đó là công sức của các em học trò nhà trường tự chăm sóc.
Với những ước mơ trong học tập và kỹ năng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao được truyền dạy trên ghế nhà trường, các em học sinh trường Dân tộc nội trú phổ thông trung học Lâm Đồng sẽ vững vàng hơn khi chọn cho mình con đường khởi nghiệp.